DIỄN BIẾN THỊ TRƯỜNG GIÁ CẢ Ở VIỆT NAM NĂM 2023
VÀ CÁC VẤN ĐỀ ĐẶT RA CHO NĂM 2024
Lạm phát năm 2023 đã được kiểm soát, tiếp tục đạt mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đặt ra, đây là một dấu ấn trong chuỗi thành công của công tác quản lý, điều hành giá của Chính phủ nhiều năm trở lại đây, nhất là trong bối cảnh thế giới hầu hết các nước đang phải đối mặt với mối đe dọa, thách thức của lạm phát tăng cao.
Năm 2023 bức tranh kinh tế thế giới chưa có nhiều tín hiệu tích cực sau những năm cao điểm của dịch bệnh Covid-19, xung đột chính trị liên tục diễn ra, tiêu dùng và hoạt động kinh tế của nhiều quốc gia suy giảm, lạm phát toàn cầu giảm dần về cuối năm nhưng vẫn ở mức cao nên các ngân hàng trung ương duy trì chính sách lãi suất ở mức cao để chống lạm phát và xu hướng bảo hộ sản xuất trong nước, thu mua lương thực, hàng hóa để tăng dự trữ quốc gia, hạn chế xuất khẩu một số vật tư, nguyên liệu là những yếu tố thường xuyên tác động làm cung cầu, giá cả hàng hóa của thế giới cũng như của Việt Nam biến động khó lường.
Thị trường trong nước năm 2023 diễn biến đan xen các yếu tố thuận lợi và khó lường nhưng nhìn chung giá cả khá ổn định, không có các cú sốc về giá gây tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như sinh hoạt của người dân. Hoạt động sản xuất nông nghiệp thuận lợi nên nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào; các hàng hóa, dịch vụ trong nước cung đáp ứng cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, giá một số mặt hàng có biến động khó lường như: xăng dầu và khí hóa lỏng LPG diễn biến tăng giảm thường xuyên, có biên độ dao động lớn theo biến động giá thế giới; giá nguyên vật liệu xây dựng tăng nhiều vào nửa đầu năm nhưng cũng bắt đầu giảm và đi vào ổn định nửa cuối năm; giá thóc, gạo tăng dần theo giá xuất khẩu do các nước vừa tăng mua dự trữ quốc gia vừa hạn chế xuất khẩu gạo vì lo ngại an ninh lương thực.
Những thuận lợi về cung cầu thị trường, giá cả hàng hóa, dịch vụ hiện nay được xem như là yếu tố quan trọng góp phần kiểm soát lạm phát và nhờ đó để tận dụng dư địa lạm phát đang thấp so với mục tiêu, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành linh hoạt việc điều chỉnh tăng giá với mức độ, thời điểm hợp lý đối với một số mặt hàng Nhà nước định giá đang bị hoãn, chậm tăng giá theo lộ trình vào các năm trước khi dịch bệnh Covid-19 diễn ra để hỗ trợ, ổn định cuộc sống người dân như giá vé máy bay nội địa, giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh, học phí và giá điện. Riêng mặt hàng xăng dầu và khí gas là nhóm hàng quan trọng giúp kéo chỉ số CPI xuống thấp bởi bình quân chung cả năm 2023 giá các mặt hàng này giảm nhiều dù diễn biến giá tăng giảm có lúc biên độ giao động rất lớn. Ngoài ra cũng có một số yếu tố theo quy luật hàng năm như giá một số mặt hàng thực phẩm tăng cục bộ vào thời điểm trước, trong và sau các dịp lễ, Tết (chủ yếu vào cuối năm và đầu năm), nhu cầu tiêu dùng điện, nước của người dân tăng tại một số thời điểm nắng nóng.

