Dự thảo Nghị định quy định về quản lý, điều tiết giá - tăng cường phân công, phân cấp, đảm bảo thống nhất từ trung ương đến địa phương
Luật Giá số 16/2023/QH15 được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 19 tháng 6 năm 2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024. Tại Luật Giá số 16/2023/QH15 có nhiều nội dung mới liên quan đến hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước và việc phân công tổ chức triển khai thực hiện của các Bộ, ngành, địa phương.
Để quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều Luật giao nêu trên thì việc ban hành Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giá là cần thiết. Hiện Bộ Tài chính đã gửi xin ý kiến rộng rãi đối với hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị định. Đồng thời, ngày 29/11/2023, Bộ Tài chính cũng đã tổ chức Hội nghị xin ý kiến các văn bản quy định chi tiết Luật giá 2023, trong đó có nội dung Nghị định quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Luật Giá.
Theo đó, bố cục của Nghị định gồm 5 chương với 32 Điều, cụ thể như sau:
- Chương I: Những quy định chung (từ Điều 1 đến Điều 2).
- Chương II: Hoạt động quản lý, điều tiết giá của Nhà nước (từ Điều 3 đến Điều 17).
- Chương III: Công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ tổng hợp, Phân tích, dự báo giá thị trường (từ Điều 18 đến Điều 21).
- Chương IV: Cơ sở dữ liệu về giá (từ Điều 22 đến Điều 25).
- Chương V: Điều khoản thi hành (từ Điều 26 đến Điều 28).
Về bình ổn giá, dự thảo Nghị định đã cụ thể hóa các nội dung được giao tại Luật bao gồm các nhóm nội dung chính như:
Tại Điều 3 dự thảo Nghị định đã quy định về trình tự, thủ tục, các thành phần hồ sơ, tài liệu cần thiết để các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện khi cần bổ sung vào hoặc đưa hàng hóa, dịch vụ ra khỏi Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Qua đó, đảm bảo sự minh bạch, tạo thuận lợi cho khâu tổ chức thực hiện, nhất là trong các bối cảnh cần đảm bảo tính kịp thời khi thực hiện bình ổn giá.
Về tổ chức triển khai bình ổn giá, trên cơ sở các nội dung quy định tại Luật, tại Điều 4 dự thảo Nghị định đã quy định cụ thể hơn về: Các nội dung công việc cần các Bộ, ngành, địa phương triển khai, đánh giá khi có hiện tượng biến động bất thường về giá, trong đó tập trung các nội dung đánh giá về biến động thị trường, nhận định sơ bộ về nguyên nhân tăng, giảm giá cũng như đánh giá các tác động đến thị trường. Đây là những nội dung quan trọng để Bộ Tài chính có cơ sở tổng hợp, trình Chính phủ quyết định chủ trương bình ổn giá và phân công việc tổ chức thực hiện cho các Bộ, ngành, địa phương.
Về định giá, tại Điều 7 dự thảo Nghị định quy định về trình tự, thủ tục để các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đề nghị điều chỉnh Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
Đồng thời, tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 đã quy định rõ các nguyên tắc trong việc triển khai các bước để định giá hàng hóa, dịch vụ, bao gồm: Lập phương án giá (tại Điều 8), thẩm định phương án giá (tại điều 9) và ban hành văn bản định giá (tại Điều 10). Tại các Điều đã quy định chi tiết về các thành phần hồ sơ, tài liệu, thời gian quy định để thực hiện từng bước đảm bảo minh bạch, thuận lợi cho khâu tổ chức thực hiện.
Trong đó, đã quán triệt chủ trương tăng cường phân công, phân cấp theo quản lý ngành, lĩnh vực trong việc định giá hàng hóa, dịch vụ, đảm bảo thống nhất từ trung ương đến địa phương:
- Việc lập phương án giá sẽ do tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện trên cơ sở yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Việc thẩm định phương án giá sẽ do cơ quan, đơn vị chuyên môn về ngành, lĩnh vực của hàng hóa, dịch vụ hoặc theo phân cấp ngân sách nhà nước thực hiện để đảm bảo đúng về chức năng, nhiệm vụ cũng như thể hiện rõ nguyên tắc phân công, phân cấp theo ngành, lĩnh vực; trên cơ sở đó tăng cường trách nhiệm của các cơ quan trực tiếp quản lý hàng hóa, dịch vụ hoặc được phân cấp quản lý ngân sách trong mua hàng dự trữ hoặc đặt hàng.
