Tăng cường công tác quản lý, điều hành giá cuối năm 2016

Tăng cường công tác quản lý, điều hành giá cuối năm 2016 13/01/2017 14:48:00 941

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Tăng cường công tác quản lý, điều hành giá cuối năm 2016

13/01/2017 14:48:00

Tăng cường công tác quản lý, điều hành giá cuối năm 2016

Dương Vũ

Trong 11 tháng đầu năm 2016, nhờ có sự phối hợp chặt chẽ, chủ động của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực đặc biệt là trong công tác quản lý điều hành giá, lạm phát đã được kiểm soát dưới 5% như mục tiêu Quốc hội đề ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Tuy nhiên, trong tháng cuối năm, diễn biến thị trường vẫn còn nhiều phức tạp, sự thất thường của thời tiết, tác động của việc đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư công cũng như xu hướng phục hồi của giá xăng dầu, đặc biệt là nhu cầu chuẩn bị của người dân dịp Tết Nguyên đán 2017 sẽ tác động lên mặt bằng giá cả; đòi hỏi công tác quản lý điều hành giá cần tiếp tục được triển khai một cách thận trọng.

Theo nhận định của Sở Công Thương Hà Nội, nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm, may mặc, điện máy… trong dịp Tết sẽ tăng khá mạnh. Trong đó, dự kiến gạo sẽ tăng từ 82.600 tấn lên 88.000 tấn, trong khi nguồn cung hiện tại chỉ đáp ứng được 34% nhu cầu tiêu thụ của nhân dân, số lượng còn lại sẽ được khai thác từ các tỉnh lân cận. Nhu cầu tiêu dùng thịt lợn sẽ tăng từ 12.800 tấn lên 15.300 tấn; thịt bò từ 4.000 tấn lên 4.600 tấn; thịt gà từ 5.100 tấn lên 6.400 tấn; thủy, hải sản từ 5.000 tấn lên 5.500 tấn… Vì vậy, Sở Công Thương Thành phố sẽ cố gắng giữ giá các mặt hàng ở mức ổn định, nhằm phục vụ tốt nhất nhu cầu mua sắm của người dân. Hiện Sở Công Thương đã chủ động chỉ đạo, phối hợp các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chuẩn bị lượng hàng hóa tăng khoảng 10-15% so với năm 2016. Dự kiến, tổng lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán trên địa bàn Thủ đô đạt hơn 23.500 tỷ đồng. Đặc biệt, Tết Đinh Dậu 2017, thay vì sử dụng nguồn vốn ngân sách hỗ trợ cho doanh nghiệp để bình ổn giá dịp Tết, Hà Nội sẽ tạo điều kiện để doanh nghiệp tiếp cận vốn vay ngân hàng với lãi suất hợp lý.              

Bên cạnh đó, tại TP. Hồ Chí Minh, lượng hàng chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán năm nay tăng 15 - 20% so kế hoạch thành phố giao và tăng 25-45% so kết quả thực hiện Tết Bính Thân 2016. Nguồn vốn dự kiến các doanh nghiệp chuẩn bị sản xuất, dự trữ cung ứng cho dịp Tết Đinh Dậu 2017 khoảng 17.068 tỷ đồng, tăng 860 tỷ đồng (tăng 5,3%) so với nguồn vốn chuẩn bị Tết Bính Thân 2016, trong đó giá trị hàng hóa chuẩn bị nguồn hàng bình ổn thị trường là gần 6.852 tỷ đồng. Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đều đã cam kết với Sở Công Thương Thành phố giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong 1 tháng trước Tết và 1 tháng sau Tết, đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết các mặt hàng thiết yếu như: Thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm… Bên cạnh đó, trong tháng cận Tết, nhằm kích thích mua sắm tiêu dùng, các doanh nghiệp sẽ thực hiện hơn 1.500 đợt khuyến mãi, tập trung vào các mặt hàng như: Nước giải khát, bánh, kẹo, mứt, quần áo… giá trị khoảng 1.200 tỷ đồng.

Nhằm tăng cường hơn nữa công tác quản lý, điều hành giá tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 19/10/2016, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đề nghị các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực và các địa phương cần tập trung triển khai tốt các nhiệm vụ sau:

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục điều hành, giữ ổn định lạm phát cơ bản trong khoảng 1,81% đến dưới 2%; bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ và hoạt động ngân hàng để sử dụng đồng bộ, linh hoạt các công cụ của chính sách tiền tệ; ổn định lãi suất huy động, tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động của ngân hàng. Đồng thời, điều hành tín dụng nhịp nhàng, tập trung vào lĩnh vực sản xuất cần thiết, phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ với chính sách tài khóa…

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành cần tiếp tục điều hành giá một số mặt hàng thiết yếu theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Trong đó, Bộ Công Thương giữ ổn định giá bán lẻ điện; theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định, sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp để không tạo lạm phát kỳ vọng; bảo đảm cân đối cung cầu thị trường các mặt hàng khác thuộc chức năng quản lý trong đó có vấn đề về điều hành linh hoạt hạn ngạch nhập khẩu. Đặc biệt, cần chủ động chuẩn bị nguồn hàng cho thị trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ưu tiên các sản phẩm sạch, không để xảy ra thiếu hàng gây sốt giá, có kịch bản đối phó với điều kiện thời tiết khó khăn, triển khai chương trình bình ổn thị trường phù hợp với thực tế địa phương cho các dịp tiêu dùng cao điểm như Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.

  Đối với các loại phí được chuyển sang thực hiện cơ chế giá thị trường mà Nhà nước không định giá, giá các dịch vụ sẽ được tính đúng, tính đủ các chi phí hợp lý phù hợp với thị trường. Các Bộ, ngành và địa phương cần chủ động thực hiện theo phân cấp quản lý của Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về giá theo quy định của pháp luật đối với những dịch vụ này. Mặt khác, các loại phí được chuyển sang giá do Nhà nước định giá, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tập trung xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện từ ngày 01/01/2017 theo phân cấp của Chính phủ, chỉ đạo các đơn vị cung ứng dịch vụ báo cáo kết quả hoạt động, tình hình cân đối thu chi, đánh giá mức độ bù đắp các chi phí phát sinh để cung ứng dịch vụ từ số tiền thu phí theo mức phí hiện hành để xây dựng phương án giá dịch vụ. Trường hợp những loại phí sang giá có tính chất đặc thù, cần phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất phương pháp định giá, xây dựng hệ thống định mức kinh tế kỹ thuật, quy trình quy phạm, tính toán chi phí thực tế hợp lý để hình thành nên giá. Trường hợp mức giá cao hơn mức phí hàng hóa thì cần có lộ trình điều hành phù hợp bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô…

Nguồn: Tạp chí thị trường giá cả