Anh rời khỏi EU, Việt Nam cần những tính toán dài hạn

Anh rời khỏi EU, Việt Nam cần những tính toán dài hạn 03/08/2016 15:09:00 1157

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Anh rời khỏi EU, Việt Nam cần những tính toán dài hạn

03/08/2016 15:09:00

(Tạp chí Thị trường giá cả số tháng 7/2016)

                 Phương Đông

Theo thống kê, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam vào Anh đạt tăng trưởng kép (CAGR) gần 17% trong giai đoạn 2008 - 2015, đạt mức kỷ lục 4,65 tỷ USD trong năm 2015, tương đương 15% giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào khu vực EU. Như vậy, trong một thập kỷ qua, giá trị xuất khẩu của Việt Nam tăng gấp 5 lần, thị trường xuất khẩu cũng đa dạng hơn chủ yếu do độ mở sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam hơn so với các nước trong khu vực. Dù tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây nhưng xuất khẩu sang Anh chỉ chiếm khoảng 2,5% tổng xuất khẩu của Việt Nam năm 2015. Nhưng với việc Anh rời khỏi EU, Việt Nam cần những tính toán lâu dài.

Trước mắt tác động không nhiều

Việt Nam đã ký Hiệp định thương mại tự do với EU cuối năm 2015, đầu 2016 (EVFTA) mà Anh là một trong 28 quốc gia thành viên. Tuy nhiên, Hiệp định này có hiệu lực từ năm 2018 nên ngay trước mắt, nếu Anh rời EU trước thời điểm EVFTA có hiệu lực thì việc tác động đến kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - EU nói chung và Việt Nam - Anh nói riêng là không lớn.

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hàng năm Anh nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá khoảng 700 tỷ bảng nhưng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam vào thị trường này chỉ đạt khoảng 5 tỷ Bảng Anh, chiếm khoảng 0,5% kim ngạch nhập khẩu của Anh. Điều đó cho thấy Anh không phải là đối tác quá lớn của Việt Nam về phương diện xuất khẩu/thương mại nên tác động ở quy mô lớn là khó xảy ra. Gần 47% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh là điện thoại, máy tính, các linh kiện và thiết bị điện tử khác. Xuất khẩu của nhóm sản phẩm này phụ thuộc vào sự thành công (hay thất bại) của các dòng sản phẩm/mẫu mã mới của các nhà sản xuất như Samsung, Sony, Toshiba, Foxconn... hơn là các thỏa thuận thương mại ở mức quốc gia giữa Việt Nam với Anh như một phần của EU hay trên cơ sở độc lập. Các mặt hàng xuất khẩu lớn tiếp theo đó là hàng dệt may, giày dép và các sản phẩm gỗ… nói chung về cơ bản cũng ít bị ảnh hưởng. Nhập khẩu từ Anh chỉ chiếm khoảng 4% tổng nhập khẩu vào Việt Nam. Hầu hết các mặt hàng có thể được thay thế tương đối dễ dàng nếu bất cứ điều gì xảy ra đối với các nguồn cung cấp.Việt Nam đã duy trì thặng dư thương mại với Anh ở mức 3,9 tỷ USD trong năm 2015 và 1,7 tỷ USD trong những tháng đầu năm 2016. Từ cấu trúc hàng hóa xuất nhập khẩu giữa hai nước cho thấy tác động từ việc Anh rời khỏi EU đến kinh tế Việt Nam nhìn chung sẽ không đáng kể.