CPI bình quân trong 5 năm trở lại đây
|
Năm
|
2019
|
2020
|
2021
|
2022
|
2023
|
CPI bình quân năm
|
2,79%
|
3,23%
|
1,84%
|
3,15%
|
3,25%
|
Diễn biến chỉ số CPI so với tháng trước theo số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy xu hướng lạm phát giảm dần từ đầu năm đến cuối năm bởi ngay từ cuối năm 2022 chỉ số giá tiêu dùng đã tăng rất cao khiến nền CPI từ đầu năm 2023 cũng ở mức cao. Để nhìn nhận rõ các yếu tố tác động đến CPI năm 2023, có thể chia ra những yếu tố làm tăng áp lực và giảm áp lực lên CPI như sau:

(i) Các yếu tố chính làm tăng CPI bao gồm giá các nhóm dịch vụ giáo dục, nhà ở và vật liệu xây dựng, giải trí và du lịch, các mặt hàng thực phẩm, gạo và điện, dịch vụ y tế. Trong số các mặt hàng này có nhóm mặt hàng tăng theo quy luật tăng giá vào dịp lễ tết đầu năm, dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 như thực phẩm, giải trí và du lịch; có nhóm mặt hàng tăng theo diễn biến giá thế giới như vật liệu xây dựng, gạo và nhóm mặt hàng do Nhà nước quản lý là mặt hàng điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục đã được điều chỉnh theo lộ trình.
(ii) Các yếu tố chính làm giảm CPI bao gồm giá nhiên liệu là xăng dầu và gas. Đây là các mặt hàng có biến động phức tạp theo giá thế giới và từ đầu năm đến nay đối với mặt hàng xăng dầu đã cho thấy xu hướng giảm sự tác động của Nhà nước trong việc bình ổn giá mặt hàng này, tính đến ngày 29/12/2023 liên Bộ Công Thương – Tài chính đã có 37 lần điều hành giá xăng dầu, trong đó các mặt hàng xăng mới có 5/37 lần và các mặt hàng dầu chỉ có 3-4/37 lần chi sử dụng Quỹ bình ổn giá.
Bên cạnh yếu tố làm tăng/giảm CPI nêu trên, phải nói đến công tác quản lý, điều hành giá của Chính phủ là một nhân tố quan trọng giúp kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Công tác quản lý, điều hành giá của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá luôn được thực hiện chủ động, linh hoạt, quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp về quản lý, điều hành để bình ổn giá, hạn chế những biến động của mặt bằng giá gây tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế xã hội, hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân.
Công tác quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng có ảnh hưởng lớn tới mặt bằng giá chung được thực hiện thận trọng ngay từ đầu năm cùng với việc chủ động trong công tác dự báo, đánh giá tác động, xây dựng kịch bản điều hành giá và tăng cường sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương là yếu tố then chốt giúp cho việc kiểm soát lạm phát năm 2023 ở mức thấp, tạo cơ sở cho việc triển khai đồng bộ các chính sách về tài khóa, tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.

