Bảo hiểm góp phần đảm bảo thực hiện chính sách an sinh xã hội
Dương Vũ
Trong những năm gần đây, thị trường bảo hiểm Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam. Trong đó, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của bảo hiểm đóng vai trò đặc biệt quan trọng.
Hỗ trợ tài chính, ổn định sản xuất và đời sống cho người dân
Theo báo cáo của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính, tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng đầu năm đạt 38.613 tỷ đồng, tăng 25,92% so với cùng kỳ năm 2015, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ ước đạt 17.580 tỷ đồng (tăng 15%); doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ ước đạt 21.033 tỷ đồng (tăng 36,78%). Tổng số phí bảo hiểm thu xếp qua môi giới ước đạt 3.036 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm 2015; Tổng doanh thu hoa hồng môi giới bảo hiểm là 277 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong 6 tháng đầu năm, tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm ước đạt 218.219 tỷ đồng, trong đó, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là 61.000 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ là 157.219 tỷ đồng; Tổng nguồn vốn chủ sở hữu đạt 49.515 tỷ đồng, trong đó các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là 22.150 tỷ đồng, các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ là 27.365 tỷ đồng. Chi trả quyền lợi bảo hiểm đạt 16.045 tỷ đồng; đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 171.171 tỷ đồng.
Về việc huy động vốn dài hạn cho ngân sách nhà nước, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã đấu thầu thành công 431 tỷ đồng Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 20 năm và 6.466 tỷ đồng Trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 30 năm (lần lượt tương ứng 3,6% và 53,9% kế hoạch phát hành cả năm của Kho bạc Nhà nước). Kết quả đấu thầu thành công khẳng định bảo hiểm là kênh thu hút vốn đầu tư dài hạn cho nền kinh tế, góp phần tái cơ cấu nợ công và ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời thể hiện lòng tin và cam kết mạnh mẽ của nhà đầu tư nước ngoài đối với Chính phủ và công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Đặc biệt, qua việc thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đối với 3 sản phẩm bảo hiểm: bảo hiểm cây lúa, bảo hiểm vật nuôi và bảo hiểm thủy sản (tôm, cá), đến nay, tổng số hộ nông dân/tổ chức sản xuất tham gia thí điểm là 304.017 hộ; tổng giá trị được bảo hiểm đạt 7.747,9 tỷ đồng; tổng số phí bảo hiểm đạt 394 tỷ đồng và tổng số tiền bồi thường bảo hiểm là 712,9 tỷ đồng. Qua đó đã góp phần tăng cường nhận thức của các cơ quan trung ương, địa phương và người dân về sự cần thiết, ý nghĩa, vai trò của bảo hiểm nông nghiệp; đồng thời hỗ trợ tài chính, ổn định sản xuất và đời sống cho người dân, góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, việc triển khai tích cực, đồng bộ và hiệu quả chính sách bảo hiểm thủy sản đã tạo điều kiện hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Tính đến 30/6/2016, đã có 28/28 tỉnh, thành phố ven biển phát sinh doanh thu phí bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên, với tổng giá trị bảo hiểm ước đạt 37.412 tỷ đồng; tổng số phí bảo hiểm ước đạt 387 tỷ đồng; tổng số lượt tàu tham gia bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ ước đạt 14.977 tàu; tổng số lượng thuyền viên được bảo hiểm ước đạt 145.960 thuyền viên; tổng bồi thường ước đạt 59,8 tỷ đồng.
