Lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 43/2018/TT-BTC. Những điểm thay đổi cơ bản và đánh giá chi tiết

Lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 43/2018/TT-BTC. Những điểm thay đổi cơ bản và đánh giá chi tiết 15/10/2019 15:15:00 494

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 43/2018/TT-BTC. Những điểm thay đổi cơ bản và đánh giá chi tiết

15/10/2019 15:15:00

Lấy ý kiến rộng rãi về dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 43/2018/TT-BTC ngày 07 tháng 5 năm 2018 của Bộ Tài chính

Thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong tố tụng hình sự theo kiến nghị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính đã xây dựng và hoàn thiện trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP,

Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 30/2018/NĐ-CP đã có một số nội dung sửa đổi quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự các cấp. Hiện nay, việc xây dựng dự thảo Nghị định đã gần xong các bước theo quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, dự kiến Nghị định sẽ được ban hành trong tháng 10/2019 (dự thảo kèm theo).

Gioi thieu chinh sach.jpg

Để kịp thời hướng dẫn việc thực hiện một số quy định sửa đổi, bổ sung mới tại dự thảo Nghị định số 30/2018/NĐ-CP và hướng dẫn một số nội dung vướng mắc ở khâu tổ chức thực hiện, Bộ Tài chính dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 43/2018/TT-BTC ngày 07 tháng 5 năm 2018 hướng dẫn một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP và Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP (dự thảo kèm theo).

Bộ Tài chính xin giới thiệu toàn văn dự thảo Thông tư và đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, đóng góp ý kiến.

To tung.jpg

Nội dung cụ thể thay đổi như sau:

Thông tư thay thế Thông tư số 43/2018/TT-BTC bao gồm 3 Chương với 13 Điều và 5 Phụ lục kèm theo.

Chương I: Những quy định chung, gồm 02 điều quy định về Phạm vi điều chỉnh và Đối tượng áp dụng.

Chương II: Những quy định cụ thể, gồm 10 Điều (từ Điều 3 đến Điều 13) quy định về phân loại tài sản định giá; Cung cấp tài liệu, hồ sơ liên quan đến yêu cầu định giá tài sản; Tiếp nhận và triển khai yêu cầu định giá tài sản; Thành lập Hội đồng định giá tài sản; Căn cứ định giá tài sản; Lập kế hoạch định giá tài sản; Khảo sát giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá; Quyền và nghĩa vụ của Hội đồng định giá; Yêu cầu khi áp dụng phương pháp định giá; Chi phí định giá, định giá lại tài sản.

Chương III: Điều khoản thi hành, gồm 01 Điều (Điều 13) quy định về hiệu lực thi hành và tổ chức thực hiện.

Trong đó, đối với những quy định cụ thể, so với Thông tư số 43/2018/TT-BTC, dự thảo Thông tư cơ bản giữ nguyên 03 Điều, sửa đổi 01 Điều và bổ sung 06 Điều.

3.2. Những nội dung thay đổi cơ bản của dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 43/2018/TT-BTC:

Tại dự thảo Thông tư, Cục Quản lý giá đã bổ sung tập trung vào một số nội dung chính sau đây:

-  Về phạm vi điều chỉnh: Tại Điều 1 dự thảo Thông tư bổ sung nội dung hướng dẫn về phân loại tài sản cần định giá, cung cấp tài liệu, hồ sơ liên quan đến yêu cầu định giá tài sản, tiếp nhận yêu cầu định giá tài sản, thành lập Hội đồng định giá tài sản, lập kế hoạch định giá tài sản, các biểu mẫu văn bản phục vụ cho việc triển khai hoạt động của Hội đồng định giá tài sản để hướng dẫn các nội dung liên quan tại Nghị định số 97/2019/NĐ-CP và Nghị định số 30/2018/NĐ-CP .

- Về đối tượng áp dụng: Tại Điều 2 dự thảo Thông tư bổ sung đối tượng áp dụng là cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng (cơ quan gửi yêu cầu định giá tài sản tới Hội đồng định giá và sử dụng các kết quả định giá từ Hội đồng).

- Phân loại tài sản: quy định tại Điều 3 dự thảo Thông tư. Tại Khoản 1 Điều 1 Nghị định số 97/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định về việc đối với vụ án có nhiều loại tài sản khác nhau, trường hợp phân loại được tài sản để tiến hành định giá riêng lẻ theo từng nhóm tài sản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ thành lập Hội đồng định giá riêng đối với từng nhóm tài sản. Để hướng dẫn chi tiết loại tài sản hỗn hợp nào có thể phân loại được, dự thảo Thông tư bổ sung quy định về việc phân loại tài sản. Theo đó quy định: Tài sản có thể phân loại được để tiến hành định giá riêng lẻ là những tài sản độc lập về mặt vật lý, tính năng sử dụng, không bị phụ thuộc, ảnh hưởng lẫn nhau về mặt giá trị và chức năng sử dụng, không bị thay đổi về mặt giá trị khi định giá riêng lẻ.

