Giải pháp về chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn Việt Nam

Giải pháp về chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn Việt Nam 13/01/2017 14:47:00 7127

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Giải pháp về chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn Việt Nam

13/01/2017 14:47:00

Giải pháp về chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn Việt Nam

TS. Nguyễn Đại Lai

Tái cơ cấu kinh tế nói chung và cơ cấu nông nghiệp, nông thôn nói riêng là đòi hỏi rất bức xúc của xã hội Việt Nam sau 30 năm đổi mới nền kinh tế đang diễn ra quá chậm chạp trong bối cảnh thế giới hội nhập. Theo đó, những câu hỏi rất quan trọng cho hoạt động tín dụng là đầu tư vốn vào đâu cho nông nghiệp và phát triển nông thôn? Vì sao Ngân hàng thương mại không thể đem vốn đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn? Đây là những vấn đề rất cần được cơ chế hoá và đưa cơ chế tiến bộ vào cuộc trong giai đoạn tới.

Vốn chưa chảy vào nông nghiệp, nông thôn

Từ nhiều năm nay, Nhà nước rất quan tâm đến chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển nông thôn mới, trong đó, các chính sách tín dụng liên tục được đổi mới nhằm kích hoạt, khơi thông dòng vốn chảy vào khu vực này mà điển hình là Nghị định số 55/2015/NĐ-CP (NĐ 55) của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thay thế Nghị định số 41 ngày 12/4/2010 và Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản... Trong đó, NĐ 55 đã bao gồm nhiều nội dung nới lỏng tín dụng so với trước như: mở rộng đối tượng vay vốn, nâng mức cho vay không có tài sản đảm bảo lên đến 100 triệu đồng thay vì chỉ 50 triệu đồng theo quy định cũ. Ngoài ra, Nghị định 55 còn cho phép một số hộ nông dân trong các lĩnh vực, ngành nghề đặc thù như khai thác, nuôi trồng thủy sản được vay không có tài sản đảm bảo lên tới 500 triệu đồng. Đồng thời, việc xử lý rủi ro đối với các khoản cho vay hộ gia đình, tổ chức tín dụng được xem xét để cơ cấu lại nợ, cho vay mới mà không căn cứ vào nợ cũ và trong trường hợp xảy ra rủi ro trên phạm vi rộng thì có thể được khoanh nợ tối đa lên đến 2 năm... 

Tuy nhiên, việc mở cánh cửa tín dụng vào nông nghiệp, nông thôn còn rất khó khăn, vướng mắc đến từ nhiều nguyên nhân như: bất cập về thủ tục cho vay và các tài sản đảm bảo đối với khoản vay chủ yếu là ruộng, vấn đề về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phát mại tài sản khi nợ xấu phát sinh thường khiến ngân hàng gặp nhiều rắc rối, tài sản dù rất lớn nhưng do xây dựng trên đất canh tác nên không được dùng để làm tài sản đảm bảo. Hơn nữa, chính các tổ chức tín dụng vẫn còn tâm lý ngại cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn do đây là lĩnh vực có khả năng sinh lời thấp, nhiều rủi ro, các phương án sản xuất kinh doanh chưa hiệu quả nên thường gặp nhiều khó khăn khi xét duyệt cho vay. Ngoài ra, các khoản vay trong lĩnh vực nông nghiệp cơ bản là nhỏ lẻ nhưng chi phí hoạt động tín dụng khá cao. Trong khi ở nước ta hiện đang có quá nhiều các định chế tài chính (ĐCTC) sinh ra với mục đích sử dụng các nguồn vốn rẻ của Nhà nước theo xu hướng “kết hợp chính sách an sinh xã hội với tín dụng theo cơ chế thị trường” để cung ứng tín dụng cho các khu vực yếu thế trong các hoạt động xoá đói, giảm nghèo, hỗ trợ phát triển nông thôn, phát triển khu vực xuất nhập khẩu... Điển hình như: Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH), Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB), các ngân hàng có cổ phần nhà nước chiếm tỷ lệ áp đảo, Ngân hàng Hợp tác và Phát triển cùng rất nhiều loại công ty tài chính hay các loại quỹ khác nhau do các cơ quan Nhà nước lập ra để thực hiện các sứ mệnh bao cấp khác nhau. Ngay trong Luật các tổ chức tín dụng hiện hành của nước ta vẫn còn phân chia các TCTD theo đối tượng quản lý, gồm NHTM, NH Chính sách xã hội và NH Hợp tác xã.. điều đó đã không phù hợp chuẩn mực quốc tế cho các loại ĐCTC khác nhau trong cơ chế thị trường. Sự đan xen chính sách giữa thị trường với bao cấp đó đã tạo ra mảnh đất tốt cho các đối tượng lợi dụng.

