Những giải pháp được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đề ra nhằm quản lý, điều hành giá trong năm 2019

Những giải pháp được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đề ra nhằm quản lý, điều hành giá trong năm 2019 19/02/2019 11:15:00 453

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Những giải pháp được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đề ra nhằm quản lý, điều hành giá trong năm 2019

19/02/2019 11:15:00

Những giải pháp được Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đề ra nhằm quản lý, điều hành giá trong năm 2019. Phương hướng triển khai cần thiết của ngành Tài chính

    

Ngày 01 tháng 02 năm 2019, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng – Phó trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá đã kí ban hành Thông báo số 162/TB-BCĐĐHG thông báo ý kiến Kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá ngày 17 tháng 01 năm 2019 đánh giá kết quả công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2018 và định hướng điều hành giá năm 2019.

Công tác điều hành giá năm 2018 theo đúng kịch bản, góp phần kiểm soát lạm phát đạt mục tiêu

Trong năm 2018 tuy có nhiều khó khăn, thách thức đặt ra cho công tác quản lý, điều hành giá và kiểm soát lạm phát, nhưng với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá, đồng thời với sự quyết tâm cao, phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ kinh tế tổng hợp là Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - Tổng cục Thống kê, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các Bộ quản lý ngành nên kết quả điều hành giá đã theo đúng các kịch bản cụ thể được xây dựng từ đầu năm, phản ánh được các diễn biến giá cả thị trường thế giới và trong nước, điều chỉnh được thêm một bước đối với giá một số dịch vụ sự nghiệp công quan trọng theo chủ trương của Chính phủ.

Kết quả công tác quản lý, điều hành giá đã góp phần kiểm soát lạm phát bình quân cả năm ở mức 3,54%, là năm thứ ba liên tiếp đạt và vượt chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra ở mức dưới 4%, qua đó góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô. Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng trong năm 2018 chịu sức ép tăng giá của một số yếu tố tập trung chủ yếu vào các quý giữa năm như biến động tăng cao của giá xăng dầu, LPG thế giới, giá thịt lợn hồi phục và ổn định ở mức cao, giá một số vật liệu xây dựng tăng, giá một số mặt hàng nông sản biến động tăng mang tính mùa vụ; giá một số dịch vụ công như y tế, giáo dục được điều chỉnh theo lộ trình thị trường.... Trong bối cảnh đó, công tác điều hành giá đã được thực hiện một cách chủ động, linh hoạt, thực hiện nhất quán nguyên tắc quản lý giá cả theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, không thực hiện các biện pháp can thiệp mang tính mệnh lệnh hành chính. Việc điều chỉnh giá các mặt hàng thiết yếu và dịch vụ công theo lộ trình thị trường được thực hiện vào các thời điểm phù hợp, bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát và tín hiệu thị trường trong nước và thế giới góp phần thực hiện lộ trình tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Tiếp tục phát huy ưu điểm, quyết tâm kiểm soát lạm phát năm 2019 dưới 4%

Trong năm 2019, Quốc hội đã đề ra chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm khoảng 4%. Trên cơ sở đánh giá các yếu tố có thể tác động lên mặt bằng giá năm 2019 và căn cứ các kịch bản điều hành giá đã được thống nhất, Chính phủ quyết tâm điều hành giá với mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4%, trong khoảng từ 3,3% đến 3,9%, kiểm soát lạm phát cơ bản trong khoảng 1,6-1,8%. Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm các nhiệm vụ chủ yếu sau:

Chủ động theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, chủ động rà soát, cân đối cung cầu để bình ổn thị trường; đặc biệt là trong các thời điểm lễ, Tết, đảm bảo lượng cung hàng hóa, dịch vụ đáp ứng nhu cầu người dân, nhất là các khu vực vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp, khu chế xuất nơi tập trung nhiều người dân lao động.

Phân tích, tính toán, đề xuất các kịch bản điều hành giá đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý đảm bảm việc điều chỉnh giá với liều lượng, thời điểm hợp lý tương ứng với các kỳ điều hành, tránh điều chỉnh tập trung vào một thời điểm trong năm; công khai, minh bạch các chính sách điều hành giá và công tác thu, chi giá hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước quản lý.

Tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp với các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành giữ ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá, giữ ổn định lạm phát cơ bản trong khoảng 1,6% – 1,8%.

Tổ chức thực hiện có hiệu quả các giải pháp, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc điều hành giá của một số mặt hàng thiết yếu theo các giải pháp đã được đề ra; việc điều hành giá những tháng đầu năm cần hết sức thận trọng để đảm bảo dư địa điều hành cho CPI cả năm. Cụ thể là:

- Lương thực, thực phẩm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng nông sản, phối hợp với Bộ Công Thương cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu đặc biệt là lúa gạo, thực phẩm nhằm bình ổn thị trường nhất là trong các thời điểm lễ, Tết. Riêng đối với các mặt hàng thịt lợn, có hướng dẫn chỉ đạo ngành chăn nuôi tăng cường công tác kiểm soát dịch bệnh, chỉ đạo việc tái đàn gắn với chọn lọc con giống chất lượng cao, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi để nâng cao năng suất, hạ giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường; chú trọng công tác truyền thông về nguồn cung, giá cả để hạn chế yếu tố tăng giá do tâm lý hoặc yếu tố đầu cơ.

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác kiểm tra, quản lý thị trường, giám sát hoạt động của thương lái, kết nối các doanh nghiệp chăn nuôi lợn thịt quy mô lớn với các đơn vị phân phối lớn thịt lợn để giảm chi phí trong lưu thông và khâu phân phối bán lẻ; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát vấn đề nhập lậu, gian lận thương mại.

- Xăng dầu: Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định, trích lập và sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, có kịch bản ứng phó phù hợp nếu giá xăng dầu tăng cao, nhất là trong các thời điểm cận lễ, Tết để tránh ảnh hưởng đến kỳ vọng về lạm phát. Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản xuất, chế biến xăng sinh học E5 để khuyến khích tiêu dùng. Nghiên cứu, rà soát sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để có chính sách, mức thuế bảo vệ môi trường phù hợp với xăng sinh học (E5, E10, B5, B10,...) nhằm khuyến khích tiêu dùng xăng sinh học.

- Điện: Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và cơ quan liên quan xây dựng các kịch bản chi tiết điều hành giá điện bảo đảm đồng bộ với việc điều chỉnh giá khí trong bao tiêu tại thời điểm phù hợp, hạn chế đến mức thấp nhất tác động bất lợi đến sản xuất và đời sống; đồng thời, tăng cường công tác công khai, minh bạch chi phí đầu vào, thanh tra, kiểm tra và công khai kết quả sản xuất kinh doanh điện theo quy định.

- Dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh: Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Tổng cục Thống kê chủ động đề xuất phương án, lộ trình giá dịch vụ khám chữa bệnh phù hợp với thực tế diễn biến chỉ số giá và khả năng cân đối quỹ BHYT trong đó cập nhật các biến động chi phí tiền lương và kết cấu chi phí quản lý vào trong giá. Rà soát, đánh giá, đề xuất sửa đổi danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo hướng giảm bớt số lượng dịch vụ; rà soát lại các định mức kinh tế-kỹ thuật để có hướng điều chỉnh hợp lý phù hợp quy định pháp luật và tình hình thực tế và đặc thù dịch vụ. Bộ Y tế báo cáo Phó Thủ tướng -Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về đề xuất sửa đổi danh mục dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và định mức kinh tế kỹ thuật.

- Xăng dầu: Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính điều hành giá xăng dầu trong nước theo quy định, trích lập và sử dụng hợp lý Quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp giúp kiểm soát mặt bằng giá chung, có kịch bản ứng phó phù hợp nếu giá xăng dầu tăng cao, nhất là trong các thời điểm cận lễ, Tết để tránh ảnh hưởng đến kỳ vọng về lạm phát. Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định về hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản xuất, chế biến xăng sinh học E5 để khuyến khích tiêu dùng. Nghiên cứu, rà soát sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để có chính sách, mức thuế bảo vệ môi trường phù hợp với xăng sinh học (E5, E10, B5, B10,...) nhằm khuyến khích tiêu dùng xăng sinh học.

