Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế

Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế 13/01/2017 14:46:00 1321

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế

13/01/2017 14:46:00

Tổng quan

Đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế

PL

Theo The Economist, dù tăng trưởng tại các thị trường mới nổi có thể đang chậm lại, nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn đang tăng trưởng mạnh mẽ. Cùng với tiềm năng về lực lượng lao động, Việt Nam đã mở ra không gian hợp tác rộng lớn cho phát triển, cũng như tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh.

Môi trường kinh doanh ngày càng được cải thiện

Báo cáo môi trường kinh doanh toàn cầu của WB 2016 cho biết, môi trường kinh doanh của Việt Nam xếp thứ 82/190, tăng 9 bậc so với năm 2015. Hiện quy mô GDP của Việt Nam đạt trên 200 tỷ USD, thu nhập bình quân đầu người ngày càng tăng đạt khoảng 2.100 USD (nếu tính theo sức mua tương đương PPP đạt 5.600 USD). Việt Nam luôn giữ vững ổn định chính trị, kinh tế, xã hội, thực hiện tiến bộ công bằng xã hội.

Trong thời gian qua, nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đã được các cấp, các ngành triển khai thực hiện và đạt được kết quả bước đầu. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định; tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức hợp lý. Mô hình tăng trưởng từng bước chuyển đổi theo hướng kết hợp giữa chiều rộng và chiều sâu; năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) và năng lực cạnh tranh quốc gia được cải thiện.

Thị trường tài chính đã được cơ cấu lại, trong đó trọng tâm là các tổ chức tín dụng đạt kết quả bước đầu, không để xảy ra tình trạng đổ vỡ, mất an toàn hệ thống. Đồng thời, quản trị doanh nghiệp nhà nước và quản lý vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp tiếp tục được hoàn thiện, vốn đầu tư nhà nước tiếp tục được bảo toàn và phát triển.

Cùng với đó, khu vực nông nghiệp cơ bản phát triển ổn định, phương thức tổ chức sản xuất từng bước được đổi mới; sản xuất công nghiệp từng bước được phục hồi. Hội nhập kinh tế quốc tế được chủ động đẩy mạnh và đạt được nhiều kết quả tích cực; đã hoàn tất việc đàm phán, ký kết một số hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có các FTA thế hệ mới như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Tuy nền kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc, bội chi ngân sách còn lớn; mô hình tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào tăng vốn đầu tư và số lượng lao động, chưa dựa nhiều vào tăng năng suất lao động, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới tổ chức, quản lý sản xuất kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế…

Hiện Việt Nam đang tập trung tái cơ cấu nền kinh tế, thực hiện các đột phá chiến lược nhằm đổi mới mô hình tăng trưởng; phát triển dựa trên sức cạnh tranh, lợi thế so sánh; tích cực hội nhập, tham gia vào mạng sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu và tăng cường năng lực để tham gia các công đoạn có giá trị gia tăng cao và nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế. Trong đó, tiếp tục củng cố vững chắc nền tảng kinh tế vĩ mô; kiểm soát lạm phát bình quân dưới 5%/năm; giảm dần tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP. Quy mô nợ công hàng năm giai đoạn 2016-2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP. Trong giai đoạn 2016-2020, hàng năm có khoảng 30-35% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo; tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm cao hơn 5,5%; tốc độ tăng năng suất nội ngành đóng góp hơn 60% vào tăng năng suất lao động năm 2020; năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng bình quân khoảng 30-35%; thu hẹp khoảng cách năng lực cạnh tranh quốc gia với các nước ASEAN 4…

Giải pháp đổi mới mô hình tăng trưởng

Để hoàn thành các mục tiêu trên, tại Nghị quyết số 05-NQ/TW Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã đề ra một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Theo đó, cần tập trung nâng cao hiệu lực, hiệu quả điều hành kinh tế vĩ mô. Tiếp tục ổn định và củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc; kiểm soát tốt lạm phát; bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước và nợ công theo hướng bảo đảm an toàn, bền vững; xử lý có hiệu quả nợ xấu của nền kinh tế gắn với cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng, nhất là các tổ chức tín dụng yếu kém.

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện ba đột phá chiến lược, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, hiện đại; chú trọng phát triển nguồn nhân lực Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập của đất nước. Đặc biệt, cần ưu tiên phát triển và chuyển giao khoa học - công nghệ, nhất là khoa học - công nghệ hiện đại, coi đây là yếu tố trọng yếu nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại tổng thể các ngành, lĩnh vực kinh tế trên phạm vi cả nước và từng địa phương, doanh nghiệp với tầm nhìn dài hạn, có lộ trình cụ thể; gắn kết chặt chẽ giữa cơ cấu lại tổng thể nền kinh tế với cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực trọng tâm. Trong đó, tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư của Nhà nước một cách công khai, minh bạch theo cơ chế thị trường; lành mạnh hoá tình hình tài chính, nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế; thực hiện cơ cấu lại đầu tư công gắn với cơ cấu lại tài chính, ngân sách nhà nước và nợ công; thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công trung hạn gắn với kế hoạch tài chính trung hạn và kế hoạch vay, trả nợ công; thực hiện giao quyền tự chủ đầy đủ về tài chính, tổ chức, biên chế và hoạt động cho các đơn vị sự nghiệp công lập; tính đúng, tính đủ chi phí hợp lý, điều chỉnh giá các loại dịch vụ công theo cơ chế thị trường…

Mặt khác, phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam cả về số lượng, chất lượng, thực sự là một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế. Nhà nước đổi mới phương thức, nâng cao năng lực, hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước, cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, giảm cơ bản gánh nặng chi phí đối với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; đổi mới cách thức quản lý và thái độ làm việc của cán bộ, công chức theo hướng hỗ trợ và phục vụ doanh nghiệp; công khai, minh bạch, tăng cường kỷ luật, kỷ cương đối với cán bộ, công chức, cơ quan nhà nước, xử lý nghiêm các tiêu cực, nhũng nhiễu.

Ngoài ra, đổi mới cách thức thực hiện liên kết, phối hợp giữa các địa phương trong phát triển kinh tế vùng; thực hiện có hiệu quả quá trình đô thị hoá. Hoàn thiện và nâng cao chất lượng, hiệu lực thực thi các quy hoạch phát triển kinh tế vùng; nâng cao năng lực các Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ trong chỉ đạo tổ chức thực hiện các quy hoạch phát triển vùng và chỉ đạo, giám sát liên kết, phối hợp phát triển kinh tế giữa các địa phương trong vùng. Ngoài ra, nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của chính quyền địa phương và hình thành thể chế điều phối phát triển kinh tế theo vùng. Các địa phương trong vùng phối hợp xây dựng các đề án, thoả thuận phối hợp, liên kết phát triển kinh tế-xã hội; phối hợp ban hành và thực hiện chính sách thu hút đầu tư, xúc tiến đầu tư, ưu tiên các ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh…

Nguồn: Tạp chí thị trường giá cả