Tín hiệu tích cực từ lạm phát tại Châu Âu
Tỷ lệ lạm phát ở Khu vực đồng Euro được xác nhận ở mức 2,9% so với cùng kỳ vào tháng 10 năm 2023, đánh dấu con số thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2021 nhưng vẫn vượt mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), chủ yếu do giá năng lượng giảm và kinh tế chậm lại.
Nếu loại trừ giá năng lượng và lương thực, lạm phát lõi ở khu vực này trong tháng 10 thậm chí còn giảm từ mức 4,5% trong tháng trước đó xuống 4,2%, chạm mức thấp nhất kể từ tháng 7 năm 2022.
Yếu tố góp phần khiến lạm phát giảm là giá năng lượng giảm. Số liệu thống kê cho thấy giá năng lượng giảm mạnh 11,2% (so với -4,6% trong tháng 9), trong khi tỷ lệ lạm phát thực phẩm, rượu và thuốc lá trong tháng 10 ở mức vừa phải (7,4% so với 8,8%) và hàng công nghiệp phi năng lượng (3,5% so với 4,1%). Lạm phát dịch vụ vẫn tương đối ổn định ở mức 4,6%, so với mức 4,7% của tháng trước.
Giá tiêu dùng vẫn tăng so với tháng trước đó, nhưng chậm lại rất nhiều, chỉ tăng 0,1 điểm %, sau mức tăng 0,3% trong tháng 9.
Tuy nhiên, về tăng trường, nền kinh tế Eurozone đang phải đối mặt nhiều khó khăn, trong đó có cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt và mối lo ngại nhu cầu toàn cầu giảm. Khu vực đã vượt qua những tác động nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19 và xung đột tại Ukraine, song giới chuyên gia lo ngại kinh tế Eurozone tiếp tục chịu tác động xấu từ xung đột Hamas-Israel hiện nay.
Theo Eurostat, kinh tế nhóm 20 nước thuộc Eurozone đã giảm 0,1% trong quý III, sau khi giảm 0,2% trong quý trước đó. Tuy nhiên, toàn cảnh khu vực vẫn có những tín hiệu phục hồi dù chậm, khi tăng trưởng kinh tế của Liên minh châu Âu (EU) gồm 27 thành viên, có cả những nước không sử dụng đồng euro, đạt 0,1%.
Trong đó, GDP của Đức giảm nhẹ trong quý III, trong bối cảnh nền kinh tế đầu tàu châu Âu tiếp tục chịu sức ép từ sức mua yếu và lãi suất tăng. Theo Văn phòng Thống kê Liên bang Đức (Destatis), GDP của Đức giảm 0,1%, thấp hơn so với mức khảo sát của Reuters dự báo giảm 0,3%. Kinh tế Đức được kỳ vọng sẽ lấy lại động lực tăng trưởng từ cuối năm nay và sẽ tăng tốc trong năm tới. Dự báo, nền kinh tế đầu tàu châu Âu tăng trưởng trở lại trong các năm 2024 và 2025, với các mức tăng tương ứng là 1,3% và 1,5%.
Trong khi đó, Cơ quan thống kê quốc gia Pháp (INSEE) ước tính, kinh tế Pháp trong quý III năm 2023 tăng trưởng 0,1% so với quý II, trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng tăng mạnh. Tuy nhiên, mức tăng trưởng này lại giảm mạnh từ mức 0,6% của quý trước đó.
Đối với cả năm 2023, INSEE dự báo, nền kinh tế Pháp sẽ tăng 0,9%, tương đương đánh giá của Ngân hàng Trung ương Pháp. Vốn chiếm phần lớn nhu cầu của nền kinh tế, chi tiêu của người tiêu dùng Pháp tăng 0,7%, đặc biệt về lương thực, trong bối cảnh lạm phát vẫn cao. Đầu tư kinh doanh vẫn là động lực tăng trưởng và tăng 1,5%. Tuy nhiên sau quý II tăng trưởng mạnh, xuất khẩu của Đất nước Hình lục lăng lại giảm 1,4% trong quý III. Sản xuất và dịch vụ đều giảm 0,3%. Mặc dù đạt mức tăng trưởng thấp, song trong một môi trường suy thoái, nền kinh tế Pháp được cho là vẫn ổn định.
Dữ liệu của Eurostat cũng cho thấy lạm phát của Eurozone giảm từ mức 4,3% của tháng 9 xuống 2,9% trong tháng 10 vừa qua, thấp hơn so với mức dự báo là hơn 3%. Tỷ lệ lạm phát tháng 10 xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2021 và giảm so với mức đỉnh điểm 10,6% của tháng 10/2022 sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra đẩy giá năng lượng tăng cao.
Trong bối cảnh chống lạm phát là ưu tiên số một, bất chấp lo ngại rằng việc tăng lãi suất có thể khiến Eurozone suy thoái nặng nề, ngày 14/9 vừa qua, ECB đã tăng lãi suất lần thứ 10 liên tiếp kể từ tháng 7/2022, lên mức cao kỷ lục 4% để ứng phó với tình trạng giá tiêu dùng tăng vọt. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của ECB cũng phát đi tín hiệu cho thấy đây có thể là đợt tăng lãi suất cuối cùng của ngân hàng này.