Diễn biến chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 năm 2023, dự báo tháng 12 năm 2023
(Phần 1)
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11/2023 tăng nhẹ 0,25% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng Mười Một tăng 3,46% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,45%. Bình quân 11 tháng năm 2023, CPI tăng 3,22% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,27%.
So với tháng trước, CPI tháng 11/2023 tăng 0,25% (Khu vực thành thị tăng 0,19%; khu vực nông thôn tăng 0,3%). Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 8 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước, 2 nhóm hàng giảm giá, riêng nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình không biến động.
Chỉ số giá vàng tăng 2,77% và chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,05% so với tháng 10/2023.
CPI tháng 11/2023 theo cơ cấu nhóm hàng
Các nguyên nhân làm tăng áp lực lên CPI tháng 11/2023:
(1) Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,9% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do một số địa phương triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp;
(2) Chỉ số giá nhóm Giáo dục tăng 0,38% do một số địa phương thực hiện tăng học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và một số trường đại học, cao đẳng tăng học phí năm học 2023-2024 để bảo đảm thu chi thường xuyên;
(3) Chỉ số Nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,32% chủ yếu do các mặt hàng chăm sóc cơ thể và đồ trang sức tăng vào dịp cuối năm;
(4) Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón giầy dép tăng 0,2% do chi phí nhân công và nhu cầu mua sắm quần áo mùa đông tăng;
Một số nguyên nhân góp phần làm giảm áp lực lên CPI trong tháng 11/2023 là:
(1) Chỉ số giá nhóm Giao thông giảm 0,01% chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giảm giá xăng dầu vào ngày 01/11, ngày 13/11 và 23/11/2023;
(2) Chỉ số giá nhóm Bưu chính viễn thông giảm 0,11% do giá điện thoại thế hệ cũ giảm;
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 11/2023 tăng 0,10% so với tháng trước, với quyền số chiếm tỷ trọng chủ yếu (33,56%) trong rổ hàng hóa tham gia tính chỉ số giá đã góp phần làm CPI chung tăng 0,033%.
Nhóm Lương thực tăng 2,31% so với tháng trước, với quyền số chiếm tỷ trọng chủ yếu (3,67%) trong rổ hàng hóa tham gia tính chỉ số giá đã góp phần làm CPI chung trong tháng tăng 0,085%: Trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 3,16% (Gạo tẻ thường tăng 3,45%; gạo tẻ ngon tăng 2,45% và gạo nếp tăng 1,32%). Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu do nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh tại nhiều quốc gia trong khi nguồn cung gạo toàn cầu giảm do ảnh hưởng ngày càng sâu rộng của biến đổi khí hậu.
Nhóm Thực phẩm giảm 0,32% so với tháng trước với quyền số chiếm tỷ trọng chủ yếu (21,28%) trong rổ hàng hóa tham gia tính chỉ số giá, đã góp phần làm CPI chung giảm 0,068%: Tập trung chủ yếu ở một số mặt hàng sau:
- Giá thịt lợn giảm 1,57%, tác động làm CPI chung giảm 0,05 điểm phần trăm. Giá thịt lợn giảm do dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương khiến người chăn nuôi bán tháo chạy dịch trong khi nhu cầu của tiêu dùng của người dân không cao. Tính đến ngày 25/11/2023, giá thịt lợn hơi cả nước dao động trong khoảng 48.000-52.000 đồng/kg. Theo đó, giá mỡ động vật giảm 1,99% so với tháng trước; thịt quay, giò, chả giảm 0,38%; thịt chế biến khác giảm 0,16%.
- Giá rau tươi, khô và chế biến giảm 0,89%, trong đó giá bắp cải giảm 5,71%; su hào giảm 1,87%; khoai tây giảm 2,8%; đỗ quả tươi giảm 2,27%; rau dạng củ, quả giảm 1,81%; rau tươi khác giảm 0,88% do thời tiết thuận lợi khiến rau sinh trưởng nhanh, các loại rau củ vụ đông như bắp cải, su hào đã vào vụ thu hoạch, sản lượng cao.
Ở chiều ngược lại, có một số mặt hàng tăng giá:
- Mưa bão xảy ra tại các tỉnh miền Trung nên hoạt động khai thác thủy hải sản gặp khó khăn, nguồn cung giảm làm cho giá thủy sản chế biến tăng 0,23% so với tháng trước.