Để chủ động ứng phó chúng ta đã có những kinh nghiệm trong những năm qua cần tiếp tục phát huy, đó là thực hiện tốt cơ chế phối hợp, làm cơ sở công tác tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá những chủ trương, định hướng lớn về quản lý, điều hành giá trong từng thời kỳ, dự báo và xây dựng kịch bản điều hành giá trong ngắn, trung và dài hạn được xác định là các nội dung ưu tiên trọng tâm để xử lý kịp thời các chính sách về giá, các biện pháp bình ổn giá. Công tác phối hợp chặt chẽ giữa Bộ Tài chính và các Bộ, ngành thông qua cơ chế hoạt động của Ban Chỉ đạo điều hành giá trong thời gian qua là yếu tố rất quan trọng trong thành công của công tác quản lý, điều hành giá nói riêng và tổng thể công tác điều hành kinh tế vĩ mô nói chung. Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các Bộ, ngành theo dõi sát nhằm nhận định các tác động từ tình hình dịch bệnh và diễn biến kinh tế, chính trị thế giới tác động đến thị trường trong nước; qua đó phân tích, đánh giá các yếu tố có thể tác động lên mặt bằng giá để xây dựng và cập nhật các kịch bản điều hành giá chi tiết theo từng quý và cả năm. Việc xây dựng kịch bản điều hành giá sát với thực tiễn là một trong các cơ sở quan trọng cho việc định hướng, triển khai chính sách tài khóa phù hợp, phối hợp cùng với các chính sách tiền tệ, thương mại và các chính sách kinh tế vĩ mô khác một cách hiệu quả hướng đến mục tiêu hồi phục tăng trưởng trong giai đoạn bình thường mới, thích ứng an toàn, linh hoạt. Trong công tác quản lý, điều hành giá một số mặt hàng quan trọng thiết yếu đã chủ động tổ chức triển khai các giải pháp nhằm góp phần khắc phục khó khăn của doanh nghiệp, người dân theo đúng kịch bản điều hành giá đặt ra từ đầu năm:
Đối với mặt hàng xăng dầu, được điều hành nhất quán, đúng quy định pháp luật và phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới; sử dụng công cụ Quỹ Bình ổn giá một cách hiệu quả, linh hoạt nhằm hạn chế mức biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động của giá thế giới giúp các hoạt động kinh tế, đời sống của người dân không bị tác động tiêu cực bởi các cú sốc về giá cả hay lạm phát tăng cao. Đồng thời, các giải pháp về giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu đã rất kịp thời, góp phần giảm giá bán xăng dầu trong thời gian qua. Ngày 17/11/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2021/NĐ-CP ngày 01 tháng 11 năm 2021 và Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, công tác điều hành xăng dầu đã có sự thay đổi, thời gian điều hành giữa hai đợt được rút ngắn còn 7 ngày, Theo công bố của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá nhóm xăng dầu trong nước năm 2023 giảm 11,02% so với năm 2022 theo biến động giá thế giới, làm CPI chung giảm 0,4 điểm phần trăm, chỉ số giá nhóm dầu hỏa giảm 10,02%.
Việc giảm giá xăng dầu theo diễn biến giá thế giới còn có sự hỗ trợ từ chính sách tài khóa, đó là ngày 30 tháng 12 năm 2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 30/2022/UBTVQH15 về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, cụ thể: giảm 50% mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn và giảm 40% mức thuế bảo vệ môi trường đối với dầu hỏa, thời gian thực hiện từ ngày 01/01/2023 đến hết ngày 31/12/2023.
Đối với mặt hàng điện, trong năm 2023, đã có 02 lần điều chỉnh theo quyết định của Tập đoàn điện lực Việt Nam trên cơ sở có sự quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, mức tăng lần lượt là 3% và 4,5% và việc đánh giá tác động của điều chỉnh giá điện được thực hiện kỹ lưỡng trong các kịch bản điều hành giá của Ban chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ để vừa đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, vừa đảm bảo hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội. Tổng chung cả năm do tác động của việc điều chỉnh giá của EVN và nhu cầu sử dụng điện tăng trong dịp Tết, mùa hè năng nóng nên chỉ số giá nhóm điện sinh hoạt tăng 4,86% và tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm (theo số liệu của Tổng cục Thống kê công bố).
Với vai trò là cơ quan phối hợp điều hành giá điện, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương trong việc điều hành giá điện theo quy định tại Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg ngày 30/6/2017 của Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân (các văn bản sửa đổi, bổ sung nếu có); đảm bảo điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân kịp thời, phù hợp với biến động của các thông số đầu vào; bên cạnh đó có sự điều tiết của nhà nước đảm bảo cân đối lợi ích của người tiêu dùng, nhà nước và doanh nghiệp.
