Minh Phương
Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng vừa qua đã đặt ra yêu cầu cần phải đổi mới, trong đó nhất quán mục tiêu tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của nhà nước và chức năng quản lý nhà nước. Sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các Bộ, UBND đối với vốn, tài sản nhà nước tại các doanh nghiệp và thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước. Theo Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, vấn đề này đã được bàn trong nhiều ngành, nhiều cấp từ nhiều năm nay.
Điều không thể không làm
Số liệu công bố gần đây nhất tại Hội thảo “Khó khăn và trở ngại trong thể chế hóa chủ trương thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu Nhà nước” do Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức gần đây cho thấy, Nhà nước đang đầu tư một khối lượng rất lớn vốn và tài sản sở hữu toàn dân vào sản xuất kinh doanh tại các doanh nghiệp (DN). Trong số 781 DN 100% sở hữu nhà nước có tổng tài sản trên 3,1tỷ đồng (các tập đoàn, tổng công ty và công ty mẹ - con chiếm đến 90%), vốn chủ sở hữu trên 1,2 tỷ đồng (trong đó, tập đoàn chiếm 65,5%, tổng công ty chiếm 25,2%, khối công ty mẹ - con chiếm 2,3%). Nếu tính toàn bộ các DN có 100% và trên 50% sở hữu nhà nước thì tổng nguồn kinh doanh hay tổng tài sản lên đến trên 5,4nghìn tỷ đồng.
Ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện CIEM cho rằng, hiện nay chúng ta đang có rất nhiều thứ làm hao mòn tài sản quốc gia, làm nghèo quốc gia. Kinh nghiệm quá khứ đã chỉ ra rằng, thất thoát, lãng phí, tham nhũng, kém hiệu quả, tiêu cưc, vi phạm pháp luật… là do quản lý, giám sát của chủ sở hữu nhà nước không tốt, không rõ trách nhiệm. Điển hình là hàng loạt các dự án đầu tư hàng ngàn tỷ đồng nhưng không sử dụng được hoặc sử dụng không hiệu quả như: Nhà máy đạm Ninh Bình sau 4 năm đi vào hoạt động lỗ 2.000 tỷ đồng; Dự án xơ sợi Đình Vũ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có vốn đầu tư hơn 7.000 tỷ đồng nhưng đã “chết lâm sàng”; Nhà máy Nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ vốn đầu tư 2.400 tỷ đồng nhưng đã hoạt động cầm chừng hơn 4 năm nay…. Chúng ta cũng nhìn thấy xây đường cao tốc Việt Nam đắt nhất thế giới, cũng với quy mô, tính chất, công năng đường cao tốc như nhau nhưng nếu giao cho tư nhân đầu tư thì vốn đầu tư chỉ bằng ½ so với vốn đầu tư từ nhà nước. Đây là những hiện tượng khá phổ biến và điều mà khá phổ biến nữa đó là không ai chịu trách nhiệm và chừng nào còn không quy được trách nhiệm cho ai thì chừng đó chưa có khả năng đẩy lùi và đảo ngược được xu thế này.
Ông Cung cũng cho biết thêm, nâng cao hiệu quả sử dụng tài sản công như một thách thức để tăng trưởng của các quốc gia. Ở Brazin, từ 1993-2011, khi bắt đầu đẩy nhanh cải cách nâng cao hiệu quả DN và đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa các DNNN thì GDP bình quân đầu người nước này đã tăng từ 4.000 USD lên 11.000 USD. Điều đó cho thấy tác động của khu vực kinh tế nhà nước đến tăng trưởng kinh tế của mỗi nền kinh tế là rất lớn. Ở Việt Nam, tuy chưa có con số thống kê chính xác tài sản công (bao gồm tài sản công thương mại và tài sản công phi thương mại) hiện là bao nhiêu nhưng chắc chắn cũng là rất lớn, đặc biệt nếu tính theo giá thị trường. Nếu tài sản công được sử dụng hiệu quả thì tiềm năng tăng trưởng GDP của Việt Nam hoàn toàn có thể có thể đạt tới 8,5-9,5%.
Chính vì vậy, việc thành lập cơ quan cải cách DNNN nói chung, cải thiện quản trị DNNN nói riêng và trong đó nâng cao năng lực hiệu ứng thực hiện quyền chủ sở hữu (CSH) tại các DN là điều không thể không làm tại thời điểm này nhất là khi Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu, rộng với thế giới. Thực tế vấn đề này đã được bàn trong nhiều ngành, nhiều cấp từ nhiều năm nay. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng vừa qua đã đặt ra yêu cầu cần phải đổi mới, trong đó nhất quán định hướng phải nâng cao hiệu quả vốn nhà nước đầu tư vào SXKD; cải cách thể chế kinh tế thị trường; cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư bình đẳng, công bằng; nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên trách và độc lập của bộ máy quản lý vốn nhà nước đầu tư vào SXKD. Theo đó, tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của nhà nước và chức năng quản lý nhà nước. Sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các Bộ, UBND đối với vốn, tài sản nhà nước tại các DN và thành lập một cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DN nhà nước.