- Việc trình và ban hành văn bản định giá được quy định chi tiết, cụ thể, đảm bảo toàn diện các trường hợp hàng hóa, dịch vụ do 01 cơ quan có thẩm quyền định giá và hàng hóa, dịch vụ do nhiều cơ quan có thẩm quyền định giá (một cơ quan định khung giá hoặc giá tối đa hoặc giá tối thiểu để 01 hoặc nhiều cơ quan định giá cụ thể).
Trình tự, thủ tục định giá đã được đảm bảo quy định đầy đủ, theo đúng quy định của Luật và khắc phục được những hạn chế hiện nay trong việc không thống nhất về quy trình định giá hàng hóa, dịch vụ.
Về hiệp thương giá, tại điều 12 quy định về trình tự, thủ tục tổ chức hiệp thương giá để cụ thể hóa khoản 6 Điều 27 của Luật Giá. Theo đó, quy định 3 giai đoạn trước khi hiệp thương giá, tại hội nghị hiệp thương giá và trường hợp bên mua và bên bán không thỏa thuận được mức giá và tiếp tục đề nghị cơ quan hiệp thương giá xác định mức giá để hai bên thực hiện theo quy định tại khoản 5 Điều 27 Luật Giá.
Về kê khai giá, tại Điều 13 quy định về hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá, trong đó ngoài các hàng hóa, dịch vụ quy định tại Luật Giá (hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá, Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp quyết định theo giá tham chiếu), tại Nghị định đã quy định danh mục các hàng hóa dịch vụ thiết yếu khác theo thẩm quyền Chính phủ được Luật giao gồm một danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện kê khai giá áp dụng chung trên phạm vi cả nước (do các bộ, cơ quan ngang bộ quản lý ngành, lĩnh vực quy định đặc điểm kinh tế kỹ thuật) và một danh mục hàng hóa, đặc thù kê khai giá tùy địa phương áp dụng nếu phát sinh thực tiễn cần quản lý (do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định đặc điểm kinh tế-kỹ thuật của hàng hóa thực hiện kê khai giá).
Bên cạnh đó, tại điều 14 phân công thẩm quyền tiếp nhận kê khai giá đối với các bộ, ngành, địa phương và định kỳ ban hành và cập nhật Thông báo danh sách tổ chức kê khai giá hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền tiếp nhận của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Điều 15 quy định về cách thức thực hiện và tiếp nhận kê khai giá. Điều 16 quy định về quyền và trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận và tổ chức, cá nhân kê khai giá trên cơ sở kế thừa quy định hiện hành đồng thời có sửa đổi cho phù hợp với quy định mới tại Luật Giá.
Công tác phối hợp trong tổng hợp, Phân tích, Dự báo giá thị trường cũng được quy định chi tiết tại Chương III nhằm hướng dến các mục tiêu (i) Tạo lập thúc đẩy cơ chế chia sẻ thông tin thường xuyên, liên tục, kịp thời, hiệu quả trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các bộ, ngành và sự tham gia phối hợp của các địa phương. (ii) Tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các biện pháp, giải pháp quản lý, điều tiết giá trong từng thời kỳ. (iii) Kịp thời, ứng phó với các tình huống biến động của giá cả thị trường góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ kinh tế vĩ mô, phục vụ công tác quản lý nhà nước.
Cơ sở dữ liệu về giá: Tại Nghị định đã kế thừa một số quy định hiện hành phù hợp cũng như quy định chi tiết hơn về việc quản lý, cập nhật, khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về giá để củng cố vững chắc hơn cơ sở pháp lý cho việc triển khai.
ĐỊNH NGUYỄN