Chiến lược tái cấu trúc TTTC Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá

Chiến lược tái cấu trúc TTTC Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá 18/01/2016 15:24:00 1238

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Chiến lược tái cấu trúc TTTC Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá

18/01/2016 15:24:00

TS.Nguyễn Đại Lai–Chuyên gia Tài chính, Ngân hàng

Tại thời điểm hiện nay, trên thị trường tài chính Việt Nam (TTTC) có 44 ngân hàng thương mại (NHTM) quốc tịch Việt Nam với tổng vốn điều lệ tính đến cuối năm 2014 khoảng 360.000 tỷ đồng; hơn 60 ngân hàng 100% vốn nước ngoài và các chi nhánh ngân hàng nước ngoài; 4 ngân hàng liên doanh với nước ngoài; 2 ngân hàng chính sách; 01 ngân hàng hợp tác; khoảng 950 Quĩ tín dụng nhân dân và trên dưới 100 Tổ chức tín dụng phi ngân hàng, gồm: các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, công ty bảo hiểm, công ty chứng khoán và các loại Quĩ có các hoạt động kinh doanh vốn vì mục đích lợi nhuận. Trong đó, hầu hết các NHTM lớn đều có công ty cho thuê tài chính và hầu hết các Tổng công ty lớn phi ngân hàng đều thành lập các công ty tài chính để làm dịch vụ tài chính – kế toán và kinh doanh vốn chủ yếu cho công ty mẹ.

Vấn đề đặt ra

Do sự phát triển áp đảo của các Định chế tài chính (ĐCTC) so với sự phát triển của sức sản xuất trong những năm gần đây đã làm cho bức tranh thị trường Việt Nam nói chung và TTTC nói riêng luôn nằm trong trạng thái “thừa vốn, thừa hàng và thiếu tiền”. Đó là biểu hiện của một nền kinh tế không cân đối cung cầu, trong đó tổng cầu yếu hơn tổng cung. Theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới về tình hình phát triển của Việt Nam (năm 2009), thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam tụt hậu tới 51 năm so với Indonesia, 95 năm so với Thái Lan và 158 năm so với Singapore. Đến nay, dù kinh tế Việt Nam đã tương đối khởi sắc, nhưng khoảng cách trên vẫn còn nguyên giá trị. Thực tế là Việt Nam có tới “3 nền kinh tế” vận hành theo các cơ chế, chuẩn mực và điều kiện cạnh tranh rất khác nhau. Trong đó khu vực kinh tế Nhà nước lớn nhất nhưng năng suất và hiệu quả quay vòng vốn thấp nhất, tiếp sau là khu vực kinh tế nội ngoài Nhà nước, hiệu suất cao nhất là khu vực FDI cũng đồng thời là khu vực được “trải thảm đỏ”, được lựa chọn các lĩnh vực thuận lợi và có ngân hàng ngoại riêng, khép kín để phục vụ. Chỉ số quay vòng vốn (tính bằng doanh thu trên vốn) của khu vực FDI cao hơn các khu vực còn lại, đạt 0,9 lần năm 2013 (năm 2000 là 0,7 lần), trong khi khu vực dianh nghiệp (DN) ngoài nhà nước là 0,7 lần và thấp nhất là các DNNN chỉ có 0,5 lần. Theo Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tính đến ngày 31/12/2013, cả nước có khoảng 500 nghìn DN đang hoạt động trong tổng số 770 nghìn DN đã được thành lập. Như vậy, nền kinh tế luôn trong tình trạng “bí đầu ra” hơn là nhu cầu cho đầu vào của quá trình tái sản xuất ngay trong môi trường hội nhập và toàn cầu hoá.