Cần đảm bảo tính trung lập của DNNN
Khu vực DNNN vẫn là một khu vực kinh tế đầy tiềm năng nên những giải pháp cải cách thành lập cơ quan chuyên trách được các chuyên gia kinh tế kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả tích cực và đây sẽ là một công cụ để nâng cao hiệu quả. Bất kỳ chính phủ nào cũng luôn tìm mọi biện pháp cải cách, nâng cao hiệu quả nền tài chính công. Những chính phủ như Thụy Điển và các nước phát triển cho dù đã rất thị trường rồi nhưng các nước này vẫn có những cơ quan chuyên trách, độc lập quản lý và sử dụng vốn tài sản nhà nước. Theo PGS.TS Lê Xuân Bá – Nguyên Viện trưởng CIEM cho rằng, vấn đề bỏ mô hình cơ quan chủ quản đối với DNNN đã được đặt ra từ nhiều năm nay, rất nhiều lần Bộ kế hoạch và Đầu tư đã cố gắng đưa vấn đề này vào các dự thảo văn bản về luật nhưng chưa thực hiện được. Nghị quyết Đại hội lần thức XII lần này đã khẳng định rất cụ thể ba việc cần làm đó là: tách bạch, xóa bỏ và thành lập. Như vậy, chúng ta chỉ nên bàn việc để làm mà không nên bàn lùi. Theo ông Bá, tại sao chúng ta lại có những lát cắt trong việc xác định cơ quan đại diện chủ sở hữu như: tập đoàn, tổng công ty theo dự kiến sẽ do cơ quan chuyên trách quản lý, còn các DN khác thì chuyển về SCIC quản lý ? Như vậy, mối quan hệ giữa cơ quan chuyên trách với SCIC cần phải làm rõ. Bên cạnh đó, SCIC có chức năng kinh doanh nhưng cơ quan chuyên trách là cơ quan nhà nước lại không có chức năng kinh doanh. Nên chăng cơ quan chuyên trách này thống nhất quản lý vốn của các tập đoàn, tổng công ty và tất cả các công ty khác.
Cơ quan chuyên trách trước hết là nhằm tập trung nguồn lực hiện đang phân tán để sử dụng một cách hiệu quả vào đúng mục tiêu chiến lược của quốc gia. Tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của nhà nước phải phù hợp với cơ chế thị trường, đảm bảo tính trung lập của DNNN trong nền kinh tế thị trường, đảm bảo không làm xung đột lợi ích trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước. Nếu để một bộ vừa thực hiện quản lý thị trường, vừa ra chính sách thì cuối cùng chính sách ấy và quản lý thị trường ấy đều phục vụ cho CSH, làm cho méo mó thị trường và bất công ảnh hưởng đến phân bổ nguồn lực. Đại diện các Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương… cho rằng, với quy mô DNNN chiếm một khối lượng tài sản rất lớn, khoảng 250 nghìn USD, hàng năm đóng góp 33% trong GDP của nền kinh tế và 22% thu ngân sách, chúng ta đang cần một mô hình quản lý mới. Việc thành lập cơ quan chuyên trách cần hướng tới 3 mục tiêu cơ bản đó là: nâng cao quản trị và phát triển DNNN; tạo sự đột phá trong việc sắp xếp, đổi mới và cổ phần hóa DNNN và thực hiện chiến lược phát triển quốc gia vào những ngành, lĩnh vực quan trọng mà tư nhân không muốn hoặc không làm được. Tuy nhiên, theo kế hoạch từ năm 2016 – 2020 thì số lượng DNNN sẽ không còn nhiều và do vậy quá trình cổ phần hóa sẽ không còn thì địa vị pháp lý và sứ mệnh của tổ chức này cũng được cần phải được xem xét cho phù hợp…
Ông Trần Tiến Cường - Nguyên Trưởng Ban Đổi mới doanh nghiệp (CIEM) đặt vấn đề, nên có những đánh giá khách quan về hiệu quả từng mô hình, làm rõ địa vị pháp lý của cơ quan này. Cơ quan này trực thuộc Chính phủ hay sẽ là cơ quan cấp Bộ. Việc xác định địa vị pháp lý có tính chất quan trọng ở chỗ là thẩm quyền ban hành văn bản. Sau khi thành lập cơ quan này thì các cơ quan tham mưu giúp việc cho các Bộ, ngành, UBND các địa phương về công tác quản lý DNNN có còn tồn tại nữa hay không? Ngoài ra, cũng cần tham khảo thêm mô hình quản lý cơ quan này như: cơ quan này thiết kế với mục tiêu chủ yếu hướng vào giám sát chặt chẽ đối với hoạt động của DNNN, vậy còn nâng cao hiệu quả đầu tư kinh doanh vốn nhà nước của DN thì không rõ là đơn vị nào sẽ quản lý và thực hiện đầu tư kinh doanh vốn nhà nước. Chính vì vậy, cần phải xác định cơ quan này là cơ quan quản lý hay tổ chức đầu tư bởi nếu đảm bảo hiệu quả đầu tư của kinh doanh vốn thì việc đầu tư và nguồn vốn đầu tư phải có các chuyên gia để thẩm định nhất là khi cơ quan này được giao quản lý tới 30 tổng công ty và tập đoàn với một khối tài sản công rất lớn và hàng ngàn lao động. Cũng nên làm rõ về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và mục tiêu của cơ quan này từ đó hình thành bộ máy và cơ cấu tổ chức. Điều rất quan trọng là cơ quan này hoạt động bằng kinh phí do nhà nước cấp hay kinh phí từ hiệu quả hoạt động của đơn vị? Kỹ năng thực hiện chức năng quản lý CSH khác hẳn với những kỹ năng quản lý nhà nước, cách thức thực hiện CSH cũng khác hẳn cách thức thực hiện quyền quản lý NN ở các Bộ như hiện nay. Từ thực tiễn hoạt động trong 10 năm qua cho thấy, do nhiều nguyên nhân khách quan chủ quan trong đó có cả yếu tố lợi ích và yêu cầu chuyên môn hóa, thì việc quản lý vốn nhà nước bởi một cơ quan quản lý nhà nước với các công thức nhà nước sẽ không bao giờ đạt được hiệu quả tốt như việc quản lý bởi một DN thông qua các doanh nhân.
(Tạp chí Thị trường giá cả số tháng 7/2016)