-  Về cung cấp hồ sơ, tài liệu liên quan đến yêu cầu định giá tài sản: quy định tại Điều 4 dự thảo Thông tư. Tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 97/2019/NĐ-CP quy định ”Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng có trách nhiệm gửi đầy đủ tài liệu, thông tin liên quan đến tài sản cần định giá và kèm theo tài liệu thuyết minh cụ thể căn cứ pháp lý, lý do nghi ngờ kết quả định giá, định giá lại cho Hội đồng định giá cấp trên”. Để hướng dẫn cụ thể về các tài liệu, thông tin liên quan mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cần gửi kèm theo văn bản yêu cầu định giá tài sản, tại dự thảo Thông tư đã hướng dẫn cụ thể các tài liệu, hồ sơ liên quan đến tài sản cần định giá trên cơ sở rà soát các quy định tại pháp luật về tố tụng hình sự, pháp luật về giá và căn cứ vào yêu cầu của việc định giá tài sản, cụ thể bao gồm:

a) Tài liệu thể hiện đặc điểm pháp lý, kinh tế-kỹ thuật của tài sản cần định giá:

Tại dự thảo Thông tư đã bổ sung một Phụ lục chi tiết về các tài liệu thể hiện các thông tin này, chia ra làm 2 nhóm tài sản gồm bất động sản và động sản (vật tư, máy móc, thiết bị, hàng hóa) trên cơ sở tham khảo quy định tại Tiêu chuẩn Thẩm định giá Việt Nam số 06 - Báo cáo kết quả thẩm định giá, chứng thư thẩm định giá và hồ sơ thẩm định giá ban hành kèm theo Thông tư số 28/2015/TT-BTC ngày 6/3/2015 của Bộ Tài chính.

b) Tài liệu thể hiện thông tin về nhân thân bị can, bị hại, người có liên quan đến tài sản cần định giá;

c) Chứng cứ thu thập được (vật chứng, lời khai, lời trình bày, dữ liệu điện tử và các tài liệu, đồ vật khác) có liên quan đến tài sản cần định giá (nếu có);

Nội dung này được xây dựng căn cứ vào quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự về các chứng cứ mà cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu thập được trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án hình sự; từ đó có sự chắt lọc giới hạn ở các chứng cứ thu thập được có liên quan đến yêu cầu định giá tài sản.

d) Biên bản giám định tình trạng kinh tế kỹ thuật, tỷ lệ chất lượng còn lại của tài sản tại thời điểm cần định giá (nếu có);

Nội dung này được bổ sung căn cứ vào yêu cầu của công tác định giá tài sản. Đồng thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, trong một số trường hợp bắt buộc hoặc khi xét thấy cần thiết, cơ quan có thẩm quyền tố tụng ra quyết định trưng cầu giám định. Theo kiến nghị của địa phương, việc giám định tình trạng kinh tế-kỹ thuật, tỷ lệ chất lượng còn lại của tài sản cần thực hiện ngay tại thời điểm cần định giá, nhất là tại thời điểm cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng thu giữ tài sản để tránh những hư hỏng, hao tổn chất lượng bởi yếu tố thời gian.

đ) Các tài liệu, hồ sơ khác có liên quan đến yêu cầu định giá tài sản (nếu có).

Ngoài ra, tại dự thảo Thông tư cũng bổ sung hướng dẫn quy định nêu tại Khoản 5 Điều 1 Nghị định số 97/2019/NĐ-CP về các tài liệu hồ sơ cần cung cấp đối với trường hợp yêu cầu định giá lại, quy định cụ thể về lý do nghi ngờ kết quả định giá, định giá lại tài sản nhằm đảm bảo việc yêu cầu định giá lại có đầy đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn, tránh việc các cơ quan có thẩm quyền tố tụng yêu cầu định giá lại tài sản nhưng không nêu rõ lý do căn cứ nghi ngờ.

