Những nội dung cơ bản sửa đổi, bổ sung giá dịch vụ chứng khoán

Những nội dung cơ bản sửa đổi, bổ sung giá dịch vụ chứng khoán 15/01/2019 10:50:00 1155

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Những nội dung cơ bản sửa đổi, bổ sung giá dịch vụ chứng khoán

15/01/2019 10:50:00

Sửa đổi, bổ sung giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán

Theo quy định tại Phụ lục số 2 ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí về quy định danh mục các sản phẩm, dịch vụ chuyển từ phí sang giá dịch vụ do nhà nước định giá (có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2017), quy định phí hoạt động chứng khoán được chuyển sang thực hiện theo cơ chế giá (giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán); Bộ Tài chính đã ban hành 02 Thông tư: (i) Thông tư số 241/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam; (ii) Thông tư số 242/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, ngân hàng thương mại tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam.

Qua một thời gian triển khai thực hiện thu giá dịch vụ chứng khoán, để kịp thời hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật về giá phù hợp với sự ra đời của thị trường chứng khoán phái sinh và một số dịch vụ chứng khoán mới như vay và cho vay công cụ nợ..., Bộ Tài chính ban hành 02 Thông tư số 127/2018/TT-BTC quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam và Thông tư số 128/2018/TT-BTC quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán, ngân hàng thương mại tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam theo đúng quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật thay thế Thông tư số 241/2016/TT-BTC và Thông tư số 242/2016/TT-BTC nêu trên.

Một số điểm mới tại Thông tư 127 và Thông tư 128 liên quan đến giá dịch vụ lưu ký, chuyển quyền sở hữu...cụ thể như sau:

- Giảm giá dịch vụ lưu ký lưu ký cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm; khống chế mức giá trần dịch vụ lưu ký trái phiếu doanh nghiệp, công cụ nợ theo quy định tại Luật Quản lý nợ công;

- Giảm giá dịch vụ chuyển quyền sở hữu vốn nhà nước tại VSD so với hiện hành;

- Bổ sung giá dịch vụ giao dịch bán kết hợp mua lại công cụ nợ; giá dịch vụ giao dịch vay và cho vay công cụ nợ;

- Sửa đổi, chỉ quy định mức giá tối đa dịch vụ môi giới mua, bán cổ phiếu, chứng chỉ quỹ, chứng quyền có bảo đảm (áp dụng cho chứng khoán niêm yết và chứng khoán đăng ký giao dịch) tại công ty chứng khoán;

- Bổ sung giá dịch vụ tại thị trường chứng khoán phái sinh;

- Một số nội dung điều chỉnh khác để phù hợp với Luật Quản lý nợ công.

Một số nội dung mới:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán (sau đây gọi tắt là SGDCK) và tại Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (sau đây gọi tắt là VSD) theo quy định pháp luật.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán theo quy định tại Thông tư này bao gồm: SGDCK, VSD được thành lập và hoạt động tại Việt Nam.

2. Tổ chức, cá nhân sử dụng các dịch vụ chứng khoán được cung cấp bởi tổ chức cung cấp dịch vụ chứng khoán nêu tại khoản 1 Điều này bao gồm: các thành viên giao dịch của SGDCK (bao gồm cả thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh), thành viên của VSD (bao gồm thành viên lưu ký và thành viên bù trừ); tổ chức đăng ký niêm yết; tổ chức niêm yết; công ty quản lý quỹ; tổ chức phát hành; tổ chức mở tài khoản trực tiếp tại VSD; cá nhân, tổ chức thực hiện chuyển quyền sở hữu chứng khoán không qua hệ thống giao dịch của SGDCK; Kho bạc Nhà nước; tổ chức phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo quy định của Luật Quản lý nợ công; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phát hành trái phiếu chính quyền địa phương.

3. Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

Điều 3. Giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại SGDCK và VSD

1. Giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại SGDCK và VSD được quy định chi tiết tại Biểu giá và Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán quy định tại Thông tư này không chịu thuế giá trị gia tăng theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng và văn bản sửa đổi, bổ sung (nếu có).

3. Đối với các dịch vụ khác không quy định tại Biểu giá, SGDCK và VSD được tự định giá dịch vụ do mình cung ứng phù hợp với thực tế cung ứng dịch vụ và quy định của pháp luật về giá, pháp luật có liên quan.