Đến nay dù ngành nông nghiệp đã đóng góp tới gần 20% GDP của cả nước nhưng chưa tính đến các lĩnh vực thuỷ, hải sản, rau, quả, chăn nuôi, thủ công mỹ nghệ, dịch vụ khác trong nông nghiệp nông thôn của nước ta, một đất nước có khoảng 10 triệu ha và 14 triệu hộ nông dân canh tác nông nghiệp nhưng chỉ có 44% diện tích đất trồng lúa và hơn 70% dân số sống và làm việc ở ngành nông nghiệp tại khu vực nông thôn. Tuy nhiên, đến nay ngành nông nghiệp mới có khoảng 3.500 doanh nghiệp (DN) hoạt động, chiếm chưa đầy 1% tổng số DN đang hoạt động của cả nước. Ngoài các tập đoàn, Tổng công ty của nhà nước và một vài doanh nghiệp FDI, còn lại đa số là các DN có quy mô siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu với mô hình kinh doanh chủ yếu vẫn là kinh doanh hộ gia đình. Hàng hóa do nông dân làm ra, nhưng nếu xuất khẩu thì giá cả lại phụ thuộc chủ yếu vào thương lái hơn là vào cung cầu thực của thị trường. Vấn đề ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất còn rất hạn chế. Các mô hình sản xuất mới chỉ là bước đi ban đầu, rất chập chững, còn lúng túng lại dàn trải, chưa có cơ chế cụ thể cho việc tạo ra và phân chia chuỗi giá trị sản phẩm. Vai trò của Nhà nước còn rất mờ nhạt trong mối liên kết “4 nhà”. Cánh đồng mẫu lớn hiện nay căn bản vẫn là cánh đồng lớn của nhiều cá thể cùng làm cá thể trong mái nhà chung.

Trong bối cảnh cơ chế sản xuất còn nhiều bất cập như vậy nhưng ngành ngân hàng vẫn đạt được những cố gắng rất đáng ghi nhận trong việc đưa tín dụng vào nông nghiệp nông thôn. Theo NHNN, tính đến ngày 30/9/2016, đầu tư tín dụng vào nông nghiệp, nông thôn đạt trên 925.000 tỷ đồng (chưa bao gồm dư nợ cho vay của NHCSXH và NHPTVN), tăng 9,6% so với cuối năm 2015 và 13,43% so với cùng kỳ. Tăng trưởng tín dụng bình quân trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2010-2015 đạt 17,4%, cao hơn mức tăng trưởng tín dụng bình quân chung. Tỷ trọng cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn chiếm trên 18% tương đương với mức đóng góp của ngành vào GDP của nền kinh tế. Lãi suất cho vay đối với lĩnh vực này cũng giảm mạnh, phổ biến từ 6-8%/năm, riêng lãi suất cho vay ngắn hạn được khống chế ở mức không quá 7%/năm. Những đối tượng chính sách, ưu đãi và nhiều chương trình tín dụng đặc thù thì lãi suất thấp có sự hỗ trợ của ngân sách cho ngân hàng thương mại. Trong đó, tính đến ngày 30/9/2016, tổng dư nợ cấp tín dụng và đầu tư của Ngân hàng nông nghiệp & phát triển nông thôn (Agribank) đạt 743.580 tỷ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt 685.829 tỷ đồng, dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn đạt 473.222 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 69% tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế. Dù đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng nhu cầu vốn cho phát triển nông nghiệp và nông thôn vẫn còn rất cao và còn khoảng cách khá xa so với khả năng đáp ứng của các tổ chức tín dụng không phải vì ngân hàng thiếu vốn mà vì thiếu địa chỉ, thiếu cơ chế đủ an toàn cho vòng quay hiệu quả của vốn. Ngay chính Agribank là ngân hàng sinh ra với mục đích kinh doanh trong khu vực nông nghiệp nông thôn mà đến nay vẫn chỉ sử dụng 69% dự nợ nền kinh tế và 63,6 % tổng dư nợ và đầu tư của ngân hàng này cho nông nghiệp, nông thôn, còn gần ½ tổng đầu tư và dư nợ phải tìm đến các địa chỉ phi nông nghiệp, nông thôn khác.