Bổ sung hướng dẫn về thời hạn cụ thể cơ quan có thẩm quyền tố tụng cung cấp hồ sơ, tài liệu bổ sung cho Hội đồng định giá tài sản khi được yêu cầu để hạn chế vướng mắc phát sinh trong thực tế phải kéo dài việc định giá tài sản do việc chậm bổ sung hồ sơ của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

- Về tiếp nhận và triển khai yêu cầu định giá tài sản: quy định tại Điều 5 dự thảo Thông tư. Nội dung này được bổ sung căn cứ vào yêu cầu phát sinh thực tế của các Hội đồng định giá cần xác định rõ mốc thời gian Hội đồng định giá tài sản tiếp nhận văn bản yêu cầu định giá từ cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, thời hạn từ chối thực hiện định giá nếu không thuộc thẩm quyền định giá nhằm kịp thời thông báo cho cơ quan tố tụng biết để chuyển yêu cầu đến cơ quan, Hội đồng định giá đúng thẩm quyền, phù hợp, tránh kéo dài thời gian xử lý vụ án; hoặc trường hợp yêu cầu bổ sung tài liệu cần thiết cho việc định giá. Do đó, tại dự thảo Thông tư đã quy định, đối với trường hợp không đủ hồ sơ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, cơ quan được yêu cầu định giá phải có văn bản yêu cầu bổ sung hồ sơ để đảm bảo cho việc định giá được tiến hành kịp thời, nhanh chóng. Đối với trường hợp từ chối thành lập Hội đồng định giá, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu định giá, cơ quan nhận được yêu cầu định giá phải có thông báo bằng văn bản để đảm bảo đủ thời gian cho cơ quan tiếp nhận yêu cầu định giá nghiên cứu, xem xét, xin ý kiến các cá nhân, đơn vị, cơ quan chuyên môn liên quan (nếu có).

+ Liên quan đến vấn đề này, bên cạnh các ý kiến nhất trí về quy định số ngày cụ thể (03 ngày đối với việc yêu cầu bổ sung hồ sơ, 05 ngày đối với việc từ chối định giá), một số ý kiến đề nghị tăng thêm số ngày để cơ quan nhận được yêu cầu định giá có công văn gửi cơ quan yêu cầu định giá bổ sung tài liệu hoặc từ chối thành lập Hội đồng. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tiễn hoạt động định giá tài sản của Hội đồng các cấp cho thấy, việc quy định về thời gian tiếp nhận và triển khai yêu cầu định giá là cần thiết và cần nhanh chóng, kịp thời để đảm bảo tiến độ chung của cả vụ án, vì vậy việc quy định tăng thêm số ngày là không hiệu quả, đáp ứng yêu cầu trong định giá tài sản tố tụng hình sự và xử lý vụ án.

- Về thành lập Hội đồng định giá tài sản: quy định tại Điều 6 dự thảo Thông tư. Nội dung này được bổ sung hướng dẫn tại dự thảo Thông tư xuất phát từ những vướng mắc, kiến nghị của địa phương trong việc thành lập Hội đồng định giá thường xuyên và Hội đồng định giá vụ việc. Dự thảo thông tư quy định nguyên tắc chung trong việc thành lập Hội đồng định giá để đảm bảo đúng hạn, không làm ảnh hướng đến tiến độ định giá theo yêu cầu. Bên cạnh đó, đối với trường hợp thành lập Hội đồng định giá cấp bộ hoặc cấp Thủ tướng có sự tham gia của nhiều cơ quan, đơn vị liên quan, dự thảo Thông tư bổ sung quy định, khi hết thời hạn yêu cầu cử người ghi trên văn bản yêu cầu, trong trường hợp các cơ quan, đơn vị liên quan được yêu cầu cử người chưa gửi văn bản cử người, cơ quan chủ trì thành lập Hội đồng được quyền ra Quyết định hoặc trình Thủ tướng ra Quyết định ghi đại diện của cơ quan, đơn vị có liên quan tham gia. Các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm bổ sung tên thành viên cụ thể khi nhận Quyết định. Văn bản cử người của bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan được coi là một phần của Quyết định thành lập Hội đồng.

Ngoài ra, để đơn giản trong thực tế thực hiện và giảm bớt thủ tục hành chính, tại dự thảo Thông tư đã hướng dẫn bổ sung về trường hợp Chủ tịch Hội đồng định giá tài sản được ủy quyền quyết định danh sách các thành viên cụ thể trong Hội đồng đối với từng vụ việc theo yêu cầu định giá tài sản của cơ quan có thẩm quyền tố tụng. Bên cạnh đó, để đảm bảo hoạt động liên tục của Hội đồng, dự thảo Thông tư cũng bổ sung quy định về việc Chủ tịch Hội đồng phải kịp thời trình UBND có quyết định điều chỉnh thành viên Hội đồng khi có thay đổi về nhân sự.

- Về quyền và nghĩa vụ của Hội đồng định giá: quy định tại Điều 7 dự thảo Thông tư. Nội dung này bổ sung quy định về việc Chủ tịch Hội đồng định giá quyết định số lần tổ chức phiên họp để đảm bảo việc thực hiện định giá tài sản. Bên cạnh đó, quy định quyền và nghĩa vụ của Tổ giúp việc Hội đồng định giá.