- Thuốc chữa bệnh cho người: Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục triển khai và mở rộng danh sách đấu thầu tập trung quốc gia đối với thuốc, vật tư y tế, đẩy nhanh đấu thầu và đàm phán giá thuốc nhằm hạ giá thuốc, bảo đảm cung cấp đầy đủ thuốc có chất lượng. Đánh giá những kết quả đạt được và những hạn chế của công tác đấu thầu tập trung thuốc trong thời gian vừa qua và đề xuất giải pháp khắc phục.

- Dịch vụ đường bộ các dự án đầu tư xây dựng để kinh doanh (BOT): Bộ Giao thông vận tải phối hợp với cơ quan liên quan cơ bản giữ ổn định giá dịch vụ BOT; kịp thời xử lý các vấn đề vướng mắc; triển khai đồng bộ trên phạm vi toàn quốc phương án trạm thu phí không dừng; minh bạch, công khai trong thu giá dịch vụ.

- Các dịch vụ chuyển từ phí sang giá: Các Bộ, ngành có trách nhiệm ban hành đầy đủ định mức kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xác định giá, báo cáo tác động của việc điều chỉnh giá đến chỉ số giá CPI, đời sống nhân dân; tăng thu, nâng cao sự chủ động cho đơn vị sự nghiệp công và giảm chi NSNN; phối hợp với các cơ quan liên quan tính toán, lựa chọn thời điểm điều chỉnh giá phù hợp.

- Dịch vụ giáo dục: Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục phối hợp với các địa phương đánh giá tình hình thực hiện mức giá hiện hành so với lộ trình giá thị trường tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP để có kiến nghị sửa đổi trong phạm vi quản lý. Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội phối hợp với các cơ quan liên quan nắm bắt, đánh giá việc điều chỉnh học phí và tình hình thực tế tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để có định hướng điều chỉnh, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị trong năm 2019.

- Sách giáo khoa: Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo, giám sát việc điều chỉnh giá sách giáo khoa trong năm học 2019 - 2020 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam theo phương án đã được Bộ phê duyệt chủ trương; đồng thời chỉ đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam chủ động làm việc với các cơ quan báo chí để làm tốt công tác truyền thông tới xã hội, tạo đồng thuận với chủ trương điều chỉnh này. Bộ Tài chính thực hiện tiếp nhận kê khai giá sách giáo khoa theo quy định.

- Đối với các mặt hàng thuộc thẩm quyền định giá của địa phương: Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chú trọng rà soát các yếu tố chi phí, đánh giá kỹ tác động lên mặt bằng giá tại địa phương nói riêng và mặt bằng giá cả nước nói chung, tránh điều chỉnh tăng giá khi chưa có đủ các điều kiện phù hợp. Đẩy mạnh kiểm soát việc thực hiện công tác niêm yết giá, kê khai giá và kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về giá tại địa bàn, nhất là các tháng trước, trong và sau Tết.

- Đối với công tác điều hành, bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019: Phó Thủ tướng chỉ đạo các Bộ, ngành thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 28/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm trong đó chú trọng công tác cân đối cung cầu, tăng cường quản lý giá cả thị trường nhất là các hàng hóa dịch vụ có nhu cầu tăng cao trong dịp Tết. Chủ động bố trí kế hoạch sản xuất, kinh doanh và trực Tết để bảo đảm các hoạt động thông suốt trong dịp Tết Nguyên đán; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.

Về công tác dự báo: Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Tổng cục Thống kê và các Bộ, ngành tăng cường công tác phân tích, dự báo, bám sát diễn biến giá cả thị trường để báo cáo kịp thời, đề xuất các kịch bản điều hành giá chi tiết cho từng giai đoạn điều hành giá trong năm 2019 nhằm bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát, báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo điều hành giá định kỳ và đột xuất.

  Đối với công tác thông tin truyền thông: Phó Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông chủ động phối hợp với các Bộ, ngành và các cơ quan báo chí đẩy mạnh công tác truyền thông, đảm bảo kịp thời, minh bạch thông tin về giá. Các Bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động, kịp thời cung cấp thông tin khách quan, toàn diện, chính xác cho các cơ quan báo chí về công tác điều hành giá các mặt hàng thiết yếu để ổn định tâm lý người tiêu dùng, kiểm soát lạm phát kỳ vọng.

Các tin khác