4. SGDCK, VSD phải thực hiện niêm yết giá, công khai giá, chấp hành theo quy định của pháp luật về giá, pháp luật về chứng khoán và văn bản hướng dẫn có liên quan.

Điều 4. Quy định về thanh toán tiền sử dụng dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán

1. Trường hợp tổ chức đăng ký lại tư cách thành viên giao dịch của SGDCK thì thanh toán tiền sử dụng dịch vụ đăng ký thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh, quản lý thành viên giao dịch, dịch vụ duy trì kết nối trực tuyến, dịch vụ sử dụng thiết bị đầu cuối như các trường hợp đăng ký làm thành viên mới.

Trường hợp tổ chức đăng ký lại tư cách thành viên lưu ký, thành viên bù trừ của VSD thì thanh toán tiền sử dụng dịch vụ quản lý thành viên lưu ký, thành viên bù trừ và dịch vụ đăng ký thành viên bù trừ như các trường hợp đăng ký làm thành viên mới.

2. Trường hợp các thành viên giao dịch bị SGDCK ngừng giao dịch hoặc đình chỉ hoạt động giao dịch hoặc ngừng kết nối trực tuyến kéo dài sang năm tiếp theo mà không bị chấm dứt tư cách thành viên thì thành viên giao dịch vẫn phải thanh toán tiền sử dụng dịch vụ quản lý thành viên giao dịch, dịch vụ duy trì kết nối trực tuyến, dịch vụ sử dụng thiết bị đầu cuối năm tiếp theo.

Trường hợp các thành viên lưu ký, thành viên bù trừ bị VSD ngừng cung cấp dịch vụ lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán hoặc tạm thời đình chỉ hoạt động lưu ký, bù trừ và thanh

toán giao dịch chứng khoán kéo dài sang năm tiếp theo mà không bị chấm dứt tư cách thành viên thì thành viên lưu ký, thành viên bù trừ vẫn phải thanh toán tiền sử dụng dịch vụ quản lý thành viên lưu ký, thành viên bù trừ năm tiếp theo.

3. Trường hợp các thành viên giao dịch đã bị SGDCK ngừng giao dịch hoặc bị đình chỉ hoạt động giao dịch hoặc ngừng kết nối trực tuyến để chấm dứt tư cách thành viên trong năm đó thì không phải thanh toán tiền sử dụng dịch vụ quản lý thành viên giao dịch, dịch vụ duy trì kết nối, dịch vụ sử dụng thiết bị đầu cuối trong các năm tiếp theo.

Trường hợp các thành viên lưu ký, thành viên bù trừ đã bị VSD ngừng cung cấp dịch vụ lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán hoặc tạm thời đình chỉ hoạt động lưu ký, bù trừ và thanh toán giao dịch chứng khoán để chấm dứt tư cách thành viên trong năm đó thì không phải thanh toán tiền sử dụng dịch vụ quản lý thành viên lưu ký, thành viên bù trừ trong các năm tiếp theo.

4. Giá dịch vụ giao dịch của thành viên tạo lập thị trường được giảm tối đa không quá 80% mức giá quy định tại Điểm 4 Mục I Phần A Biểu giá và tối đa không quá 70% mức giá quy định tại Điểm 3 Mục I Phần B Biểu giá sau khi các thành viên tạo lập thị trường hoàn thành các nghĩa vụ tạo lập thị trường theo quy định của pháp luật và điều kiện cụ thể do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền quy định.

Điều 5. Quy định về thời gian thu, thanh toán, hoàn trả tiền sử dụng dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán

1. Đối với các khoản thu định kỳ hàng năm từ giá dịch vụ quy định tại Biểu giá dịch vụ kèm theo Thông tư này, các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ có trách nhiệm thanh toán cho SGDCK, VSD trước ngày 31 tháng 01 hàng năm.

2. Đối với các khoản thu định kỳ hàng tháng từ giá dịch vụ quy định tại Biểu giá dịch vụ kèm theo Thông tư này, các tổ chức, cá nhân sử dụng dịch vụ có trách nhiệm thanh toán cho SGDCK, VSD chậm nhất vào ngày 15 của tháng tiếp theo.

