CPI 9 tháng đầu năm tăng

CPI 9 tháng đầu năm tăng 04/11/2016 16:50:00 486

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

CPI 9 tháng đầu năm tăng

04/11/2016 16:50:00

CPI 9 tháng đầu năm tăng 2,07%

Theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 9 tháng đầu năm nay có tốc độ tăng tương đối thấp: bình quân mỗi tháng CPI tăng 0,23%, mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Tính chung 9 tháng đầu năm, CPI chỉ tăng 2,07% so với cùng kỳ năm trước.

Những yếu tố tác động lên mặt bằng giá

CPI 9 tháng đầu năm chịu tác động bởi rất nhiều yếu tố làm tăng sức ép lên mặt bằng giá, trong đó, việc điều chỉnh giá dịch vụ công (y tế, giáo dục) theo lộ trình là những nguyên nhân tác động nhiều nhất, cụ thể:

Kể từ ngày 1/3/2016 giá dịch vụ y tế chính thức được điều chỉnh tăng theo Thông tư liên tịch số 37/2015/TTLT-BYT-BTC ngày 29/10/2015 với bước 1 (thực hiện kể từ ngày 1/3/2016), điều chỉnh tăng mức giá bao gồm chi phí trực tiếp, phụ cấp đặc thù; bước 2 (thực hiện từ ngày 2/8/2016), kết cấu thêm chi phí tiền lương vào trong giá, được thực hiện trên địa bàn 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 85%. Việc điều chỉnh này đã tác động làm cho CPI 9 tháng đầu năm của nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng 22,02% so với cùng kỳ năm trước (trong đó Dịch vụ y tế tăng 29,09%)

Đối với dịch vụ giáo dục, đến nay, cả nước có 53 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng học phí các cấp học theo lộ trình tăng học phí tại Nghị định số 86/2015/NĐ-CP ngày 2/10/2015 của Chính phủ. Điều đó đã tác động làm CPI nhóm Giáo dục 9 tháng đầu năm tăng 4,83% so với cùng kỳ năm trước (trong đó Dịch vụ giáo dục tăng 5,36%).

Thêm vào đó, việc tăng lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp từ ngày 1/1/2016 (tính trung bình, mức lương tối thiểu vùng năm 2016 cao hơn mức lương tối thiểu vùng năm 2015 khoảng 250.000 – 400.000 đồng/tháng) và lương cơ sở tăng từ ngày 1/5/2016 (tăng 60.000 đồng/tháng) cũng tác động đến giá một số loại dịch vụ như: dịch vụ sửa chữa đồ dùng gia đình, dịch vụ bảo dưỡng nhà ở, dịch vụ điện, nước; dịch vụ thuê người giúp việc gia đình có mức tăng giá từ 1% - 2,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Bên cạnh những nguyên nhân từ việc điều hành của Chính phủ, CPI 9 tháng đầu năm tăng còn do chịu tác động của các yếu tố thị trường. Trong đó, các kỳ nghỉ vào các dịp Tết Nguyên đán, Giỗ tổ Hùng Vương, dịp lễ 30/4 - 1/5 và 2/9 đều được kéo dài nên nhu cầu mua sắm, vui chơi giải trí tăng cao khiến giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm đều tăng. Cụ thể, bình quân 9 tháng đầu năm chỉ số giá nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2015, góp phần vào mức tăng chung của CPI khoảng 0,77%. CPI nhóm Đồ uống và thuốc lá tăng 2,29% so với cùng kỳ năm 2015, góp phần vào mức tăng chung của CPI khoảng 0,08%; nhóm May mặc, mũ nón, giày dép tăng 2,26%, góp phần vào mức tăng chung của CPI khoảng 0,14%...

http://thitruonggiacabds.vn/_img_server/gallery/2016/10/04/size640/do_thi_t9_1_1475572016.png

Thời tiết khắc nghiệt, rét đậm, rét hại vào tháng 2 trên toàn miền Bắc đã ảnh hưởng đến nguồn cung rau xanh và thực phẩm tươi sống tại các tỉnh miền Bắc khiến giá các mặt hàng này tăng từ 15-20%. Tháng 4 và tháng 5 các đợt khô hạn ở miền Trung và Tây Nguyên, xâm nhập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng đã ảnh hưởng không ít đến sản lượng lúa gạo tại các địa phương này, làm ảnh hưởng đến nguồn cung và tác động tăng giá lúa gạo trên thị trường. Bình quân CPI 9 tháng của nhóm Lương thực tăng 1,29%, nhóm Thực phẩm tăng 2,64% so với cùng kỳ năm trước.

