Bồi dưỡng về đấu giá tài sản, các quy định liên quan

Bồi dưỡng về đấu giá tài sản, các quy định liên quan 30/10/2019 17:08:00 2963

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Bồi dưỡng về đấu giá tài sản, các quy định liên quan

30/10/2019 17:08:00

Bồi dưỡng về đấu giá tài sản, các quy định liên quan

Triển khai quy định tại Luật đấu giá tài sản số 01/2016/QH14 ngày 17/11/2016, Bộ Tài chính đã ban hành khung thù lao dịch vụ đấu giá đối với trong trường hợp đấu giá tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá (quy định tại khoản 1 Điều 4 Luật đấu giá tài sản), cụ thể Thông tư số 45/2017/TT-BTC ngày 12/5/2017 (có hiệu lực từ 01/7/2017) quy định khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản theo quy định tại Luật đấu giá tài sản.

To tung.jpg

Để nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ đấu giá viên trong quá trình triển khai các quy định tại Luật Đấu giá tài sản, ngày 21/7/2019, Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp) đã phối hợp với Cục Quản lý Giá (Bộ Tài chính) tổ chức Hội nghị bồi dưỡng về đấu giá tài sản tại Vĩnh Phúc. Tham dự hội nghị có đại diện Cục Bổ trợ tư pháp (Bộ Tư pháp), Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) và hơn 40 tổ chức đấu giá (bao gồm các Trung tâm đấu giá tài sản trực thuộc Sở Tư pháp của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các doanh nghiệp đấu giá) trên toàn quốc.

Trong khuôn khổ nội dung Hội nghị, các Tổ chức đấu giá đã tổng kết những mặt tích cực cũng như những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện quy định về thù lao dịch vụ đấu giá tài sản quy định tại Thông tư số 45/2017/TT-BTC nêu trên.

image

Một số ý kiến về khung thù lao dịch vụ đấu giá theo quy định tại luật đấu giá tài sản cụ thể như sau:

1. Về việc thù lao tính theo hợp đồng: Trên thực tế, khi thực hiện hợp đồng bán đấu giá tài sản, nhiều hợp đồng phải tổ chức thành nhiều cuộc đấu giá. Mỗi cuộc đấu giá đều phát sinh các chi phí như tiền niêm yết thông tin, chuẩn bị tài liệu, tiều thuê hội trường, đăng quảng cáo…. Do vậy tiền thù lao dịch vụ đấu giá tính cho một hợp đồng dịch vụ đấu giá thì chưa hợp lý.

Các tổ chức đấu giá đề xuất quy định khung thù lao cho 01 cuộc đấu giá, việc quy định theo cuộc đấu giá cũng phù hợp với Luật Đấu giá tài sản, cụ thể tại Điều 34 của Luật Đấu giá tài sản đã quy định về quy chế cuộc đấu giá.

2. Về việc tính chi phí đấu giá trong khung thù lao dịch vụ:

Chi phí đăng quảng cáo, chi phí niêm yết và chi phí đi lại, tổ chức cuộc đấu giá này rất lớn (Chi phí đăng báo in, báo hình ít nhất 2 số/01 lần thông báo đấu giá; Chi phí đi nêm yết thông báo, bán hồ sơ, thu hồ sơ; Chi phí tổ chức phục vụ cuộc đấu giá…). Nếu quy định các chi phí này đã bao gồm trong khung thù lao dịch vụ và không được thỏa thuận thêm chi phí hợp lý khác thì gây ra tình trạng thu không đủ bù chi, gây khó khăn trong hoạt động của tổ chức đấu giá tài sản.

Các tổ chức đề xuất quy định riêng 2 khoản (i) thù lao dịch vụ đấu giá, (ii) chi phí đấu giá. Trong đó, thù lao dịch vụ đấu giá thực hiện theo khung Bộ Tài chính quy định, chi phí đấu giá do các tổ chức đấu giá tự thỏa thuận với người có tài sản. Việc quy định như vậy cũng phù hợp với Điều 66 của Luật Đấu giá tài sản.

3. Về khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản: các tổ chức đấu giá có ý kiến về khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản hiện nay đang còn thấp, chưa đủ bù đắp chi phí phát sinh trong quá trình tổ chức đấu giá tài sản theo đúng quy định pháp luật. Theo đó, các tổ chức đấu giá đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, điều chỉnh khung thù lao phù hợp với thực tế chi phí hợp lý, hợp lệ của các tổ chức đấu giá. Đồng thời, đề nghị bổ sung thêm một vài khung cho các tài sản có giá trị lớn.

