Tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá DV KBCB BHYT gắn với bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ

Tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá DV KBCB BHYT gắn với bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ 25/12/2015 16:32:00 1841

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Tiếp tục thực hiện lộ trình điều chỉnh giá DV KBCB BHYT gắn với bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao chất lượng dịch vụ

25/12/2015 16:32:00

PV

Triển khai thực hiện quy định tại khoản 20 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế đang chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thiện dự thảo Thông tư liên tịch Bộ Y tế - Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế (DV KBCB BHYT) giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng liệu việc ban hành giá DV KBCB BHYT này có tác động thế nào đối với người dân và liệu chất lượng dịch vụ có được tăng lên tương xứng với việc điều chỉnh giá hay không? Bài viết này sẽ phân tích một số nội dung chính được điều chỉnh trong dự thảo Thông tư và tác động của việc điều chỉnh đến các nhóm đối tượng khác nhau nhằm giải đáp phần nào băn khoăn của độc giả.

Nội dung dự kiến ban hành

Theo dự thảo Thông tư liên tịch, ngoài 03 yếu tố chi phí trực tiếp hiện đang được tính vào giá DV KBCB, Liên Bộ sẽ tiếp tục tính vào giá chi phí phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg và chi phí tiền lương theo lộ trình quy định tại Nghị định số 85/2012/NĐ-CP và Nghị định 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo đó, giá của các nhóm hạng mục dịch vụ sẽ được kết cấu chi phí như sau:

(i) Giá khám bệnh = Chi phí của 3 yếu tố trực tiếp + Chi phí tiền lương.

(ii) Giá ngày giường điều trị = Chi phí của 3 yếu tố trực tiếp + Phụ cấp thường trực + Chi phí tiền lương.

(iii) Giá dịch vụ phẫu thuật, thủ thuật (đã được Bộ Y tế phân loại) = Chi phí của 3 yếu tố trực tiếp + Phụ cấp PT, TT + Chi phí tiền lương.

(iv) Giá dịch vụ kỹ thuật khác = Chi phí của 3 yếu tố trực tiếp + Chi phí tiền lương.

Về mức giá giữa các hạng bệnh viện: Đối với dịch vụ khám bệnh và ngày giường điều trị, mức giá sẽ được quy định tương ứng cho từng hạng bệnh viện (hạng đặc biệt, hạng I, hạng II...); với các dịch vụ kỹ thuật khác (xét nghiệm, chuẩn đoán hình ảnh, phẫu thuật, thủ thuật...), các bệnh viện sẽ có chung một mức giá nhằm khuyến khích các bệnh viện tuyến dưới phát triển kỹ thuật, người dân sẽ  được sử dụng các dịch vụ tốt hơn và được BHYT thanh toán ngay tại địa bàn. Như vậy, khi Thông tư liên tịch được ban hành mức giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại các bệnh viện trên toàn quốc về cơ bản ở cùng một mặt bằng giá, sẽ hạn chế tình trạng “mỗi nơi một giá” như hiện nay, chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh giữa các bệnh viện sẽ đồng đều hơn.

Việc điều chỉnh giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh BHYT thống nhất cho các bệnh viện đồng hạng không ảnh hưởng nhiều đến người bệnh có tham gia BHYT.

Hiện nay, Nhà nước đang thực hiện cấp một phần ngân sách nhà nước cho các cơ sở KBCB công lập để bảo đảm hoạt động thường xuyên của các cơ sở này, do vậy, mức giá dịch vụ sự nghiệp công trong đó có giá DV KBCB tại các cơ sở KBCB công lập chưa bảo đảm bù đắp chi phí thực hiện dịch vụ. Vì vậy, đòi hỏi phải tính đúng, tính đủ các khoản mục chi phí trong giá dịch vụ để thực hiện chủ trương đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập (trong đó có các cơ sở KBCB công lập).

Việc điều chỉnh giá DV KBCB BHYT lần này không phải do tăng chi phí thực hiện dịch vụ KBCB mà là nhằm chuyển các khoản chi nhà nước hỗ trợ cho các bệnh viện vào giá dịch vụ, phần ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các bệnh viện sẽ chuyển sang hỗ trợ trực tiếp cho người dân thông qua chính sách BHYT. Dự kiến việc điều chỉnh giá lần này không tác động lớn đến khoảng 74% dân số đã có bảo hiểm y tế. Cụ thể:

- Không ảnh hưởng đến khoảng hơn 14 triệu người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng KTXH khó khăn, đặc biệt khó khăn, người có công với cách mạng, người dân tại các xã đảo, huyện đảo; thân nhân là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người có công với cách mạng; khoảng gần 9 triệu trẻ em dưới 6 tuổi: Vì theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, từ 01/01/2015 các đối tượng này đã được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KBCB.