Mặc dù vậy, trong 9 tháng qua, CPI cũng đã được kiềm chế bởi những yếu tố tích cực từ thị trường như:

Giá nhiên liệu trên thị trường thế giới những tháng cuối năm 2015 và 2 tháng đầu năm 2016 giảm mạnh đã giúp giá xăng dầu trong nước được điều chỉnh giảm 8 đợt (vào các tháng 1, 2, 7, 8). Vì vậy, mặc dù trong 9 tháng qua đã có 7 đợt điều chỉnh tăng (vào các tháng 3, 4, 5, 6, 9) nhưng bình quân 9 tháng đầu năm giá xăng dầu vẫn giảm 19,7% so với cùng kỳ năm trước và giảm 9,04% so với tháng 12 năm trước, kéo theo CPI nhóm Giao thông giảm 8,95% so với cùng kỳ năm 2015, góp phần làm giảm CPI chung khoảng 0,81%.

Trong dịp Tết Nguyên đán, mặc dù nhu cầu các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng nhưng do giá xăng dầu và giá cước vận tải trong các tháng đầu năm giảm, nguồn cung hàng hóa dồi dào đáp ứng nhu cầu sắm Tết của nhân dân nên giá lương thực, thực phẩm không tăng cao. CPI nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống 9 tháng đầu năm 2016 (nhóm chiếm tỷ trọng lớn nhất trong 11 nhóm hàng chính) chỉ tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn nhiều so với mức 4,3% của năm 2014 hay mức 10,49% của năm 2012.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, bình ổn giá, công tác thanh tra, kiểm tra giá vẫn được Bộ Tài chính chủ trì và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương tiến hành thường xuyên, liên tục trên phạm vi cả nước. Đặc biệt, Bộ Tài chính thường xuyên tiến hành công tác kiểm tra giá trên cơ sở hồ sơ kê khai giá của doanh nghiệp đối với danh mục hàng hóa, dịch vụ kê khai giá tại Bộ Tài chính. Nhờ sự chủ động, phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương trong triển khai công tác cân đối nguồn cung, công tác quản lý, điều hành giá nên giá cả thị trường không xảy ra hiện tượng thiếu hàng, sốt giá, nhất là trong các dịp lễ, Tết, góp phần bình ổn thị trường 9 tháng đầu năm.

Tăng cường quản lý thị trường giá cả những tháng cuối năm

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng đạt dưới 5% như Quốc hội thông qua trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016 có thể thực hiện được. Tuy nhiên, từ nay đến hết năm 2016 vẫn còn có nhiều yếu tố có thể gây áp lực lên CPI đó là giá dịch vụ công vẫn còn tiếp tục điều chỉnh theo lộ trình, bên cạnh đó giá xăng dầu lại có chiều hướng tăng trở lại cộng thêm việc chi tiêu dùng cuối năm của người dân sẽ là những yếu tố gây áp lực lớn lên chỉ số giá tiêu dùng.

Vì vậy, để bình ổn thị trường giá cả, các Bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục triển khai các giải pháp đề ra tại Nghị Quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 và các Nghị quyết phiên họp thường kỳ của Chính phủ, ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ-Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá (Thông báo số 107/TB-VPCP ngày 27/5/2016) và các văn bản chỉ đạo có liên quan. Trong đó, tăng cường các biện pháp điều hành, quản lý giá chung như:

 Phối hợp thực hiện đồng bộ các giải pháp góp phần bình ổn thị trường và kiểm soát lạm phát, đặc biệt trong điều kiện thời tiết dễ xảy ra mưa bão, cần chú trọng đảm bảo nguồn hàng thiết yếu, đảm bảo việc lưu thông hàng hóa thông suốt, đáp ứng kịp thời nhu cầu của nhân dân để hạn chế hiện tượng tăng giá do nguồn cung bị gián đoạn.

Theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường trong nước và quốc tế, làm tốt công tác phân tích và dự báo thông tin thị trường. Kịp thời đề xuất biện pháp bình ổn giá theo quy định của pháp luật về giá.

Tăng cường kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu. Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật và công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Giám sát chặt chẽ kê khai giá của doanh nghiệp đối với mặt hàng bình ổn giá, mặt hàng thuộc danh mục kê khai giá; Kiểm soát chặt chẽ giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công...

Tiếp tục quản lý và điều hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước đối với giá các mặt hàng thiết yếu như: xăng dầu, điện, than theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Nguồn: Tạp chí thị trường giá cả.