Phương Thảo
Chè là một trong những mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Song do những bất cập trong sản xuất và chế biến nên dù đứng thứ 5 thế giới về diện tích trồng nhưng chè Việt Nam vẫn chưa có sự phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có của mình. Vậy, làm thế nào để thương hiệu “chè Việt Nam” có được vị thế tương xứng với tiềm năng trên thị trường thế giới là điều đáng bàn, đáng phải suy ngẫm.
Nỗi lo có thể đọc tên…
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu chè liên tục suy giảm trong mấy năm gần đây. Cụ thể, khối lượng chè xuất khẩu năm 2013 đạt 138 nghìn tấn với giá trị đạt 222 triệu USD, giảm 6,3% về khối lượng và 1,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2012; khối lượng xuất khẩu chè năm 2014 cũng giảm 5,3% về khối lượng và giảm 0,2% về giá trị so với năm 2013, đạt 134 nghìn tấn với giá trị đạt 229 triệu USD. Sang năm 2015, trong 7 tháng đầu năm, khối lượng xuất khẩu chè ước đạt 65 nghìn tấn, với giá trị đạt 111 triệu USD, giảm 8,9% về khối lượng và giảm 5,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014.
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu giảm song trong 6 tháng đầu năm 2015, giá chè xuất khẩu bình quân lại tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2014, đạt 1.684 USD/tấn. Và điều đáng mừng là khối lượng chè xuất khẩu sang Pakistan (thị trường lớn nhất của Việt Nam với 37,1% thị phần) tăng 27,85% về khối lượng và tăng 27,97% về giá trị so với cùng kỳ năm 2014. Các thị trường có giá trị xuất khẩu tăng đột biến là Ucraina (+98,5%), các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (+44,2%), và Pakistan (+27,9%)… nhưng những thị trường truyền thống lại giảm đáng kể về khối lượng và giá trị xuất khẩu, cụ thể: Đài Loan giảm 27% khối lượng và 21,7% về giá trị, Trung Quốc với mức giảm tương ứng là 30,3% và 26,3%, Hoa Kỳ là 22% và 19,4%.
Đây là nỗi lo có thực của ngành chè Việt Nam nói riêng và ngành nông nghiệp Việt Nam nói chung khi cây chè được coi là cây có hiệu quả kinh tế cao so với các cây trồng khác, đóng vai trò “xoá đói, giảm nghèo” và góp phần quan trọng để làm giàu cho địa phương. Song hiện tại cây chè Việt chưa khẳng định đúng vị thế so với cây chè các nước có điều kiện kinh tế - xã hội tương tự như: Kenya, Srilanca, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan… bởi sản phẩm chè Việt Nam xuất khẩu bao năm qua vẫn chỉ dừng chủ yếu dưới dạng chè thô và giá trị cũng kém so với các nước khác. Hiệp hội Chè Việt Nam cho rằng, tuy là nước xuất khẩu nguyên liệu lớn nhưng ngành chè Việt Nam đã bộc lộ nhiều bất cập ở cả 3 công đoạn: trồng, chế biến và tiêu thụ. Cả nước hiện đang có khoảng 140.000 ha đất trồng chè. Diện tích chè đang cho thu hoạch là 130.000 ha, năng suất bình quân đạt 8 tấn búp tươi/1ha. Trong khi tổng sản lượng chè của Việt Nam chỉ đạt 185.000 - 200.000 tấn chè khô/năm, nhưng tổng công suất các nhà máy chế biến từ búp chè tươi lại lớn hơn gấp hai, ba lần. Chính sự mất cân bằng trong cung cầu khiến cho hầu hết các vùng nguyên liệu chè đang bị phá nát do nạn tranh mua, tranh bán. Vì cung không đủ cầu nên các doanh nghiệp chỉ quan tâm thu mua cho đủ nguyên liệu mà chưa chú trọng nhiều tới chất lượng sản phẩm.
