BÀI HỌC TỪ THAM KHẢO KINH NGHIỆM QUỐC TỄ VỀ CHÍNH SÁCH SÁCH GIÁO KHOA
(Phần 2 của loạt bài viết về chính sách sách giáo khoa)
Các nước ở châu Á có sự khác nhau về hệ thống giáo dục và phân cấp chính quyền trong việc tài trợ, phát triển và phân phối sách giáo khoa (SGK) nhưng đều công nhận và khẳng định tầm quan trọng của SGK trong việc thúc đẩy sự phát triển của giáo dục. Các nhà hoạch định chính sách nên tham khảo, vận dụng các chính sách thành công của các quốc gia đồng chủng, đồng văn trước khi ra quyết định.

Chính phủ hiện đại của thế kỷ 21 không nên kiểm soát mọi khía cạnh của nền kinh tế mà cần kiểm soát về mặt nội dung hay những thông điệp gửi tới các học sinh. Những thông điệp đó cần dựa trên sự trên sự chia sẻ, cùng có trách nhiệm và củng cố lòng tin giữa Nhà nước (các cơ quan quản lý), xã hội (các nhà xuất bản gồm cả khối tư nhân, đơn vị truyền thông, các chuyên gia, giáo viên) và gia đình (các bậc phụ huynh và học sinh) trong quá trình xây dựng, thiết kế và thi hành các chính sách về sách giáo khoa. Thêm vào đó, kết luận của nghiên cứu quốc tế cho thấy những chính sách thành công thường dựa trên sự thi hành nhất quán của một tầm nhìn rõ ràng, mạch lạc.
Bảng tổng hợp dưới đây cung cấp góc nhìn rộng hơn về chính sách SGK của 10 nước trong khu vực Châu Á:
Hồng Kông | Đa số các phụ huynh trả tiền mua SGK và giá cả không được kiểm soát là vấn đề đang tái diễn. Một số nhà xuất bản ở Hồng Kông cho rằng yếu tố cạnh tranh chủ yếu là các điều khoản đi kèm hơn là các mức giá SGK. Nhà xuất bản được yêu cầu: duy trì giá SGK ở mức đã được phê duyệt hoặc tăng lên một mức nào đó đã được thỏa thuận đồng ý trong hợp đồng ban đầu. |
Indonesia | Phần lớn phụ huynh trả tiền mua SGK |
Nhật Bản | Giá sách trả cho nhà xuất bản được quy định bởi Chính phủ. SGK được cấp miễn phí cho các trường nhưng trường phải trả chi phí hướng dẫn cho các giáo viên. |
Malaysia | Từ 2008, Malaysia đã thực hiện chương chính cho vay SGK, trong đó SGK được cấp miễn phí cho tất cả học sinh và phụ huynh chỉ phải trả khi SGK bị mất. |
Myanmar | Đã thành công trong việc cung cấp miễn phí SGK trong chương trình giáo dục cơ bản (bao gồm tới cấp phổ thông). Bộ Giáo dục hiện đang xem xét quy định một khoản phí nhỏ nếu làm mất sách ở các trường tiểu học (dựa trên khoản tiền đã đóng đầu năm học). |
Trung Quốc | Cung cấp miễn phí SGK cho khu vực nông thôn trong năm 2007-2008. Khi giáo dục cơ bản bắt buộc được mở rộng tới lớp 9, Trung Quốc đã cung cấp miễn phí SGK cho tất cả học sinh ở chương trình giáo dục cơ bản năm 2017. Học sinh được cho vay để mua SGK và dự kiến sẽ được tái sử dụng. |
Hàn Quốc | Giá SGK được ủy quyền và quyết định bởi nhà xuất bản nhưng Bộ Giáo dục được can thiệp để giảm giá. Năm 2014, Chính phủ đã nỗ lực giảm giá sách khoảng 35%-45%. Theo đó, Bộ trưởng yêu cầu điều chỉnh giá sách nếu mức giá được xem là không công bằng. Các nhà xuất bản đã phản hồi lại bằng cách đe dọa thu hồi lại SGK. |
Singapore | Các gia đình được yêu cầu mua SGK từ thị trường còn các tổ chức tư nhân và tổ chức phi chính phủ đóng góp cấp miễn phí sách cho gia đình thu nhập thấp. Giá SGK được xác định dựa trên đề xuất của các nhà xuất bản để thẩm định và sự đồng ý của Bộ Giáo dục, việc này nhằm hạn chế khả năng có thể tăng giá trong quá trình phê duyệt. Năm 2006, khi thu nhập quốc dân trên đầu người tăng khoảng 300%, mức giá SGK chỉ tăng khoảng 70%. |
Thái Lan | SGK được cấp miễn phí. Trường học nhận được hỗ trợ để mua sách, các nhà xuất bản được mời thầu, các trường nên mua sách phù hợp với mức giá thấp nhất, và giáo viên lựa chọn sách với sự đồng ý của ban giám hiệu. Năm 2018, Thái Lan tuyên bố chính sách mới về việc cho thuê sách miễn phí, nhưng sách bài tập vẫn được phát hàng năm để học sinh viết vào. |
Việt Nam | Phụ huynh trả cho SGK nhưng chính phủ cung cấp miễn phí sách cho học sinh dân tộc thiểu số, đặc biệt là cho người khuyết tật, vùng núi, biên giới, vùng sâu vùng xa trong chương trình phát triển chính sách xã hội 135. Dưới chương trình này, địa phương mua SGK từ tỉnh (chiếm 20%) và công ty cung cấp thiết bị giáo dục (chiếm 80%) để cấp cho các học sinh. |
(Nguồn: Những chính sách SGK ở Châu Á – Xây dựng, xuất bản, in ấn, phân phối và hàm ý cho tương lai – Ngân hàng Phái triển châu Á – 2018)
Xây dựng, thiết kế và thực thi chính sách nói chung và chính sách về sách giáo khoa nói riêng cần đặt trong bối cảnh (văn hóa, chính trị, xã hội) cụ thể của từng quốc gia. Mô hình kinh tế tập trung cao độ như trước đây của Việt Nam có thể nói là thành công khi phân phối đủ số lượng sách giáo khoa, đúng thời hạn hàng năm và cho tất cả các trường. Việc miễn phí sách hoặc để chi phí thấp nhằm mục tiêu mọi công dân đều được học tập và đạt tới một trình độ học vấn tối thiểu (phổ cập giáo dục) có thể hợp lý trong các giai đoạn trước đây. Nhưng sách giáo khoa thời hiện đại cần đáp ứng nhu cầu của người học, cần phải được nâng cao về chất lượng (cả hình thức và nội dung) và mức giá hợp lý. Việc này đòi hỏi một khoảng thời gian để thay đổi từ từ, một lộ trình phù hợp từ khâu chuẩn bị, thử nghiệm tới áp dụng mở rộng và đặc biệt cần sự phối hợp chặt chẽ của các bên liên quan trong quá trình xây dựng, thiết kế và thực thi chính sách.
HẠNH TRƯƠNG