3. Đối với các tổ chức đăng ký làm thành viên mới của SGDCK, VSD và mới đăng ký niêm yết thì thực hiện thanh toán tiền sử dụng dịch vụ đăng ký thành viên giao dịch chứng khoán phái sinh, dịch vụ quản lý thành viên giao dịch, dịch vụ quản lý niêm yết, dịch vụ duy trì kết nối trực tuyến định kỳ, dịch vụ sử dụng thiết bị đầu cuối, dịch vụ đăng ký thành viên bù trừ, dịch vụ quản lý thành viên lưu ký, dịch vụ quản lý thành viên bù trừ, trong vòng 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày SGDCK ra Quyết định chấp thuận tư cách thành viên, Quyết định chấp thuận niêm yết, VSD cấp Giấy chứng nhận thành viên lưu ký, thành viên bù trừ.

4. SGDCK, VSD hoàn trả tiền sử dụng dịch vụ quản lý thành viên giao dịch, dịch vụ duy trì kết nối trực tuyến định kỳ, dịch vụ sử dụng thiết bị đầu cuối, dịch vụ quản lý thành viên lưu ký, dịch vụ quản lý thành viên bù trừ cho thành viên giao dịch của SGDCK, thành viên của VSD trong vòng 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày SGDCK ra Quyết định chấm dứt tư cách thành viên giao dịch, VSD ra Quyết định thu hồi Giấy chứng nhận thành viên lưu ký, thành viên bù trừ.

5. SGDCK thu bổ sung hoặc hoàn trả tiền sử dụng dịch vụ quản lý niêm yết cho tổ chức niêm yết, công ty quản lý quỹ trong vòng 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày SGDCK ra Quyết định chấp thuận thay đổi niêm yết đối với trường hợp thay đổi niêm yết hoặc ngày hủy niêm yết có hiệu lực đối với trường hợp hủy niêm yết.

Điều 6. Quản lý và sử dụng nguồn thu từ cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán

1. Nguồn thu từ cung ứng dịch vụ, sau khi thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật thì phần còn lại SGDCK và VSD thực hiện quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

2. Nguồn thu của VSD từ dịch vụ chuyển quyền sở hữu chứng khoán quy định tại Điểm 17 (trừ Điểm 17.1c và 17.5) Mục II Phần A của Biểu giá ban hành kèm theo Thông tư này được VSD điều tiết cho SGDCK theo thỏa thuận trong Hợp đồng cung cấp dịch vụ đảm bảo tối đa không quá 50% số tiền thu được đối với các trường hợp chuyển quyền sở hữu chứng khoán niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên SGDCK.

3. Các tổ chức, cá nhân không thanh toán tiền sử dụng dịch vụ đúng hạn hoặc không thanh toán đủ tiền sử dụng dịch vụ thì SGDCK, VSD căn cứ từng trường hợp để gia hạn thời gian thanh toán hoặc xử lý theo các quy chế do SGDCK, VSD ban hành.

4. Khi thu tiền dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán, SGDCK và VSD sử dụng hóa đơn cung ứng dịch vụ theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010; Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31 tháng 3 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010; Thông tư số 37/2017/TT-BTC ngày 27 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31 tháng 3 năm 2014; Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27 tháng 02 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về thuế giá trị gia tăng và quản lý thuế tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về thuế và sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31 tháng 3 năm 2014 và văn bản thay thế hoặc văn bản đã được sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2019 và thay thế Thông tư số 241/2016/TT-BTC ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định giá dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán áp dụng tại Sở giao dịch chứng khoán và Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam; bãi bỏ quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 2 Điều 3, Khoản 5 Điều 3, Điều 4, Điểm a Khoản 1 Điều 5, Khoản 2 Điều 5 quy định tại Thông tư số 15/2018/TT-BTC ngày 07 tháng 02 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về chi phí phát hành, hoán đổi, mua lại, thanh toán gốc, lãi trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương.

Trường hợp các tổ chức, cá nhân đã nộp các khoản tiền trước thời điểm Thông tư này có hiệu lực và có sự chênh lệch với giá phải trả theo quy định tại Thông tư này thì SGDCK và VSD không hoàn trả lại hoặc không thu thêm số tiền chênh lệch phát sinh.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./

THÙY LINH