- Giá đường, mật tăng 0,66% so với tháng trước; quả tươi, chế biến tăng 0,63%; các loại đậu và hạt tăng 0,38%; nước mắm, nước chấm tăng 0,32%; đồ gia vị tăng 0,27%; bánh mứt, kẹo tăng 0,18%; chè, cà phê, ca cao tăng 0,17% và sữa, bơ, pho mát tăng 0,12%.
Nhóm Ăn uống ngoài gia đình tăng 0,20% với quyền số chiếm tỷ trọng chủ yếu (8,61%) trong rổ hàng hóa tham gia tính chỉ số giá đã góp phần làm CPI chung tăng 0,017%: do giá nguyên liệu chế biến ở mức cao. Trong đó, chỉ số giá ăn ngoài gia đình tăng 0,21% so với tháng trước; uống ngoài gia đình tăng 0,27% và đồ ăn nhanh mang đi tăng 0,08%.
Nhóm Đồ uống và thuốc lá tăng 0,19% (với quyền số chiếm tỷ trọng 2,73%) đã đóng góp làm chỉ số giá chung trong tháng tăng 0,005%: do tỷ giá đô la Mỹ tăng. Cụ thể, giá rượu bia tăng 0,16%; nước quả ép tăng 0,17%; nước giải khát có ga tăng 0,31% và thuốc hút tăng 0,19%.
Nhóm May mặc, mũ nón, giầy dép tăng 0,20% (với quyền số chiếm tỷ trọng 5,70%) đã đóng góp làm chỉ số giá chung trong tháng tăng 0,012%: do chi phí nhân công và nhu cầu mua sắm quần áo mùa đông tăng. Trong đó, giá vải các loại và mũ nón cùng tăng 0,15%; giày dép tăng 0,06%; quần áo may sẵn tăng 0,27%; dịch vụ may mặc tăng 0,21%; dịch vụ giày, dép tăng 0,25%.
Nhóm Nhà ở và Vật liệu xây dựng tăng 0,05% (với quyền số tính chỉ số giá là 18,82%) đã góp phần làm chỉ số giá chung tăng so với tháng trước 0,010%. Chủ yếu do giá gas tăng 0,89% so với tháng trước, nguyên nhân là từ ngày 01/11/2023, giá gas trong nước điều chỉnh tăng 4.000 - 5.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới tăng 5 USD/tấn (từ mức 610 USD/tấn lên mức 615 USD/tấn).
Nhóm Giao thông giảm 0,01% so với tháng trước, với quyền số tính chỉ số giá là 9,67% đã đóng góp chỉ số giá chung giảm 0,001%. Chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước vào ngày 01/11/2023, 13/11/2023 và 23/11/2023 làm cho giá xăng giảm 1,4% so với tháng trước; giá dầu diezen giảm 7,14%.
Xét theo vùng, khu vực và địa phương: So với tháng trước, CPI tháng 11/2023 tăng ở cả 06 vùng trên cả nước như, cụ thể như sau: Vùng Đồng bằng sông Hồng tăng 0,32%, vùng Trung du và miền núi phía Bắc tăng 0,29%, vùng Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung tăng 0,16%, vùng Tây Nguyên tăng 0,27%, vùng Đông Nam Bộ tăng 0,16% và vùng Đồng bằng sông Cửu Long tăng 0,31%.
Xét theo khu vực thành thị, nông thôn: So với tháng trước, CPI tháng 11/2023 khu vực thành thị tăng 0,19% và khu vực nông thôn tăng 0,30%.
Xét theo địa phương: Chỉ số giá tiêu dùng tăng/giảm tại một số địa phương như sau: Hà Nội tăng 0,07%, TP Hồ Chí Minh tăng 0,13%, Thái Nguyên tăng 0,46%, Hải Phòng tăng 0,54%, Thừa Thiên Huế tăng 0,71%, Khánh Hòa tăng 0,31%, Đà Nẵng giảm 0,05%, Gia Lai tăng 0,36%, Vĩnh Long giảm 0,14%, Cần Thơ tăng 0,01%.
Lạm phát cơ bản tháng 11/2023 tăng 0,16% so với tháng trước, tăng 3,15% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 11 tháng năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,27% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,22%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước 11 tháng năm 2023 giảm 12,12% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 7,5% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.
(Còn tiếp)