Văn Nam
Sau nhiều tính toán cân nhắc, mới đây Hội đồng tiền lương quốc gia đã chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 trình Thủ tướng Chính phủ là tăng 12,4% so với năm 2015. Tuy nhiên, xung quanh vấn đề nhạy cảm này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều của các tổ chức, ban ngành, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước.
Nhiều cách tính toán khác nhau
Để đi đến kết luận cuối cùng chốt phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016, Hội đồng tiền lương quốc gia đã phải tổ chức đến 3 cuộc họp. Mặc dù đã thống nhất phương án tăng lương cuối cùng, song dư luận vẫn ghi nhận giữa đại diện người Lao động và đại diện giới chủ doanh nghiệp vẫn chênh nhau khá lớn. Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất tăng khoảng 16,8%, trong khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tiếp tục bảo lưu quan điểm mức tăng lương không quá 10% so với lương tối thiểu năm 2015.
Bảo vệ quan điểm của mình, phía Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, mức lương hiện tại của người lao động chưa đáp ứng được cuộc sống tối thiểu cho người lao động và gia đình. Theo khảo sát, hiện lương tối thiểu chỉ đáp ứng 74 - 75% mức sống tối thiểu. Từ nghiên cứu thực tế, đại diện người lao động vẫn tiếp tục bảo lưu đề xuất tăng lương tối thiểu thêm 16,8% so với 2015.
Còn VCCI cho rằng, mức tăng năng suất lao động chưa tương ứng với mức tăng lương, lạm phát những năm qua cũng duy trì ở mức thấp. Trong khi đó, hoạt động của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp phải đóng cửa tiếp tục tăng. Do đó, nếu mức tăng lương quá cao sẽ đẩy thêm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh, thậm chí phá sản dẫn tới thất nghiệp tăng. Với lý do đó, VCCI đề xuất chỉ tăng lương tối thiểu khoảng 10% là phù hợp.
Như vậy, hiện tại mức đề xuất tăng lương tối thiểu vùng giữa các bên vẫn còn khoảng cách khá lớn, khi đại diện giới sử dụng lao động chỉ đồng ý tăng thêm 0,7% so với trước đó, còn đại diện người lao động chỉ đồng ý giảm 2,5% mức đề xuất so với ban đầu. Theo đó, mức tăng lần lượt là 400.000 đồng với vùng 1, 350.000 đồng với vùng 2, 300.000 đồng với vùng 3, và 250.000 đồng với vùng 4.
Doanh nghiệp lo ngại
Bày tỏ sự lo ngại trong việc điều chỉnh hạn mức tăng tiền lương tối thiểu của Chính phủ mới đây, nhiều doanh nghiệp thuộc Hiệp hội chế biến và xuất khẩu Thuỷ sản (Vasep) cho rằng điều chỉnh tăng lương tối thiểu sẽ không khiến lương thực lĩnh của người lao động được tăng lên mà còn bị giảm đi.
Cụ thể, tại cuộc họp bàn về vấn đề điều chỉnh lương tối thiểu giữa lãnh đạo Bộ Lao động Thương binh và Xã hội với Vasep cùng Hiệp hội da giầy - túi xách Việt Nam diễn ra mới đây, một lần nữa đại diện cho các ngành sử dụng lao động cho rằng, điều chỉnh tăng lương tối thiểu quá cao sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp, trong khi đó, có thể thu nhập người lao động không tăng thêm.
Ông Lê Văn Quang, Phó Chủ tịch Vasep, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Thủy hải sản Minh Phú cho biết, hiện nay, hầu hết các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản đều trả lương cao hơn mức lương tối thiểu vùng từ 50% đến 100%. Như vậy, việc tăng lương tối thiểu vùng là không có ý nghĩa, không ảnh hưởng tới lương thực lĩnh hiện nay của người lao động. Ngược lại, điều này chỉ gây bất ổn cho doanh nghiệp và ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống người lao động. Giá cả thị trường cũng nhân câu chuyện tăng lương để “ăn theo”, giá nhà trọ và giá cả các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu khác cũng tăng theo, khiến cho đời sống người lao động càng khó khăn thêm.
