Bán lẻ trực tuyến: Cơ hội phát triển cho doanh nghiệp Việt Nam
Khánh Nam
Việt Nam hiện có 52 triệu người dùng Internet, chiếm khoảng 54% dân số Việt Nam, là quốc gia đứng thứ 5 trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, chỉ sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Indonesia. Đây là cơ hội tốt các doanh nghiệp Việt Nam đầu tư phát triển, tăng doanh thu trên mảng kinh doanh trực tuyến.
Thị trường tiềm năng
Theo Báo cáo của Cục Thương mại Điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), năm 2015, thương mại điện tử ước đạt doanh số 4,07 tỷ USD, tăng 37% so với năm 2014, chiếm 2,8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước. Loại hàng hóa, dịch vụ được mua trực tuyến thường xuyên nhất là áo quần, giày dép và mỹ phẩm (chiếm 64%), tiếp đến là đồ công nghệ và điện tử, thiết bị đồ dùng gia đình, sách, văn phòng phẩm... Dự báo, đến năm 2020, mô hình thương mại điện tử doanh nghiệp và người tiêu dùng (B2C) sẽ tăng 20%/năm; Riêng trong nhóm ngành điện máy, từ năm 2015 đến năm 2020, bán lẻ trực tuyến hàng điện máy sẽ tăng trưởng trên 30% mỗi năm, đạt con số 20.985 tỷ đồng vào năm 2020.
Đặc biệt, 75% thị phần thương mại điện tử đang tập trung ở Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh; 61 tỉnh, thành còn lại chỉ chiếm 25%. Trong vòng 3 - 5 năm tới, nếu như thị trường thương mại điện tử tại những tỉnh, thành lân cận phát triển đạt được mức độ gần tương đương với Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh hiện nay thì chắc chắn quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam có thể tăng từ 3 - 5 lần. Điều đó có nghĩa doanh số từ thị trường bán lẻ trực tuyến mang lại cho các doanh nghiệp có thể tăng lên khoảng 5 lần.
Bài toán đặt ra
Bài toán đặt ra đối với các doanh nghiệp Việt Nam là làm sao để đón đầu làn sóng bán lẻ trực tuyến, tận dụng hiệu quả sức mạnh thương mại điện tử để tiếp cận với những khách hàng tiềm năng trên Internet, góp phần chuyển đổi hình thức kinh doanh cửa hàng theo kiểu truyền thống, sang hình thức bán lẻ trực tuyến trên nền tảng website và bước đầu quảng bá hình ảnh qua việc sử dụng các công cụ quảng cáo trực tuyến của Google chỉ với một vài thao tác đơn giản.
Đi đầu trong danh sách những doanh nghiệp thành công trên thị trường thương mại trực tuyến phải kể tới “Thế giới Di động”. Khi thị trường bán lẻ trực tuyến bắt đầu xâm nhập vào Việt Nam, hệ thống bán lẻ Thế giới Di động đã đưa ra hình thức “kích cầu” mua sắm trực tuyến bằng cách chào bán sản phẩm trên trang web thấp hơn so với bán tại cửa hàng. Điều này đã nhanh chóng thu hút số lượng lớn khách hàng đến với Thế giới di động trực tuyến. Theo Euromonitor International, Thế Giới Di Động là công ty chiếm thị phần bán lẻ trực tuyến lớn nhất Việt Nam với 10% thị phần, hiện doanh nghiệp bán lẻ này đang tiến hành đầu tư mạnh vào hệ thống bán hàng trực tuyến với phiên bản riêng dành cho những người sử dụng điện thoại thông minh và máy tính bảng. Kế đó là Rocket Internet với 9,3% thị phần, FPT 5,4% thị phần, Nguyễn Kim (4,3%), Viễn Thông A (3,1%), Pico (1,7%) và các nhà bán lẻ trực tuyến khác chiếm 66,1% thị phần…
Với mức tăng trưởng số lượng người dùng điện thoại thông minh ở Việt Nam đang đứng thứ hai trên thế giới sẽ là một điều kiện tốt để các doanh nghiệp thương mại điện tử mở thêm kênh bán lẻ trực tuyến thông qua các ứng dụng di động iOS hoặc Android. Vì vậy, các công ty sở hữu hệ thống bán lẻ quy mô lớn của Việt Nam như FPT Shop, Nguyễn Kim,... cũng đang tăng cường mảng bán hàng trực tuyến này, như thay đổi giao diện trang web bán hàng, bổ sung các tính năng tiện ích khi mua sản phẩm qua mạng...
Tuy nhiên, “miếng bánh” thương mại điện tử Việt Nam đang ngày càng lớn hơn trước, mức độ đầu tư của doanh nghiệp vào mảng bán lẻ trực tuyến cũng đang tăng lên. Cuộc chạy đua dài hơi giữa các doanh nghiệp thương mại điện tử nội - ngoại cũng đang trở nên quyết liệt hơn. Vì vậy, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, trong giai đoạn tới, nhà nước đóng vai trò rất lớn đối với sự phát triển của thương mại điện tử. Không chỉ có chức năng tạo môi trường thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển thương mại điện tử mà nhà nước cần trở thành người mua lớn nhất (mua sắm Chính phủ qua đấu thầu trực tuyến) và bán (cung cấp dịch vụ công trực tuyến thu phí) hàng đầu. Đồng thời, tiến tới đẩy mạnh xu hướng thương mại điện tử di động khi có đến 55% người dùng tại Việt Nam sở hữu điện thoại thông minh với tỷ lệ truy cập Internet hàng ngày là 76%, tỷ lệ này ở máy tính để bàn và laptop chỉ đạt 59%.
Thêm vào đó, nhà nước cần ban hành kịp thời các chính sách phát triển nguồn nhân lực, dịch vụ thanh toán điện tử, dịch vụ chuyển phát và hoàn tất đơn hàng, thu thuế phát sinh từ hoạt động kinh doanh trực tuyến. Số lượng và quy mô giao dịch trực tuyến tăng lên cũng như nhiều hình thức kinh doanh trực tuyến mới xuất hiện sẽ dẫn tới số lượng và sự phức tạp của các tranh chấp trong thương mại điện tử tăng theo. Các cơ quan quản lý nhà nước về thương mại điện tử, quản lý thị trường và bảo vệ người tiêu dùng cần nâng cao xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật, bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng và doanh nghiệp.
Đặc biệt, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp bán lẻ trực tuyến và các đơn vị liên quan cần nỗ lực để phát triển hệ thống thương mại điện tử ở các tỉnh, thành phố khác ngoài Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tiến tới thu hẹp dần khoảng cách số giữa các địa phương. Đồng hành với đó là phát triển các dịch vụ kèm theo như hệ thống giao hàng, thanh toán điện tử, bảo hành và chăm sóc khách hàng…
Nguồn: Tạp chí thị trường giá cả.