Trên thực tế, hiện Việt Nam có nhiều cơ sở chế biến lớn nhưng chưa tập trung và chưa có hệ thống chuỗi cung ứng liên hoàn từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ. Cả nước có khoảng 450 cơ sở, nhà máy chế biến chè (có đăng ký) nhưng chỉ có khoảng 10% trong số các các cơ sở trên có vùng nguyên liệu riêng. Còn lại, phần lớn nguyên liệu của các nhà máy phụ thuộc vào thương lái thu gom từ nhiều nguồn khác nhau, hầu hết do các nông hộ nhỏ sản xuất cho nên khó có thể xác định, truy xuất được nguồn gốc và kiểm soát được dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có trong nguyên liệu chè. Người trồng chè vì lợi nhuận đã tăng cường sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hoá học để tăng năng suất mà không chịu sự kiểm soát của bất cứ cơ quan chức năng nào trong quá trình sản xuất. Vì vậy liên tục trong năm 2014 và gần nửa đầu năm 2015, khá nhiều lô hàng sản phẩm chè Việt Nam khi xuất sang Đài Loan đã bị trả loại do dư lượng 2 hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật là Acetamiprid và Imidacloprid vượt quá mức cho phép. Ngoài 2 hoạt chất này, hiện còn có thêm 4 hoạt chất khác (Fipronil, Carbendazim, Cypermethrin, Buprofezin) cũng đang bị các nước nhập khẩu chè, đặc biệt là EU và Đài Loan nghiêm cấm sử dụng, nhưng vẫn chưa bị các cơ quan chức năng Việt Nam loại khỏi danh sách cấm sử dụng trên cây chè. Hậu quả, giá chè xuất khẩu của Việt Nam đã bị rơi xuống đáy của thị trường chè thế giới (chỉ được 1,8 USD/kg trong khi giá bình quân thế giới 3 - 4 USD/kg) do chất lượng thấp, không ổn định và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật luôn ở ngưỡng báo động. Việc sản xuất chè không theo quy chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm đã làm ảnh hưởng đến uy tín, tới thương hiệu chè Việt Nam trên thị trường thế giới.
Bên cạnh đó, hệ thống tổ chức thu mua còn yếu kém và chế tài về sản xuất, chế biến, thương mại còn quá lỏng lẻo dẫn tới bị phụ thuộc và ép giá bởi khách hàng trung gian nước ngoài. Mặt khác, do có quá nhiều công ty tham gia xuất khẩu chè, trong đó có nhiều công ty xuất khẩu tổng hợp không chuyên về chè nên chỉ kinh doanh thuần tuý theo kiểu giá nào cũng bán, miễn là có lãi nên sẵn sàng thu gom cả các loại chè chất lượng thấp để chế biến
… Nếu không quyết tâm thực hiện đúng quy trình
Trước những bất cập trên, Hiệp hội chè Việt Nam cho rằng, trong thời gian tới, cần thực thi một số giải pháp phát triển trọng yếu để ngành chè Việt Nam phát triển bền vững, xuất khẩu với sản lượng lớn, chất lượng tốt mới mang lại giá trị kinh tế cao. Việc quy hoạch vùng trồng chè để nâng cao năng suất, chất lượng và tính an toàn của nguyên liệu chè búp tươi cần phải được tiến hành ngay bằng cách mạnh dạn giảm bớt diện tích chè, nếu tại vùng đó diện tích chè quá lớn làm mất sự cân bằng của môi trường sinh thái. Không nên mở rộng diện tích nếu đã đạt những tiêu chí quy định. Đặc biệt, cần dựa vào đặc điểm khí hậu, thổ nhưỡng mà quy hoạch vùng chè tương ứng với giống chè nhằm phát huy tối đa ưu thế từng vùng, ưu thế từng giống chè; từ đó sẽ ưu tiên sản xuất những sản phẩm đặc sản.
Bên cạnh đó, cần tăng cường và đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân, để hai bên cùng thực hiện tốt quy trình từ khâu tổ chức sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm chè. Giải quyết tốt được khâu này sẽ giúp nâng cao chất lượng chè, kiểm soát được dư lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trên chè, sẽ dần lấy lại được uy tín cho chè Việt Nam trên thị trường thế giới. Muốn vậy, ngành chè cần tăng cường phổ biến kiến thức cũng như chuyển giao công nghệ cho người trồng chè để họ có thể sản xuất ra những nguyên liệu đạt chất lượng quy định. Đồng thời, các Bộ, ngành liên quan cần có biện pháp mạnh trong việc xử lý những nhà máy chè vi phạm các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm; thậm chí, cần cân nhắc việc cấp giấy phép sản xuất, kinh doanh cho các nhà máy không nằm trong vùng chè nguyên liệu và khuyến khích mở rộng mô hình “nhà máy - vườn chè”. Có như vậy mới nâng cao được chất lượng, giá trị của chè Việt.
Ngoài ra, ngành chè Việt Nam cần làm tốt hơn nữa công tác phân tích và nghiên cứu thị trường, xác định được thị trường trọng tâm, thị trường tiềm năng, xác định sản phẩm chủ lực, nhu cầu và sở thích của người tiêu dùng... để từ đó trồng và sản xuất chè theo nhu cầu của thị trường. Có như vậy, chè Việt Nam mới có thể xây dựng được thương hiệu trên thế giới, không còn tình trạng giá chè luôn bị “lép vế” trước các nước sản xuất và xuất khẩu chè trên thế giới.