Vậy TCTD sẽ phải làm gì trong bối cảnh thừa vốn, thiếu tiền trong nền kinh tế hiện nay? Nếu cứ mạo hiểm cho vay vừa rẻ, vừa dưới chuẩn thì điều gì sẽ xảy ra? Nếu tất cả các TCTD cứ đồng loạt ra sức săn đón các vị khách hàng từ khu vực DNNN, từ các DN “sân sau”, từ các dự án liên ngành nhưng vô chủ như bấy lâu nay… thì liệu có tránh được rủi ro không? Và câu hỏi nhức nhối khác trong mối quan hệ giữa tăng trưởng tín dụng với an toàn hệ thống ngân hàng là dùng cơ chế nào để rót được tín dụng vào khu vực DNVVN, khu vực nông thôn và tư nhân cần vốn nhưng không đủ điều kiện tiếp cận tối thiểu để vay vốn? Trong khi mật độ các ĐCTC đang ở mức “dày đặc” lại hầu như hoạt động giống nhau theo cách cùng đưa ra thị trường những sản phẩm giống nhau như: cho vay và vay để cho vay bên cạnh một tỷ lệ nhỏ doanh số dịch vụ phi tín dụng vừa đắt, vừa bắt ép, vừa kém tiện ích. Nghĩa là hiện tại ở nước ta các cơ chế hoạt động theo mô hình công ty tài chính, ngân hàng đầu tư, các ĐCTC phi ngân hàng khác đang bị trộn lẫn với hoạt động NHTM và cùng hướng vào thị trường tín dụng để bán vốn hơn là để làm dịch vụ tư vấn sử dụng vốn và/hoặc để chạy tiếp sức trong việc cung ứng vốn.

Trong khi đó, việc cạnh tranh không lành mạnh và sự chồng chéo về mô hình tổ chức trong cùng một NHTM nội của Việt Nam đã tạo ra mầm mống rủi ro rất lớn trên nhiều lĩnh vực hoạt động của TTTC. Nguồn gốc phát sinh nợ xấu của ngân hàng trước hết và quan trọng nhất là hoạt động tín dụng ngân hàng không tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc an toàn trong bối cảnh toàn cầu hoá, mà điển hình là môi trường cạnh tranh rất thiếu lành mạnh. Phần lớn nợ xấu đều tập trung ở khu vực cho vay tín chấp của Nhà nước hoặc của chính các ngân hàng cho nhóm khách hàng “VIP” của mình. Tình trạng có sự cấu kết giữa DN với ngân hàng thông qua quan hệ đồng sở hữu ngân hàng và/hoặc sự cấu kết giữa ngân hàng với đại cổ đông có các công ty, DN riêng, đã biến ngân hàng thành công cụ hút vốn của xã hội vào những dự án xây dựng và dự án BĐS. Vì vậy, không ít Ngân hàng nội đã vô tình biến mình thành công cụ cho các khách hàng. Trong khi lúc này ở nước ta lại có quá nhiều các ĐCTC sinh ra với mục đích sử dụng các nguồn vốn rẻ của Nhà nước hoặc sự hỗ trợ của Nhà nước hoạt động song song với tín dụng theo cơ chế thị trường để cung ứng tín dụng cho các khu vực yếu thế như: xoá đói, giảm nghèo, hỗ trợ phát triển nông thôn, phát triển khu vực xuất nhập khẩu…, đó là các Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), Ngân hàng phát triển Việt Nam (NH PT VN - VDB), Ngân hàng có cổ phần nhà nước chiếm tỷ lệ áp đảo, Ngân hàng hợp tác và rất nhiều loại Công ty tài chính hay các loại Qũy khác nhau do các cơ quan Nhà nước lập ra… để thực hiện các sứ mệnh bao cấp khác nhau. Các đối tượng thụ hưởng ở đầu vào, đầu ra khác nhau được chọn lọc để ưu ái, thậm chí được đặt trong các cơ quan quản lý nhà nước ở những đầu mối khác nhau.

Đề xuất chính sách

Chính vì vậy, vấn đề quản trị rủi ro Ngân hàng hiện nay là cực kỳ quan trọng. Đã đến lúc chúng ta cũng không thể để tình trạng mập mờ, cạnh tranh không lành mạnh giữa các nghiệp vụ (các sản phẩm) NHĐT, Ngân hàng phát triển, Ngân hàng chính sách và NHTM hạch toán chung trong cùng một ĐCTC nói riêng và tình trạng thiếu mô hình Tập đoàn tài chính (TĐTC) để khắc phục trong toàn bộ TTTC nói chung ở nước ta. Không thể tiếp tục để tình trạng TCTD lạm dụng vốn ngắn hạn, tiền gửi của NSNN, thậm chí vốn trong thanh toán của khách hàng để cho vay hay đầu tư trung và dài hạn với tỷ lệ quá lớn. Việt Nam đã có Uỷ Ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG), tuy nhiên, Uỷ Ban này mới chỉ có chức năng tham mưu, tư vấn về an ninh trên thị trường tài chính cho Thủ tướng Chính phủ chứ chưa có chức năng Nhà nước nào trong vai trò là “ngôi nhà chung” của hoạt động thanh tra giám sát đồng bộ TTTC. Các thị trường bộ phận trong TTTC vẫn tự thanh tra - giám sát riêng.

Trước bức tranh thực trạng về năng lực tổng cầu của nền kinh tế đang rất yếu, về sự ì ạch của thị trường tín dụng nói riêng và về sự lộn xộn của TTTC nói chung đã, đang và sẽ còn có nguy cơ kéo dài trong bối cảnh dày đặc mật độ các ĐCTC cũng như sự chồng chéo các nghiệp vụ cung ứng vốn của các TCTD ở nước ta hiện nay, đã đến lúc chúng ta không thể cứ đuổi theo chữa cháy, mà rất cần một cuộc cách mạng mang tính chiến lược về tái cấu trúc TTTC. Dưới đây là một số đề xuất các quan điểm và nội dung cụ thể theo hướng đó:

Một là: Nhà nước cần tạo ra cơ chế để tác động mạnh mẽ, có hiệu quả trực tiếp và gián tiếp vào mục tiêu tăng tổng cầu cho nền kinh tế thông qua cơ chế phân bổ lại nguồn lợi của toàn dân từ tài nguyên quốc gia và trả đúng giá trị sức lao động cho người lao động. Các giải pháp về cơ chế cụ thể là:

Tiếp tục nghiên cứu, điều chỉnh tối thiểu lương cơ sở sao cho người hưởng lương bình quân phải đủ tái sản xuất sức lao động của người đó và một người ăn theo ở mức trung bình xã hội.

Có cơ chế cho mở rộng đối tượng thu thuế tài nguyên dưới nhiều hình thức mà bản chất là địa tô của chủ sở hữu đang bị lợi dụng hoặc bỏ rơi, như: địa tô sử dụng đất trong nông nghiệp, nông trường, công nghiệp, xây dựng, thương mại, khai thác tài nguyên mỏ, quặng, rừng, sông, biển, không gian, cảnh quan thiên nhiên theo các nguyên lý về địa tô chênh lệch và địa tô tuyệt đối một cách bình đẳng đối với mọi đối tượng đang sử dụng làm kinh tế. Theo đó, Pháp luật phải khẳng định rõ quan hệ giữa quyền sở hữu tài sản với các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước để chống các hiện tượng đầu cơ ôm tài nguyên, độc chiếm/hoặc “ngâm” tài nguyên quốc gia một cách bất khả sinh lợi cho NSNN.

Nghiên cứu tiến tới có Luật quy định chặt chẽ các nghiệp vụ như: Hạch toán thống nhất nguồn đầu tư của Chính phủ với chi của NSNN; Thống nhất nợ của Chính phủ với nợ của NSNN; Thống nhất thu của Chính phủ với thu của NSNN. Toàn bộ tiền tạm thời nhàn rỗi của NSNN (gồm cả nội và ngoại tệ) phải được gửi duy nhất tại NHTW chứ không phải tại TCTD hay các Quĩ của Nhà nước. Nhà nước (gồm cả Chính phủ) tiến tới là Nhà nước làm quản lý Nhà nước và thu - chi công chứ Nhà nước không phải làm kinh tế.