Ngoài ra, các tổ chức đấu giá còn có ý kiến về (i) mức thù lao tối thiểu, cụ thể: Theo quy định hiện hành, mức thù lao tối thiểu là 1.000.000 đồng/01 hợp đồng dịch vụ đấu giá. Theo các tổ chức đấu giá, với mức quy định này là thấp, chưa đảm bảo chi phí thực tế cho 1 Hợp đồng dịch vụ đấu giá. Vì hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản có giá trị thấp (dưới 50 triệu đồng), vẫn phải đảm bảo đầy đủ về trình tự thủ tục từ khi ký hợp đồng đến khi tổ chức cuộc đấu giá. Chi phí phải bỏ ra bao gồm: tiền in ấn, phô tô phát hành hồ sơ mời đấu giá, soạn thảo, ký kết Hợp đồng, soạn thảo, in ấn văn bản đấu giá, chi phí đi niêm yết tài sản, chi phí khánh tiết, hội trường tổ chức cuộc đấu giá, chi phí phục vụ cho buổi tổ chức cuộc đấu giá… Do vậy mức thù lao tối thiểu quy định như hiện nay (Một triệu đồng/01 hợp đồng) không đảm bảo chi phí để tổ chức cho một cuộc đấu giá, chưa phù hợp với thực tế; (ii) thanh toán chi phí và thù lao dịch vụ trong trường hợp đấu giá không thành.

image

Trên cơ sở thảo luận tại Hội nghị, đại diện Cục Bổ trợ Tư pháp, Cục Quản lý giá cũng ghi nhận những khó khăn, vướng mắc của các tổ chức trong quá trình triển khai quy định tại Luật đấu giá tài sản, đồng thời cũng sẽ nghiên cứu các đề xuất, báo cáo các cấp có thẩm quyền để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế triển khai trong trường hợp cần thiết. Riêng với nội dung về khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản, cũng đề nghị các tổ chức đấu giá có báo cáo chi tiết về cân đối thu-chi, mức độ bù đắp chi phí khi thực hiện theo khung thù lao dịch vụ quy định tại Thông tư số 45/2017/TT-BTC. Trong trường hợp cần thiết điều chỉnh mức khung thù lao dịch vụ, đề nghị các tổ chức lập phương án khung thù lao, gửi về Cục Bổ trợ tư pháp báo cáo Bộ Tư pháp cho ý kiến thẩm định, sau đó gửi Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền.

Một số quy định cụ thể tại Thông tư:

Đối tượng áp dụng bao gồm:

1. Người có tài sản đấu giá theo quy định tại khoản 5 Điều 5 của Luật đấu giá tài sản khi thực hiện đấu giá tài sản quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật đấu giá tài sản, trừ các trường hợp đấu giá tài sản do Hội đồng đấu giá tài sản được người có thẩm quyền thành lập thực hiện.

2. Tổ chức đấu giá tài sản theo quy định tại khoản 12 Điều 5 của Luật đấu giá tài sản.

3. Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến trường hợp đấu giá tài sản quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật đấu giá tài sản.

Khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản

1. Khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản cho một Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản trong trường hợp đấu giá thành được quy định như sau:

a) Mức thù lao tối thiểu: 1.000.000 đồng/01 Hợp đồng (Một triệu đồng/một Hợp đồng);

b) Mức thù lao tối đa tương ứng từng khung giá trị tài sản theo giá khởi điểm được quy định tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này nhưng không vượt quá 300.000.000 đồng/01 Hợp đồng (Ba trăm triệu đồng/một Hợp đồng).

2. Thù lao dịch vụ đấu giá tài sản quy định tại khoản 1 Điều này chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng nhưng bao gồm các chi phí hợp lý, hợp lệ mà người có tài sản đấu giá trả cho tổ chức đấu giá để thực hiện đấu giá tài sản theo quy định.

3. Trường hợp đấu giá tài sản không thành thì người có tài sản đấu giá thanh toán cho tổ chức đấu giá tài sản các chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ đã được hai bên thỏa thuận trong Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật đấu giá tài sản nhưng tối đa không vượt mức thù lao dịch vụ đấu giá tài sản trong trường hợp đấu giá thành.

4. Việc xác định thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản cụ thể cho từng Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản do người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận trong Hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản trên cơ sở kết quả lựa chọn tổ chức đấu giá và quy định về thù lao dịch vụ đấu giá tại Luật đấu giá tài sản nhưng không cao hơn mức tối đa và không thấp hơn mức tối thiểu của khung thù lao quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc cuộc đấu giá thành hoặc đấu giá không thành, người có tài sản đấu giá thanh toán cho tổ chức đấu giá thù lao dịch vụ đấu giá tài sản hoặc các chi phí niêm yết, thông báo công khai, chi phí thực tế hợp lý khác quy định tại khoản 2 Điều 66 Luật đấu giá tài sản; trừ trường hợp các bên có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Quản lý và sử dụng thù lao dịch vụ đấu giá tài sản

1. Việc quản lý, sử dụng thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản, chi phí dịch vụ và các khoản thu khác của tổ chức đấu giá được quy định tại Điều 68 của Luật đấu giá tài sản.

2. Các tổ chức đấu giá phải thực hiện niêm yết thù lao dịch vụ đấu giá tài sản, công khai thù lao dịch vụ đấu giá tài sản theo từng địa phương nơi tổ chức đấu giá; chấp hành theo quy định của pháp luật về giá, pháp luật về đấu giá tài sản và văn bản pháp luật hướng dẫn có liên quan.

3. Tổ chức đấu giá tài sản sử dụng hóa đơn cung ứng dịch vụ theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31 tháng 3 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và văn bản thay thế hoặc văn bản đã được sửa đổi, bổ sung (nếu có).

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2017; Thông tư này thay thế Thông tư số 335/2016/TT-BTC ngày 27 tháng 12 năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đấu giá tài sản, phí tham gia đấu giá tài sản; bãi bỏ Điều 13 Thông tư số 48/2012/TT-BTC ngày 16 tháng 3 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc xác định giá khởi điểm và chế độ tài chính trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất.