Chỉ số giá tiêu dùng năm 2023 tăng 3,25%,
đạt mục tiêu Quốc hội đề ra

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2023 tăng 0,12% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng Mười Hai tăng 3,58%. CPI bình quân quý IV/2023 tăng 3,54% so với quý IV/2022. Tính chung cả năm 2023, CPI tăng 3,25% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Nguyên nhân chính khiến chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 12/2023 tăng là do: Một số địa phương thực hiện tăng giá dịch vụ y tế theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT, tăng học phí theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, giá điện sinh hoạt tăng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và giá gạo trong nước tiếp tục tăng theo giá gạo xuất khẩu.
Trong nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ động, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế. Nhiều giải pháp được tích cực triển khai như: Giảm mặt bằng lãi suất cho vay, ổn định thị trường ngoại hối; thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công; triển khai các gói tín dụng hỗ trợ các ngành, lĩnh vực; giảm thuế giá trị gia tăng với một số nhóm hàng hóa và dịch vụ từ 10% xuống 8% từ ngày 01/7/2023; giảm thuế môi trường với nhiên liệu bay; miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, tiền sử dụng đất, hỗ trợ doanh nghiệp; gia hạn visa cho khách du lịch; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; công tác an sinh xã hội được quan tâm thực hiện. Theo đó, thị trường các mặt hàng thiết yếu không có biến động bất thường, nguồn cung được bảo đảm, giá hàng hóa tăng giảm đan xen. Bình quân năm 2023, CPI tăng 3,25% so với năm 2022; lạm phát cơ bản tăng 4,16%.

Ảnh: Nguồn cung hoa quả tươi trong siêu thị Co.op Mart TP. Hồ Chí Minh.

Ảnh: Nguồn cung rau xanh dồi dào trong siêu thị Co.op Mart TP. Hồ Chí Minh.
Theo Tổng cục Thống kê, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2023 tăng 0,12% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng Mười Hai tăng 3,58%. CPI bình quân quý IV/2023 tăng 3,54% so với quý IV/2022. So với tháng trước, CPI khu vực thành thị tăng 0,04% và khu vực nông thôn tăng 0,20%. Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước và 01 nhóm hàng giảm giá. Chỉ số giá vàng tăng 3,98% và chỉ số giá đô la Mỹ giảm 0,56% so với tháng 11/2023.
Lạm phát cơ bản*1 tháng 12/2023 tăng 0,17% so với tháng trước, tăng 2,98% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,16% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức tăng CPI bình quân chung (tăng 3,25%). Nguyên nhân chủ yếu do bình quân giá xăng dầu trong nước năm 2023 giảm 11,02% so với cùng kỳ năm trước, giá gas giảm 6,94% là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Ảnh: Nguồn cung củ quả, rau xanh dồi dào tại chợ truyền thống.
Xét theo cơ cấu nhóm hàng: Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính có 10 nhóm hàng có chỉ số giá tăng và 01 nhóm có chỉ số giảm so với tháng trước. Cụ thể: nhóm Thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,15%, Giáo dục tăng 0,44%, nhóm Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,43%, nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,31%, nhóm May mặc mũ nón giầy dép tăng 0,26%, nhóm Đồ uống và thuốc lá tăng 0,14%, nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,11%, hai nhóm Văn hóa giải trí và du lịch và nhóm Thiết bị và đồ dùng gia đình có cùng mức tăng 0,09%, nhóm Bưu chính viễn thông tăng 0,02%. Riêng Nhóm Giao thông giảm 1,88%.

Các nguyên nhân làm tăng áp lực lên CPI tháng 12/2023 : (1) Chỉ số giá nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 2,15% so với tháng trước. Nguyên nhân chủ yếu do một số địa phương triển khai áp dụng giá dịch vụ y tế mới theo Thông tư số 22/2023/TT-BYT ngày 17/11/2023 của Bộ Y tế quy định thống nhất giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế giữa các bệnh viện cùng hạng trên toàn quốc và hướng dẫn áp dụng giá, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh trong một số trường hợp; (2) Chỉ số giá nhóm Giáo dục tăng 0,44% do một số địa phương thực hiện tăng học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và một số trường đại học, cao đẳng dân lập, tư thục cũng tăng học phí năm học 2023-2024 để bảo đảm thu chi thường xuyên; (3) Chỉ số giá Nhóm Nhà ở và vậy liệu xây dựng tăng 0,43% chủ yếu do giá điện sinh hoạt tăng do Tập đoàn Điện lực Việt Nam điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân từ ngày 09/11/2023 theo Quyết định số 1416/QĐ-EVN ngày 08/11/20232, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng và giá dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng vào dịp cuối năm; (4) Chỉ số Nhóm Hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,31% chủ yếu do các mặt hàng chăm sóc cơ thể và đồ trang sức tăng vào dịp cuối năm; (5) Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón giầy dép tăng 0,26% do chi phí nhân công và nhu cầu mua sắm quần áo mùa đông tăng; (6) Chỉ số giá một số nhóm hàng hóa dịch vụ khác tăng như: Đồ uống và thuốc lá tăng 0,14%, Hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,11%, Văn hóa giải trí du lịch và Thiết bị đồ dùng gia đình có cùng mức tăng 0,09%, Bưu chính viễn thông tăng 0,02%.
Một số nguyên nhân góp phần làm giảm áp lực lên CPI trong tháng 12/2023 là: (1) Chỉ số giá nhóm Giao thông giảm 1,88% chủ yếu do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá xăng dầu trong nước làm cho chỉ số giá xăng giảm 5,31% và chỉ số giá dầu diezen giảm 7,61%; (2) Giá một số mặt hàng thực phẩm giảm như rau củ tươi do thời tiết thuận lợi cho sinh trưởng và đang vào vụ thu hoạch, giá thịt lợn giảm do nhu cầu tiêu dùng không cao; một số phương tiện giao thông (ô tô mới, xe máy và ô tô cũ đã qua sử dụng) giảm giá nhẹ do áp dụng chương trình khuyến mãi để kích cầu cuối năm. Chính phủ tiếp tục chú trọng công tác ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát./.
HOA THANH
*1 CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống, năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và giáo dục.
*2 Chỉ số giá điện sinh hoạt tháng 12/2023 phản ánh biến động trễ một tháng so với các mặt hàng khác do được tính dựa trên doanh thu và sản lượng tiêu dùng của tháng 11/2023.