Việc Anh rời khỏi EU trước mắt cũng không làm ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế và thị trường chứng khoán Việt Nam, đó là nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế. Thực tế trước thông tin Anh rời “ngôi nhà chung châu Âu”, thị trường chứng khoán Việt Nam mặc dù có phiên giao dịch “đỏ sàn” ngay khi nhận thông tin này nhưng ngay lập tức đã lấy lại được sắc xanh. Và trong phiên đầu tuần cuối tháng 6 (ngày 27/6) VN- Index ghi nhận mức tăng nhẹ 0,5 điểm (0,08%) giữ ở mức 621,27 điểm. Phó Vụ trưởng Vụ thống kê giá, Tổng cục Thống kê Đỗ Thị Ngọc cũng nhận định, việc Anh rời EU gần như không tác động nhiều đến nền kinh tế của Việt Nam. Bởi, nếu có, ảnh hưởng thì các nước châu Âu và Mỹ chịu nhiều hơn hoặc ở châu Á, chỉ có các quốc gia phát triển như Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore. Còn Việt Nam mặc dù tham gia ký kết hàng loạt Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như TPP nhưng chưa hẳn đã hội nhập sâu rộng.

Ảnh hưởng lớn nhất đến Việt Nam sau khi Anh rời khỏi EU nếu có đó chính là triển vọng Hiệp định thương mại FTA giữa EU và Việt Nam.Việc đàm phán có thể phải bắt đầu lại một cách riêng rẽ giữa Việt Nam với Anh và Việt Nam với EU.

Tìm đến những chiến lược dài hạn

Nhận định hoạt động thương mại song phương sẽ không bị ảnh hưởng quá lớn song chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu đánh giá, việc Anh rời EU sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến diễn biến tỷ giá và ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường chứng khoán khi dòng vốn đầu tư nước ngoài gián đoạn và đảo chiều là những điều rất cần phải quan tâm.

Những diễn biến hiện tại mới chỉ là các tác động tức thời, thể hiện tâm lý và phản ứng của các thị trường đầu tư, thương mại trước việc Anh ra đi. Song, để thực sự chấm dứt tư cách thành viên của Anh, còn cần tới 2 năm nữa, với một lộ trình đàm phán cụ thể giữa Anh và EU. Khoảng thời gian đó, gây ra các tác động tiêu cực đến các thị trường chứng khoán. Chứng khoán toàn cầu rớt điểm, chứng khoán châu Á rớt điểm sẽ tác động đến chứng khoán Việt Nam. Trước hết về mặt đầu tư, có thể các nhà đầu tư trong tâm trạng không ổn định sẽ rút khỏi những thị trường mới nổi, chưa hoàn thiện (trong đó có Việt Nam) để trở về các thị trường truyền thống và ổn định hơn. Trong phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) về tác động của Anh rời EU công bố ngày 24/6 cũng cho thấy điều này. Anh rời khỏi EU đồng nghĩa với việc Euro và Bảng Anh mất giá trong ngắn hạn. Điều này sẽ tạo ra bất lợi đối với đối tác xuất khẩu hàng hóa lớn vào thị trường EU khi giá cả trở nên đắt đỏ hơn. Thêm vào đó, triển vọng ảm đạm của nền kinh tế châu Âu theo sau sự kiện này kéo giảm cầu tiêu thụ hàng hóa và qua đó làm giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu vào EU. Đây cũng là áp lực lên các nhà xuất khẩu lớn vào EU trong đó có Việt Nam... Ngoài ra, Euro mất giá đồng nghĩa với đồng USD mạnh lên tương đối so với các ngoại tệ mạnh khác. Vấn đề này cùng với việc đồng Nhân dân tệ suy yếu sẽ dẫn tới khả năng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải có những thay đổi mạnh mẽ hơn trong điều hành tỷ giá. Xét tới các yếu tố như tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ giảm tốc cùng với định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng, NHNN sẽ không còn nhiều dư địa chính sách để giữ ổn định tỷ giá. Hơn thế nữa, lựa chọn giữ tỷ giá sẽ cần phải đánh đổi bằng thiệt hại về nguồn lực đặc biệt nguồn dự trữ ngoại hối… Thêm vào đó, việc đồng Euro giảm giá so với USD cũng khiến đồng tiền này giảm giá so với VND (do VND bị neo vào USD) và do đó khiến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam vào thị trường EU bị giảm.