Không khó tìm nguồn tín dụng cho phát triển nông nghiệp, nông thôn

Bất kỳ chính sách nào, nếu không xuất phát từ điều kiện cụ thể, không được nghiên cứu cẩn trọng thì chính sách đó cũng chỉ là hình thức và có nguy cơ đem lại thiệt hại trước sức công phá của thị trường. Chúng ta không thể áp dụng bừa bãi, làm nhân rộng mô hình cánh đồng mẫu khi nơi đó chưa hội đủ các điều kiện tiên quyết về tổng diện tích đất canh tác có thể tích tụ, về chuỗi giá trị khép kín, công khai, bình đẳng giữa các bên liên quan. Bởi vậy, mô hình “cánh đồng mẫu lớn” không phải là “cây đũa thần” có thể phủ sóng đến toàn nông thôn Việt Nam vì không phải mọi vùng sản xuất lúa đều là lúa hàng hoá hoặc dễ dồn điền đổi thửa. Cánh đồng mẫu lớn phải là chuỗi sản xuất nông phẩm khép kín từ quy hoạch, nhân giống đến bao tiêu sản phẩm. Trong đó, mối liên kết 4 nhà (nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà DN) phải có đầu mối thống nhất. Chỉ nơi nào xuất phát từ mục tiêu canh tác sản xuất hàng hoá hoặc chính người nông dân muốn chuyển đổi mô hình sử dụng ruộng canh tác của mình theo một nguyên tắc đồng thuận chuyển giao quyền sử dụng đất canh tác cho cánh đồng mẫu lớn để thu lợi tức và đi làm việc khác hoặc vẫn làm trên cánh đồng mẫu với tư cách là nhân viên canh nông của cánh đồng thì mới thành công.

Về chính sách tín dụng, cần thiết kế theo nguyên tắc các đối tượng là nông dân nghèo hay đối tượng chính sách khác còn khả năng lao động đều phải nhanh chóng xoá dần và xoá hết các kênh bao cấp dưới hình thức nửa vời, vừa bán vừa cho như hiện nay. Không chỉ các chính sách về tín dụng nông nghiệp, nông thôn mà thậm chí chính sách xoá đói, giảm nghèo cũng phải tuân theo nguyên tắc: cho thì cho hẳn, đúng đối tượng, bán thì bán theo cơ chế thị trường cho đối tượng biết sử dụng vốn hiệu quả, không bao cấp. Vốn phải đến được các đối tượng biết dùng vốn hiệu quả nhất, có dự án khả thi, sử dụng nhiều lao động, có tính ổn định cao, có khả năng tạo nhiều việc làm cho người lao động.

Đề nghị Nhà nước cho cơ cấu lại các ĐCTC hiện đang thực thi “sứ mệnh” bao cấp vốn cho các đối tượng yếu thế trong xã hội theo hướng tái cấu trúc lại chức năng, nhiệm vụ theo cơ chế thị trường. Thống nhất chịu sự quản lý nhà nước của NHTW, xoá bao cấp, nhưng được hỗ trợ về điều kiện tiếp cận, về cơ chế bảo toàn vốn, về tư vấn sử dụng vốn, về thị trường đầu ra và thậm chí hỗ trợ trực tiếp có chọn lọc bằng tiền trả lãi suất… nhằm mục đích ngày càng thu hẹp đối tượng yếu thế trong quá trình hoà nhập với các thị phần vốn thích hợp trong nền kinh tế thị trường. Theo đó, trước mắt Nhà nước nên chuyển NHCSXH thành một Ngân hàng xây dựng, hạch toán, kinh doanh hoàn toàn theo cơ chế thị trường mà đối tượng phục vụ là đầu tư xây dựng các khu công nghiệp, các vùng chuyển hướng kinh doanh tại nông thôn, xây dựng nông thôn mới, đầu tư cho các DN nông nghiệp hoặc các cánh đồng mẫu sử dụng nhiều lao động…và Nhà nước bán ngân hàng này cho khu vực tư nhân hoặc nước ngoài tiếp nhận để hoạt động theo tôn chỉ, mục đích mà nhà nước qui định.