- Đối với người cận nghèo: Hiện nay có khoảng 40% người cận nghèo được ngân sách hỗ trợ tối thiểu 70% để tham gia BHYT; Đồng thời hiện Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương sử dụng ngân sách địa phương, các nguồn vốn khác và Bộ Y tế cũng đã huy động một số dự án ODA để hỗ trợ nhằm đạt 100% số người cận nghèo tham gia BHYT... Bên cạnh đó, từ 01/01/2015, đối tượng cận nghèo KBCB BHYT cũng được Quỹ BHYT thanh toán 95% chi phí KBCB, người bệnh chỉ phải chi trả 5%. Vì vậy, việc điều chỉnh giá DVKBCB đến người bệnh cận nghèo không lớn.

- Đối với các đối tượng có BHYT (không thuộc hai trường hợp trên), hiện đang phải tự chi trả 20% chi phí khám, chữa bệnh thì sẽ bị ảnh hưởng nhất định bởi việc điều chỉnh giá dịch vụ. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng không lớn do người bệnh sẽ không phải trả thêm một số khoản mục chi phí mà trước đây chưa tính đủ vào giá, nhưng người bệnh đã phải thanh toán trực tiếp cho bệnh viện ngoài mức giá quy định. Ngoài ra, từ 01/01/2015, người tham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên đi khám, chữa bệnh đúng tuyến và có số tiền cùng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh lũy kế trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở thì được hưởng 100% chi phí KBCB.

Điều chỉnh giá song hành cùng với việc nâng cao chất lượng dịch vụ

Trong thời gian qua, với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ KBCB phục vụ nhân dân như: thực hiện và đẩy mạnh thực hiện Đề án “Đổi mới phong cách, thái độ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh”; nâng cao y đức và tinh thần, thái độ phục vụ người bệnh; tăng cường đào tạo, nâng cao trình độ cán bộ y tế ở bệnh viện các tuyến; tích cực triển khai Đề án giảm quá tải bệnh viện, mở rộng các dự án và bệnh viện vệ tinh; chuyển giao kỹ thuật y tế cho bệnh viện tuyến dưới…; ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện quản lý chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại bệnh viện với 83 tiêu chí, sửa đổi phân hạng bệnh viện trên nguyên tắc hạng bệnh viện gắn với chất lượng, trình độ chuyên môn…

Bên cạnh đó, Bộ Y tế và UBND các tỉnh/Thành phố cũng đã chỉ đạo các cơ sở KBCB tập trung đầu tư, đưa các công trình, hạng mục công trình vào sử dụng, cải tạo nâng cấp khu vực khám bệnh, các buồng bệnh, mua sắm các trang thiết bị chẩn đoán, điều trị, dụng cụ khám bện; cải cách các thủ tục ở khoa khám bệnh, rút ngắn thời gian chờ đợi, yêu cầu các bệnh viện phải mở thêm các bàn khám bệnh, mở thêm các ô tiếp đón và phát số điện tử hoặc hẹn giờ khám bệnh, có các bàn chỉ dẫn, bố trí nơi xét nghiệm lấy máu cùng với nơi khám bệnh để bệnh nhân không mất nhiều thời gian đi lại; ban hành quy định về chất lượng xét nghiệm, quản lý chất lượng dịch vụ y tế...

Đặc biệt, sau khi TTLT được ban hành, các cơ sở KBCB BHYT sẽ đòi hỏi phải tính đúng, tính đủ các khoản mục chi phí trong giá dịch vụ KBCB. Vì vậy, có động lực phấn đấu nâng cao chất lượng dịch vụ và không được thu thêm các khoản chi đã tính trong giá tạo có chế công khai, minh bạch và thuận lợi hơn cho người bệnh có tham gia bảo hiểm y tế.

Các giải pháp đồng bộ trên đã và đang có tác động làm tăng chất lượng KBCB. Nhiều cơ sở KBCB đã nâng cao được chất lượng dịch vụ KBCB khi thực hiện mức giá điều chỉnh, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với chủ trương, chính sách điều chỉnh giá dịch vụ KBCB của Đảng, Nhà nước.