- Về lập kế hoạch định giá tài sản: quy định tại Điều 9 dự thảo Thông tư. Nội dung này được bổ sung hướng dẫn căn cứ vào thực tiễn hoạt động định giá tài sản của Hội đồng các cấp. Việc lập kế hoạch định giá tài sản là bước tổng thể đầu tiên, cần thực hiện để đảm bảo cho việc định giá tài sản được đầy đủ, đúng trình tự. Trong đó, cần xác định các nội dung liên quan đến yêu cầu định giá, các văn bản chính sách, dữ liệu, thông tin vần thiết, phương pháp áp dụng, thời hạn cho việc định giá cũng như cách thức tổ chức, triển khai việc định giá tài sản...

+ Liên quan đến quy định lập kế hoạch định giá tài sản, có hai nhóm ý kiến khác nhau, ngoài việc đa số ý kiến nhất trí với dự thảo Thông tư, còn có ý kiến đề nghị chỉ cần lập kế hoạch định giá tài sản khi cần thiết. Tuy nhiên, căn cứ vào thực tiễn hoạt động định giá tài sản của Hội đồng các cấp cho thấy, trong hoạt động định giá tài sản thì khâu lập kế hoạch định giá tài sản có vai trò quan trọng trong việc xác định rõ phạm vi, nội dung công việc, tiến độ thực hiện từng nội dung công việc và tiến độ thực hiện của toàn bộ quá trình định giá tài sản; việc tiến hành hoạt động định giá theo kế hoạch đã đề ra sẽ đảm bảo chất lượng và thời gian. Đồng thời, việc xây dựng dự toán chi phí cho hoạt động định giá căn cứ trên các nội dung hoạt động dự kiến trogn bản kế hoạch sẽ đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng và là cơ sở cho việc đề xuất tạm ứng kinh phí của Hội đồng vì qua thực tiễn cho thấy, việc triển khai thực hiện định giá của Hội đồng có phát sinh tương đối nhiều vướng mắc liên quan đến khâu tạm ứng kinh phí từ phía cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, do đó đã ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng công tác định giá tài sản (Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã có kiến nghị việc sửa đổi các nội dung về chi phí định giá, định giá lại tài sản để đảm bảo việc tạm ứng, chi trả kịp thời, tránh ảnh hưởng đến hoạt động của Hội đồng định giá tài sản).

- Về chi phí định giá, định giá lại tài sản: Tại Khoản 8 Điều 1 Nghị định số 97/2019/NĐ-CP quy định một số nội dung chi đặc thù hỗ trợ hoạt động chuyên môn của Hội đồng định giá sử dụng từ nguồn kinh phí quản lý hành chính của cơ quan thành lập Hội đồng định giá, cơ quan trình Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng định giá. Để hướng dẫn cụ thể mức chi và chế độ chi đối với các nội dung này, tại dự thảo Thông tư đưa ra hướng dẫn cụ thể đối với các khoản chi, mức chi, chế độ chi đối với các khoản chi về công tác phí; Mức chi, chế độ chi đối với công tác khảo sát giá, thu thập thông tin liên quan đến tài sản cần định giá; Mức chi báo cáo thuyết minh, giải trình về chuyên môn phục vụ công tác định giá tài sản của Hội đồng định giá; Thủ tục tạm ứng, thanh toán thực hiện theo quy định pháp luật hiện hành và quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan thành lập Hội đồng (nếu có).

+ Để đảm bảo không có sự trùng lặp về việc chi trả các khoản chi cho hoạt động định giá tài sản giữa cơ quan thành lập Hội đồng định giá tài sản và cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, tại dự thảo Thông tư quy định đối với những khoản chi cho hoạt động định giá tài sản đã được chi hỗ trợ từ cơ quan thành lập Hội đồng định giá tài sản thì không được thanh toán từ cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng.

Các mẫu biểu trên đã được xây dựng trên cơ sở rà soát các nội dung quy định hiện hành tại Nghị định số 30/2018/NĐ-CP và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 30/2018/NĐ-CP; đồng thời căn cứ thực tiễn triễn khai công tác định giá tài sản của Hội đồng định giá các cấp hiện nay.

(Ý kiến tham gia đề nghị gửi về Cục Quản lý giá - Bộ Tài chính, 28 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội, đồng thời đề nghị gửi theo đường thư điện tử đến email: buithithutrang1@mof.gov.vn; điện thoại: (04) 22202828 máy lẻ 4225).