Trên cơ sở tăng thu các nguồn từ cổ phần hoá, từ thoái vốn nhà nước ở các Công ty, DN, từ các nguồn bị thất thoát và/hoặc bị bỏ rơi để tạo nguồn thay thế cho việc giảm mạnh thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập DN, giảm học phí, viện phí và khuyến khích mở ra các cơ chế phát hiện, thu hút trọng dụng nhân tài, phát triển khoa học, phát hiện và tài trợ mạnh, có hiệu quả cho sáng chế công nghệ, mở ra các khu kinh tế mới, các cụm đào tạo mới ở các vùng, miền xa thành phố theo qui hoạch tổng thể, nhằm khai thác tối đa các lợi thế so sánh vùng, miền và kéo giãn mật độ phân bố lực lượng lao động ra khỏi các thành phố lớn.

Hai là: Cần nhanh chóng tái cấu trúc lại không chỉ các TCTD mà toàn bộ TTTC Việt Nam theo hướng phân chia minh bạch ranh giới các loại ĐCTC trên TTTC bao gồm: Ngân hàng, TCTD phi ngân hàng, tổ chức tài chính vi mô và quỹ tín dụng nhân dân. Trong đó, ngân hàng cần được phân chia chi tiết hơn theo cơ chế hoạt động của từng loại, gồm: NHĐT, NHPT, NHTM để khắc phục việc phân chia ngân hàng chung chung theo mục tiêu hoạt động, thành NHTM, NHCS và NH hợp tác xã như đang ghi trong Luật hiện nay. Việc này sẽ nhanh chóng phân chia được thị trường vốn thành các kênh dẫn vốn hợp lý hơn, minh bạch hơn và tôn trọng được các quy luật thị trường trên các thị phần vốn. Tình trạng hấp thụ vốn của nền kinh tế do đó không còn căn bản đo bằng tốc độ tăng, giảm tín dụng nữa, mà đo bằng tốc độ tăng, giảm tổng đầu tư nền kinh tế và do đó đo bằng tốc độ tăng/giảm chất lượng cuộc sống cũng như tốc độ tăng/giảm GDP thực tế hàng năm.

Ba là: Cần xem xét tái cấu trúc lại mô hình, chức năng và vị thế quyền lực cho UBGSTCQG. Việc tái cấu trúc này nên theo hướng: UBGSTCQG là cơ quan quyền lực cấp quốc gia, trực thuộc Chính phủ, được ban hành Quyết định, Thông tư, VBQPPL khác… đối với các chuẩn mực, tính nghiêm minh, tính khách quan, tính thống nhất các thông lệ quốc tế, các chuẩn quốc gia, các điều kiện hoạt động an toàn của từng thị trường bộ phận và toàn bộ TTTC VN và được can thiệp vào việc tăng cường chất lượng, năng lực của bộ máy tổ chức, nhân sự cấp cao của các cơ quan thanh tra, giám sát chuyên ngành trong các thị trường bộ phận của TTTC... Đồng thời, với quyền lực nói trên, UBGSTCQG cùng phải có trách nhiệm giải trình, báo cáo trước Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ, Quốc hội về an toàn của TTTC VN theo định kỳ và bất thường.

Bốn là: Cơ quan quản lý Nhà nước về Ngân hàng (NHNN) cần nghiên cứu và sớm công bố mô hình và cơ chế hoạt động của Tập đoàn Tài chính – Ngân hàng hoặc gọi là Tập Đoàn tài chính chuyên ngành (TĐTC) để đáp ứng nhu cầu bức xúc của quá trình tái cấu trúc các ĐCTC hiện nay.Việc hình thành TĐTC chuyên ngành một cách danh chính ngôn thuận dựa trên Qui chế minh bạch là vô cùng cần thiết để hạn chế hoạt động đầu tư chéo, để minh bạch hoá quan hệ sở hữu, để buộc mỗi ĐCTC con trong cùng một TĐTC phải đội mũ pháp nhân riêng, trách nhiệm riêng, để qui chế hoá các hoạt động quản trị, điều hành theo mô hình tập đoàn, để đảm bảo an toàn cho hoạt động của các pháp nhân là các ĐCTC hạch toán độc lập trong TĐTC đúng như thông lệ quốc tế. Theo đó, phải thoái vốn cổ phần của mọi DN phi tài chính nhằm hút nguồn từ ngân hàng một cách bất chấp các ràng buộc về quản trị rủi ro khác nhau giữa các loại ĐCTC khác nhau nhưng vẫn nằm trong NHTM như hiện nay. Mô hình TĐTC chuyên ngành gồm tập hợp các ĐCTC có pháp nhân độc lập cùng đội chung một Logô, có chung một công ty mẹ và tuân thủ các qui chế hoạt động của Tập đoàn về sự phân chia các dòng sản phẩm cung ứng ra cho nền kinh tế.

