Sức hấp dẫn từ các khu kinh tế, khu công nghiệp của Việt Nam

Sức hấp dẫn từ các khu kinh tế, khu công nghiệp của Việt Nam 18/01/2016 15:20:00 1822

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Sức hấp dẫn từ các khu kinh tế, khu công nghiệp của Việt Nam

18/01/2016 15:20:00

Văn Nam

Làn sóng thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, khu công nghiệp (KKT, KCN) đang phát triển mạnh mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều địa phương trên địa bàn cả nước. Đó cũng là một trong những hướng đi chiến lược của Việt Nam nhằm kêu gọi các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Đó cũng là chủ đề chính trong Hội nghị giao ban các khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghiệp, công nghệ cao được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây tại Cần Thơ.

Nhiều nhưng thiếu đồng bộ

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến hết tháng 9/2015, cả nước có 299 KCN được thành lập với tổng diện tích đất tự nhiên 85.000ha. Trong đó có 212 KCN đã đi vào hoạt động và 87 KCN đang trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ bản. Tổng diện tích đất công nghiệp đã cho thuê của các KCN đạt 27.000ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 49%. Riêng các KCN đã đi vào hoạt động có tỷ lệ lấp đầy đạt trên 67%. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của các KCN, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao là tình trạng nhiều KCN vẫn không có nhà đầu tư hoặc có quy hoạch nhưng không triển khai; vẫn còn tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương như giảm giá cho thuê đất dưới giá thành, có ưu đãi riêng của địa phương. Việc đầu tư hạ tầng trong và ngoài KCN ở một số KCN chưa đồng bộ. Công tác quản lý giá cho thuê đất giữa chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN với doanh nghiệp thuê đất vẫn còn bất cập và chưa phù hợp....

Trước tình trạng đó, tại Hội nghị giao ban, đại diện lãnh đạo nhiều Ban quản lý KCN, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao đã đề xuất các địa phương đã có quy hoạch KCN cần tập trung quản lý về xây dựng, hạn chế đến mức thấp nhất chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư. Ngoài ra, cũng kiến nghị Chính phủ cần có biện pháp giải quyết tình trạng buông lỏng quản lý tại các KCN, khu chế xuất, khu công nghệ cao như nhiều KCN không có nhà đầu tư hoặc quy hoạch KCN nhưng lại không triển khai; tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các địa phương như giảm giá cho thuê lại đất dưới giá thành, có ưu đãi riêng của địa phương... Đồng thời, cũng mong muốn Chính phủ có biện pháp rà soát lại, địa phương nào có điều kiện thì tiếp tục phát triển và mở rộng, KCN nào không hiệu quả hoặc không triển khai thì nên giảm. Để tạo thuận lợi trong công tác quản lý nhà nước về đầu tư, các bộ, ngành cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Xây dựng để Ban Quản lý các KCN, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao triển khai, áp dụng. Ngoài ra, cần có cơ chế thông thoáng hơn để kêu gọi các thành phần kinh tế đầu tư cùng ngân sách địa phương để xây dựng nhà ở cho công nhân trong các KCN.

Vẫn là thỏi “nam châm vàng”

Một thống kê mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, đa phần khi đến Việt Nam các nhà đầu tư nước ngoài thường nhắm chọn các KKT, KCN là địa điểm đặt đại bản doanh làm ăn kinh doanh xây dựng nhà máy, nhà xưởng cho riêng mình. Cụ thể, trong 10 tháng đầu năm nay, đã có không ít các dự án FDI quy mô lớn được đặt đại bản doanh tại các KKT, KCN như trường hợp của Samsung Display, 3 tỷ USD; Hyosung Đồng Nai, 660 triệu USD; Worldon TP.HCM, 300 triệu USD... Điều này là minh chứng rõ ràng cho thấy việc cần phải đầu tư có bài bản, có chọn lọc cho sự phát triển của các KKT, KCN ở Việt Nam.

Theo ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý KKT (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), thực tế sau hơn 20 năm Việt Nam mở cửa thị trường thu hút đầu tư thì các KKT, KCN vẫn là thỏi nam châm để thu hút đầu tư, và đó vẫn là mô hình ưu Việt nhất. Xét về hiệu quả kinh tế, số liệu mới nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng cho biết, lũy kế tính đến hết tháng 10/2015, các KCN trong cả nước đã thu hút được 5.985 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 96,125 tỷ USD, còn các KKT thu hút được 305 dự án FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký 42 tỷ USD, đã chứng minh sức hút của KKT, KCN. Ngoài các dự án FDI, các KCN và KKT cũng đã thu hút được tổng cộng hơn 1,12 triệu tỷ đồng vốn đầu tư trong nước.

Một thuận lợi khác dành cho Việt Nam là hiện nay nhiều quốc gia trên thế giới đều coi Việt Nam là điểm đến công nghiệp hàng đầu do có lợi thế về nhân công giá rẻ, địa lý thuận lợi giao thương. Quan trọng hơn là Việt Nam đã đàm phán và ký kết thành công hàng loạt các hiệp định tự do thương mại quan trọng như TPP, AEC, EVFTA…. Mở ra các cơ hội phát triển vũ bão cho các ngành kinh tế mũi nhọn như dệt may, điện tử, nông nghiệp… Điều này vô hình chung đã biến Việt Nam thành công xưởng của thế giới với sức hấp dẫn khó có thể chối từ với bất cứ nhà đầu tư nước ngoài nào trên thế giới.