Đối với dịch vụ giáo dục, đào tạo, giá dịch vụ giáo dục đào tạo (học phí) thực hiện theo quy định của Chính phủ tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021. Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh, để đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ đời sống người dân, trong 3 năm học gần đây khung học phí đã được giữ ổn định; nhưng trong năm 2023 một số địa phương đã tăng học phí trở lại theo khung sau khi đã miễn, giảm học phí trong năm học 2021-2022. Hiện Bộ Giáo dục và Đào tạo đang trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 81/2021/NĐ-CP theo hướng: (1) tiếp tục giữ ổn định học phí của cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông; (2) học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập và giáo dục nghề nghiệp, lùi lộ trình học phí 01 năm so với lộ trình học phí quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP. Việc tính toán mức học phí được chú trọng hài hòa các vấn đề về an sinh xã hội, hỗ trợ đời sống người dân trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid và vấn đề thúc đẩy phát triển ngành giáo dục trên cơ sở đảm bảo cân đối chi phí của các cơ sở giáo dục từ đó tác động tới chất lượng dịch vụ giáo dục.
Đối với mặt hàng nguyên vật liệu xây dựng, Các mặt hàng nguyên vật liệu thị trường trong nước có sự trái chiều về diễn biến giá như các mặt hàng thép, xi măng, đá xây dựng giá ổn định hoặc giảm trong khi giá cát xây dựng đang tăng cao do khan hiếm nguồn cung (giá cát các tỉnh phía Nam có xu hướng tăng mạnh hơn do yếu tố nguồn khai thác và nhu cầu sử dụng tại các tỉnh phía Nam lớn hơn so với khu vực miền Bắc và miền Trung). Nhu cầu xi măng trên thị trường thấp, nguyên nhân chủ yếu do công trình xây dựng dân dụng mới khởi công ít, các công trình, dự án lớn cũng chậm triển khai thậm chí phải giãn, hoãn tiến độ khi gặp khó khăn về nguồn vốn… Nhìn chung về sự biến động chung của tất cả các mặt hàng xi măng trên thị trường có 2 đợt điều chỉnh giá do sự thay đổi chính sách thuế VAT.
Đối với các mặt hàng lương thực, thực phẩm, giá thóc, gạo trong nước và thế giới có xu hướng tăng cao do xung đột vũ trang, dịch bệnh và thiên tai bất thường đe dọa an ninh lương thực toàn cầu. Sau khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen (17/7/2023), nhiều nước trên thế giới quyết định cấm hoặc hạn chế xuất khẩu lúa, gạo; xu hướng hạn chế xuất khẩu lúa gạo trong thời gian qua đã tác động, ảnh hưởng lớn đến công tác đảm bảo an ninh lương thực trên thế giới. Do ảnh hưởng bởi giá lương thực thế giới, giá thóc gạo tại Miền Bắc và miền Nam có xu hướng tăng theo giá gạo xuất khẩu so với cùng kỳ năm 2022. Giá các loại thực phẩm tươi sống tương đối ổn định mặc dù cũng có những thời điểm biến động tăng như vào dịp lễ, Tết nhưng nhìn chung vẫn được kiểm soát do nguồn cung đảm bảo, thời tiết thuận lợi. Riêng giá thịt lợn hơi giảm nhiều do sức mua vẫn chưa cao, nguyên nhân vì nhiều bếp ăn công nghiệp giảm do doanh nghiệp ngưng sản xuất, giảm ngày làm việc, người dân giảm chi tiêu do khó khăn; cùng với đó dịch tả lợn Châu Phi cũng ảnh hưởng một phần đến việc xuất bán vội vã của các hộ chăn nuôi với mức giá thấp. Bên cạnh đó, giá lợn hơi tại các nước láng giềng như Trung Quốc, Thái Lan ở mức thấp gây nguy cơ xuất hiện tình trạng tăng lượng nhập khẩu thịt lợn khiến nguồn cung trong nước tăng.