Năm là: Trong khi chờ và/hoặc chưa ban hành quy chế mô hình TĐTC, Chính Phủ/hoặc Thủ Tướng Chính Phủ cũng cần có Nghị định và/hoặc Quyết định về việc thoái vốn hoàn toàn của các Công ty, DN sản xuất, dịch vụ phi tài chính/phi ngân hàng ra khỏi tất cả các NHTM cổ phần. Đồng thời cũng cần quy định nguyên tắc công khai, minh bạch danh sách các đơn vị, cá nhân có quan hệ sở hữu vốn điều lệ, vốn tự có trong nội bộ các ĐCTC cổ phần cũng như mức độ các quan hệ sở hữu chéo giữa các ĐCTC với nhau để kiểm soát minh bạch quá trình hình thành TĐTC của các TĐTC tương lai khi có mô hình chính thức qui định bằng luật pháp.

Sáu là: Tổ chức lại các ĐCTC hiện đang thực thi sứ mệnh bao cấp vốn cho các đối tượng yếu thế trong xã hội theo hướng: Tái cấu trúc lại chức năng, nhiệm vụ theo cơ chế thị trường. Thống nhất chịu sự quản lý Nhà nước của NHNN, xoá bao cấp, nhưng được hỗ trợ về điều kiện tiếp cận, về cơ chế bảo toàn vốn, về tư vấn sử dụng vốn, về thị trường đầu ra và thậm chí hỗ trợ trực tiếp có chọn lọc bằng tiền trả lãi suất…để ngày càng thu hẹp đối tượng yếu thế trong quá trình hoà nhập với các thị phần vốn thích hợp trong nền kinh tế thị trường. Theo đó, cần tách bạch rõ ràng các hoạt động an sinh xã hội với hoạt động theo cơ chế thị trường trong toàn bộ TTTC Việt Nam.

Bảy là: Về việc xử lý nợ xấu đã và đang tồn đọng tại các NHTM cần phải được điều chỉnh bằng một nghị định của Chính phủ, thậm chí bằng một pháp lệnh hay một luật riêng của Nhà nước về việc phân loại nợ xấu và quy chế xử lý nợ xấu theo các cấp độ xử lý công khai. Theo đó, nếu nợ xấu từ nhóm 4 trở lên khi chạm vượt ngưỡng 2,5 lần vốn tự có của NHTM thì bất luận NHTM đó thuộc thành phần sở hữu nào đều bị buộc phải bán lại cho NHNN và/hoặc một ĐCTC do NHNN chỉ định với giá bằng 0 và/hoặc giá âm để chủ mới cơ cấu lại theo hướng chuyển đổi qui mô, thay đổi mô hình tổ chức, thay toàn bộ Hội đồng quản trị và bảo vệ người gửi tiền trước khi đủ hồi phục để đưa lên sàn TTTC bán thu hồi vốn cho chủ mới. Việc xử lý các bên gây ra nợ xấu sẽ thực hiện đúng nguyên tắc: Ai/tổ chức nào gây ra nợ xấu thì người/tổ chức đó phải trả giá bằng cả vật chất lẫn trách nhiệm trước pháp luật. Công ty mua bán nợ hiện nay (VAMC) chỉ mua lại nợ xấu đối với các NHTM còn có khả năng tồn tại và có nợ xấu dưới ngưỡng bị buộc phải quốc hữu hoá.