Theo bà Thuý Hạnh, Giám đốc nhân sự một doanh nghiệp chế biến thuỷ sản khác đóng trên địa bàn Đồng bằng sông Cửu Long lại khẳng định, tăng lương tối thiểu, thực tế thu nhập người lao động sẽ giảm đi. Theo bà Hạnh, khi lương tối thiểu tăng, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp phải đóng tăng thêm các khoản chi phí khác như bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, phí công đoàn… người lao động cũng sẽ mất đi một phần thu nhập hàng tháng để đóng các loại phí nói trên.
Để chứng minh cho việc thu nhập người lao động bị giảm khi lương tối thiểu tăng, Vasep cũng đưa ra một phép tính cụ thể: Một doanh nghiệp chi trả cho một công nhân lao động phổ thông với mức thu nhập 6.000.000 đồng/tháng (doanh nghiệp này nằm trong khu vực mức lương tối thiểu vùng II là 2.750.000 đồng). Số tiền lương này bao gồm 34,5% các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và phí công đoàn. Có nghĩa là, khi người lao động nhận lương sẽ phải trừ đi 693.000 đồng các chi phí nói trên của doanh nghiệp đóng và 303.000 đồng phần phí người lao động đóng. Như vậy, người lao động thực lĩnh trong một tháng là: 6.000.000 - 693.000 - 303.188 = 5.003.812 đồng. Năm 2016, nếu mức lương tối thiểu vùng tăng 12,4% thì lương tối thiểu vùng II sẽ là: 3.091.000 đồng và mức các loại phí phải đóng tăng lên 1.119.715 đồng. Lúc này, lương thực lĩnh chỉ còn: 6.000.000 - 1.119.715 = 4.880.285 đồng. Như vậy, trên thực tế thu nhập người lao động sẽ giảm 123.527 đồng/tháng.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Chế biến và xuất khẩu thuỷ sản Thọ Quang chia sẻ thêm, hiện nay giá tôm Ấn Độ, Indonesia rẻ hơn ở Việt Nam. Nếu doanh nghiệp phải tăng lương, tăng các khoản chi phí khác, thì tất cả các chi phí đó lại đổ đầu sản phẩm, chắc chắn khó cạnh tranh được với các nước. “Khi sản phẩm làm ra không xuất khẩu được, không bán được, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, sẽ phải cắt giảm lao động, thậm chí là phá sản, thì thất nghiệp lại tăng cao. Những hệ lụy này là lợi bất cập hại nhìn rõ được, ông Lĩnh nói.
Tuy nhiên, theo quan điểm của bà Tống Thị Minh, Vụ trưởng Vụ Tiền lương, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho rằng, những con số mà doanh nghiệp đưa ra báo cáo thường không phải là con số thực tế, nên rất khó để có thể tính toán được một cách hợp lý. Mức lương tối thiểu là mức sàn, nếu hầu hết doanh nghiệp đã trả cao hơn mức này thì thực tế mức điều chỉnh nói trên không ảnh hưởng nhiều đến khả năng chi trả của doanh nghiệp.
Còn theo quan điểm chỉ đạo của ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, chúng ta nên tìm ra hướng tốt nhất cho người lao động, Chính phủ sẽ có giải pháp và đồng hành hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển. Riêng về vấn đề lương theo ông Huân nên đi theo thị trường, thỏa thuận với người lao động, Nhà nước đưa ra mức lương tối thiểu, doanh nghiệp theo mức thu nhập của mình để thống nhất với họ mức lương hợp lý./.
Box: Mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 đề xuất tăng từ 250.000 - 400.000 đồng/tháng:
Đơn vị: đồng
Vùng | MLTT 2015 | Đề xuất MLTT 2016 | Tăng so với 2015 |
Vùng 1 | 3.100.000 | 3.500.000 | 400.000 |
Vùng 2 | 2.750.000 | 3.100.000 | 350.000 |
Vùng 3 | 2.400.000 | 2.700.000 | 300.000 |
Vùng 4 | 2.150.000 | 2.400.000 | 250.000 |