Hiện nay, gần 10 triệu người có bảo hiểm y tế, sức khỏe (6 triệu bảo hiểm nhân thọ, 4 triệu bảo hiểm phi nhân thọ); 12 triệu học sinh được bảo hiểm sức khỏe, tai nạn (tỷ lệ thâm nhập bảo hiểm gần 60%); 18 triệu lượt khách được bảo hiểm hàng không (tỷ lệ thâm nhập 100%); trên 12 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn đường sắt (tỷ lệ thâm nhập 100%); 1.620 triệu lượt khách được bảo hiểm tai nạn hành khách vận chuyển đường bộ (tỷ lệ thâm nhập 61%). Có thể thấy, bảo hiểm sức khỏe có tác động không nhỏ tới đời sống của người tham gia bảo hiểm, không chỉ giảm nhẹ gánh nặng tài chính cho người tham gia, mang lại sự an tâm cho khách hàng mà còn tạo điều kiện cho khách hàng được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng. Những người được bảo hiểm nói trên đã có thể tự thu xếp, bảo vệ về mặt tài chính và được bảo hiểm chi trả bồi thường khi không may xảy ra tai nạn, ốm đau mà không cần tới sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước…
Giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm
Bên cạnh những kết quả khả quan đã đạt được, thị trường bảo hiểm của Việt Nam vẫn tồn tại một số hạn chế, trong đó phải kể tới mạng lưới an sinh xã hội của nước ta còn lạc hậu, bảo hiểm y tế chưa bao phủ đến toàn dân, bảo hiểm xã hội mới đạt 23 – 25%... Thực trạng này đòi hỏi Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bộ, ngành liên quan cần tập trung chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả hơn nữa các giải pháp nhằm tăng diện bao phủ bảo hiểm cho người dân và doanh nghiệp. Theo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính, hoàn thiện khung khổ pháp luật về bảo hiểm và quy định có liên quan là một trong những nhiệm vụ đầu tiên cần triển khai thực hiện; các Bộ, ngành cần phối hợp chặt chữ xây dựng cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp bảo hiểm tiếp cận hiện trường xảy ra tổn thất và tiếp cận, sao chép hồ sơ bệnh án của bệnh nhân tham gia bảo hiểm để kịp thời giải quyết quyền lợi bảo hiểm bảo đảm khách quan, đúng quy định của pháp luật và hợp đồng đã ký.
Đồng thời, nghiên cứu các chính sách liên quan đến bảo hiểm thiên tai, đa dạng hóa các sản phẩm bảo hiểm vi mô, bảo hiểm con người; từ đó đánh giá khả năng thực thi và xây dựng kế hoạch triển khai đáp ứng nhu cầu bảo hiểm đa dạng và nâng cao chất lượng phục vụ người tham gia bảo hiểm.
Cùng với đó là nâng cao tính an toàn hệ thống, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm, như: Ban hành các quy định về quản trị rủi ro, quản trị tài chính doanh nghiệp tiếp cận với các chuẩn mực quốc tê, đặc biệt là các yêu cầu đối với hệ thống công nghệ thông tin, đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin của doanh nghiệp phải kết nối được với các hệ thông chung của thị trường và cơ quan quản lý, giám sát, đáp ứng được các yêu cầu quản trị doanh nghiệp, hiệu quả hoạt động và yêu cầu giám sát của cơ quan quản lý.
Đặc biệt, cần xây dựng cơ sở dữ liệu chung của toàn thị trường phục vụ cho việc định phí bảo hiểm,t ạo mặt bằng về mức phí sàn, đảm bảo công khai, minh bạch, góp phần lành mạnh hóa môi trường cạnh tranh trên thị trường.
Ngoài ra, các bộ, ngành, doanh nghiệp cũng cần đẩy mạnh hơn nữa việc cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực bảo hiểm, triển khai hệ thống phần mềm quản lý, giảm sát trực tuyền nhằm rút ngắn thời gian và thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, tạo dựng môi trường thuận lợi, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Đi liền với đó là nâng cao năng lực quản lý, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức bộ phận chuyên trách hỗ trợ phòng chống gian lận bảo hiểm, hỗ trợ tư vấn pháp lý, trọng tài… đảm bảo thực hiện tốt chức năng quản lý, giám sát, hỗ trợ thị trường phát triển an toàn, ổn định, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tham gia bảo hiểm, hỗ trợ doanh nghiệp trong phòng chống gian lận trong kinh doanh bảo hiểm…
Nguồn: Tạp chí thị trường giá cả.