Thời gian qua VND có ổn định tốt, các chính sách lãi suất về USD đã tạo sự ổn định cho tỷ giá nhưng ngay thời điểm này thị trường hối đoái bắt đầu có sự biến động. Chính vì thế cũng theo TS Nguyễn Trí Hiếu, cơ quan chức năng sẽ cần theo dõi sát diễn biến thị trường thị trường hối đoái. Nếu tỷ giá tăng mạnh, cần xem xét tất cả những mặt lợi và không lợi ở nhiều khía cạnh để đưa ra quyết định hợp lý nhất. Nếu giữ VND ổn định có nhiều mặt lợi như: Lợi cho nhập khẩu, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nhưng bất lợi là hàng nhập khẩu sẽ trở nên rẻ hơn, từ đó làm tăng nhập siêu, khi nhập siêu tăng lên sẽ ảnh hưởng đến cả nền kinh tế, nhất là Việt Nam lệ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu. Nếu không điều chỉnh tỷ giá, hàng Việt Nam xuất ra nước ngoài sẽ đắt hơn, làm giảm tính cạnh tranh, khó khăn cho xuất khẩu.

Bên cạnh đó thị trường vàng, dầu biến động tiêu cực cũng không có lợi cho Việt Nam. Đặc biệt với thị trường vàng, khi giá tăng đột biến, chủ trương chống vàng hóa về lâu dài sẽ khó khăn hơn. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, giá vàng sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới vì biến động của việc Anh rời EU. Không loại trừ một số quốc gia đang xem xét có thể rời  EU, vì thế vàng sẽ được nhà đầu tư tìm đến nhiều hơn trong thời gian tới, và với sức cầu vàng gia tăng tất yếu giá sẽ tăng.

Một lĩnh vực khác cần tính đến tác động đó là đầu tư nước ngoài (FDI) từ Anh. Theo Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài GS.TS Nguyễn Mại, khi kinh tế trong nước suy thoái, Chính phủ Anh sẽ coi trọng đầu tư nội địa, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Họ sẽ hạn chế chuyển tiền và công nghệ ra nước ngoài. Trong khi Anh hiện đang đầu tư vào 241 dự án tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký đạt 4.739,3 triệu USD, đứng thứ 15 trong số 110 đối tác đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, tác động cụ thể thế nào thì hiện vẫn chưa thể tính toán được.

Còn nhìn ở một khía cạnh mang tính tích cực trong dài hạn, PGS. TS Nguyễn Thường Lạng, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, Anh chính thức rời EU là bước ngoặt mở ra cơ hội hợp tác mới giữa hai quốc gia.Việt Nam và Anh sẽ có cơ hội tăng cường hợp tác song phương, trở thành đối tác chiến lược của nhau mà không phải thông qua cơ chế của EU. “Rổ” tiền tệ của Việt Nam có thêm đồng bảng Anh, khi đồng tiền này mạnh lên Việt Nam có thể tranh thủ đẩy mạnh thu hút đầu tư. Nhìn chung, rời khỏi EU, kinh tế Anh sẽ phát triển nhanh hơn, chủ động hơn, điều này sẽ tác động thuận chiều cho các nền kinh tế khác, trong đó có Việt Nam. Từ trước đến nay, Việt Nam chủ yếu hợp tác với Anh ở lĩnh vực giáo dục và văn hóa. Thời gian tới, Việt Nam có thể đẩy mạnh hợp tác với Anh về khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ sinh học, giao thông vận tải biển, đóng tàu, hoá chất, thiết kế sản phẩm… Ngoài ra, lĩnh vực tài chính ngân hàng, viễn thông của Anh cũng rất mạnh. Một số ý kiến quan ngại khi Anh rời khỏi EU thì những cam kết FTA đã ký giữa Việt Nam – EU sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, để hủy bỏ những cam kết đã ký thì không hề đơn giản, phải được thượng viện và hạ viện thông qua. Nhưng nhiều khả năng người Anh vẫn chấp hành theo cam kết đã ký song theo cách riêng của Anh. Anh cũng không nhất thiết phải đàm phán lại FTA với các nước vì thực ra nước này có lợi trong FTA./.