Bước sang năm 2024, bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát và linh hoạt trong điều hành giá là nhiệm vụ, thách thức cho các cơ quan quản lý nhà nước để đạt được ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế trong bối cảnh kinh tế thế giới tiếp tục suy giảm, biến động địa chính trị gia tăng, xu hướng bảo hộ kinh tế nội địa lan rộng.
Dự báo bức tranh kinh tế thế giới nửa đầu năm 2024 còn ít khởi sắc do diễn biến xung đột chính trị - quân sự giữa Nga và Ukraine, giữa Israel và Hamas vẫn gia tăng gây tác động lan tỏa đến nhiều nền kinh tế, các ngân hàng trung ương cũng đang tiếp tục chống lạm phát kiên trì chính sách lãi suất cao, siết chặt tiêu chuẩn cho vay, Trung Quốc tuy đã mở cửa để phục hồi kinh tế sau đại dịch nhưng vẫn rất thận trọng trong các chính sách kích thích tăng trưởng kinh tế, do đó chưa thấy rõ tác động tích cực từ nền kinh tế lớn này đến kinh tế thế giới; trong khi sức mua yếu, sức sản xuất dần sụt giảm thể hiện rõ ở nhiều nước khiến cho các tổ chức kinh tế quốc tế dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế nhiều quốc gia, khu vực kinh tế còn rất khiêm tốn ở mức thấp, nhất là ở các đầu tầu kinh tế như Mỹ, khu vực đồng Euro. Đối với Việt Nam, tốc độ phát triển kinh tế cũng đang gặp trở ngại do xuất khẩu cũng giảm do thị trường các nước giảm nhập khẩu trong bối cảnh chung nhu cầu tiêu dùng giảm, trong khi đó kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên vật liệu và độ mở cao của nền kinh tế nên diễn biến giá trong nước gắn khá mật thiết với biến động giá nguyên nhiên vật liệu thế giới đang vẫn ở mức cao và diễn biến khó lường.
Tiếp tục phát huy các thành công vừa qua, Bộ Tài chính sẽ chủ động phối hợp với các bộ, ngành để tham mưu Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá và thực hiện theo thẩm quyền đồng bộ các giải pháp, biện pháp chủ động ứng phó với những thách thức trong công tác quản lý giá; trong đó tăng cường tập trung các giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2024 để kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, cụ thể như sau:
Một là, chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế để triển khai, hướng dẫn Luật Giá năm 2023 đảm bảo thống nhất, đồng bộ và hiệu quả trong triển khai thực hiện nhằm tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho công tác quản lý, điều hành giá.
Hai là, chú trọng theo dõi sát diễn biến kinh tế và lạm phát thế giới tác động đến Việt Nam để có những giải pháp ứng phó phù hợp. Giám sát chặt chẽ biến động giá cả thị trường trong nước để tham mưu chính sách, kịch bản điều hành giá phù hợp, linh hoạt, kịp thời, nhất là với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có tác động lớn tới mặt bằng giá, đặc biệt trong các thời điểm có biến động giá như lễ tết, điều chỉnh chính sách tiền lương...
Ba là, điều hành chính sách tài khóa phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác để góp phần kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Bốn là, các bộ, ngành, địa phương chủ động chuẩn bị tốt phương án điều hành giá các mặt hàng Nhà nước định giá, các dịch vụ công theo lộ trình thị trường, đánh giá kỹ tác động để thực hiện điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định mức độ, thời điểm điều chỉnh phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường, bảo đảm mục tiêu kiểm soát lạm phát.
Năm là, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát thực hiện các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá; xử lý nghiêm các trường hợp đầu cơ, găm hàng và tăng giá bất hợp lý. Đẩy mạnh các hoạt động phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.
Sáu là, các Bộ, ngành thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải thường xuyên theo dõi, kịp thời có giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, tránh tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Thực hiện mua, bán, xuất cấp kịp thời hàng dữ trữ quốc gia.
Bảy là, tiếp tục chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền, công khai minh bạch, trung thực thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường./.