Chính phủ ban hành chính sách cho phép thành lập các quỹ tương hỗ dưới hình thức các tổ chức tài chính vi mô để các quỹ này hoạt động tự quản theo điều lệ quỹ mẫu, do nhà nước ban hành và quản lý theo luật. Trong đó, chính sách cần vận dụng kinh nghiệm quốc tế về cơ chế cho phép các tổ chức tài chính vi mô do tư nhân tự điều hành tại các làng, xã, ở nông thôn trong cả nước. Cụ thể hoá các mô hình hoạt động nói trên bằng cách hoàn thiện các mô hình “tổ chức tài chính vi mô”, lấy nó nuôi nó dưới nhiều hình thức khả thi, tại chỗ, có cơ chế chặt chẽ theo Điều lệ mẫu và cho phép hoạt động rộng rãi ở nước ta, gồm:

+ Cấp phép cho nhóm hộ nông dân lập quỹ bảo hiểm nhân thọ, để tạo nguồn lãi suất bằng 0 cho thành viên vay, quay vòng và chỉ sử dụng quỹ vào việc chi theo qui chế đã thống nhất công khai, minh bạch trong tổ chức quỹ khi phát sinh nghĩa vụ thanh toán bảo hiểm nhân thọ của người trong nhóm bị chết hoặc tàn tật;

+ Cho phép nhóm dân cư lập quỹ lương hưu để tạo nguồn lãi suất bằng 0 cho vay, quay vòng trong hiện tại, chi trả lương hưu trong tương lai cho những người trong nhóm được hưởng hưu từ quỹ theo thời gian đóng góp khi tới tuổi hưu theo qui định riêng của quỹ được các thành viên thống nhất thông qua;

+ Áp dụng rộng rãi mô hình tổ chức tài chính vi mô theo mô hình Grameen Bank của Bangladesh do Giáo sư Muhammad Yunus sáng tạo năm 1976. Đến nay mô hình Ngân hàng này đã phủ sóng tới hầu hết các quốc gia từ các quốc gia kém phát triển, đang phát triển và cả một số nước phát triển như: Mỹ, Canada… Theo đó, các Ngân hàng Grameen đặt điểm giao dich tại các vùng nông thôn có đông người nghèo. Họ đi tìm người để cho vay, chứ không đợi người đến vay như ở các ngân hàng thông thường. Họ đi điều tra nghiên cứu tình hình trong vùng, chọn đối tượng cho vay. Lập ra những tổ 5 người đối tượng vay, gồm những người không có quan hệ bà con, ruột thịt với nhau, chỉ là hàng xóm láng giềng. Trong quá trình huấn luyện ban đầu, tổ 5 người này được học qui chế của Ngân hàng Grameen. Hai người cần vốn nhất trong Tổ được vay trước, mỗi tuần phải trả một phần nợ, tích lũy một phần khác, thường là 1% tiền lời. Các người khác trong tổ giúp đỡ, động viên, kiểm tra để việc hoàn trả được thực hiện đều đặn. Khi hai người đầu tiên trả xong nợ, hai người tiếp theo sẽ được vay. Và cuối cùng là tổ trưởng được vay. Mọi hoạt động đều theo điều lệ, qui tắc của ngân hàng, không liên quan gì tới NSNN.

Nhà nước có chính sách khuyến khích các tổ chức và cá nhân hình thành các quỹ đầu tư khởi nghiệp hoặc quỹ đầu tư mạo hiểm hướng về nông nghiệp, nông thôn để quỹ và các đối tượng hưởng lợi từ quỹ cùng “chia ngọt sẻ buồn” theo một tỷ lệ lời ăn lỗ chịu công khai trong qui chế hoạt động quỹ.

Nhà nước sớm ban hành chính sách cho phép tích tụ, tập trung ruộng đất ở nông thôn theo hướng cho phép nông dân tự do góp đất canh tác vào cánh đồng mẫu, hưởng lợi tức cố định trên diện tích góp quyền sử dụng đất theo cơ chế phân phối doanh thu hàng vụ, hàng năm.

Về đổi mới mô hình cánh đồng mẫu lớn: Trước hết phải chuẩn hoá khái niệm khoa học về “cánh đồng mẫu lớn”. Theo đó, cánh đồng mẫu lớn phải là chuỗi sản xuất hàng hoá nông sản cụ thể, khép kín từ quy hoạch, làm đất, chọn giống đến gieo trồng, chăm bón, thu hoach và bao tiêu sản phẩm. Chuỗi giá trị phải lập được công thức phân chia tỷ lệ thụ hưởng (số %) giá trị dựa vào cơ cấu doanh thu theo bình quân 3 năm trước liền kề của hàng hoá nông phẩm đó trên địa bàn với sản lượng thu hoạch bình quân trên một đơn vị diện tích 1ha và giữ cố định 3 năm mới điều chỉnh mức sản lượng một lần, còn giá sản phẩm thì tính theo giá thị trường từng vụ khi phát sinh. Người có đất canh tác được quyền hưởng lợi tức cố định theo tỷ lệ % trên doanh thu thực và được chuyển quyền thừa kế cho người thân về quyền lợi đó trong suốt quá trình góp tích tụ ruộng đất vào cánh đồng mẫu. Ví dụ cơ cấu phân chia doanh thu của sản phẩm lúa gạo như sau: người có đất góp vào cánh đồng mẫu được hưởng 10% doanh số bán ra trên số diện tích đóng góp; các khâu cung cấp công làm đất, giống, sạ được hưởng 35%; các khâu chăm sóc, tưới nước, trừ sâu, phân bón: được hưởng 30%; các khâu thu hoạch, vận chuyển về kho, phơi sấy, xay xát, bán hàng: được hưởng 20%; Người nông chủ hoặc chủ pháp nhân của cánh đồng mẫu được hưởng 5%. Trong đó mối liên kết 4 nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp) được hưởng thích ứng trong các nhóm cơ cấu doanh thu liên quan do người nông chủ làm đầu mối liên kết, tổ chức triển khai ở cả chuỗi sản xuất từ làm đất đến bán hàng. Người có ruộng góp làm gì hưởng nấy, không làm thì chỉ hưởng lợi tức 10% như trên. Tất cả các công đoạn từ làm đất, chọn giống, gieo trồng, chăm bón, thu hoạch, vận chuyển, phơi sấy, tiêu thụ… đều khép kín theo qui trình mẫu và sự chỉ huy trực tiếp của nông chủ. Nông chủ thuê người làm trả công, mua dịch vụ trả tiền và tự lập ra các tổ sản xuất - dịch vụ trong chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Nhà nước cần có những quy định đối với các DN có vốn đầu tư nước ngoài theo hướng bắt buộc sử dụng công nghệ tiên tiến, phải chuyển giao công nghệ, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, tham gia hình thành chuỗi giá trị gia tăng liên thông nội – ngoại. Nhà nước khẳng định chủ quyền dân tộc và chọn lọc FDI theo chiến lược phát triển kinh tế Việt Nam, tránh trốn lậu thuế, tránh tạo bãi thải công nghệ, không đánh đổi ô nhiễm môi trường lấy dự án đầu tư trên đất Việt...

Tìm nguồn vốn trên thị trường tín dụng nói riêng và thị trường tài chính nói chung cho khu vực nông nghiệp, nông thôn là không khó. Thậm chí dễ dàng trong bối cảnh hầu hết các ĐCTC đã, đang và luôn luôn cần thị trường đầu ra cho vốn huy động của mình. Cái khó chính là nằm ở cơ chế cụ thể, chính sách cụ thể và con người cụ thể có “cùng xuống đồng”, đi vào thực tiễn với nông dân, nông thôn hay không. Nông phẩm Việt không chỉ lúa gạo mà hầu hết các sản phẩm hàng hoá nông phẩm khác trong thời đại hội nhập đều cần phải có thương hiệu, sạch, có mô hình sản xuất, chế biến, cung ứng khoa học theo cơ chế thị trường và đều phải có pháp nhân đầu mối thì vốn sẽ có rất nhiều con đường chảy vào theo cơ chế thị trường. Nếu nhà nước đóng vai trò ban hành chính sách, đảm bảo an ninh, an toàn và giám sát sự minh bạch của các hoạt động kinh doanh để làm chỗ dựa niềm tin cho cả bên sản xuất lẫn bên tiêu dùng... thì nông nghiệp, nông thôn Việt Nam sẽ không chỉ phát triển mà còn thu hút lao động trí tuệ, thu hút doanh nghiệp về làng quê để phát triển mạnh mẽ kinh tế đất nước.

Nguồn: Tạp chí thị trường giá cả