Công tác xử phạt vi phạm hành chính năm 2023 tại Cục Quản lý giá
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, gắn với việc tăng cường triển khai các hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá trong giai đoạn vừa qua, Cục Quản lý giá đã luôn chú trong công tác triển khai các quy định về Luật xử phạt vi phạm hành chính; Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, phí, lệ phí, hóa đơn và Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, phí, lệ phí, hóa đơn. Trong đó, tất cả các cán bộ, công chức luôn nghiên cứu, nắm rõ các quy định về xử phạt vi phạm hành chính khi thực hiện các công tác kiểm tra và xử lý vi phạm, sai sót của các tổ chức, cá nhân.
Trong năm 2023, Cục Quản lý giá tiếp tục thực hiện các công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá theo các quy định tại Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 và Nghị định số 49/2016/NĐ-CP ngày 27/5/2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013. Các quy định về xử phạt vi phạm hành chính hiện nay vẫn đang cơ bản đáp ứng được các yêu cầu, nhiệm vụ trong công tác thanh tra, kiểm tra, xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá.
Triển khai các quyết định của Bộ Tài chính ban hành gồm: Quyết định số 450/QĐ-BTC ngày 28/3/2023 về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thẩm định giá; Quyết định số 451/QĐ-BTC ngày 28/3/2023 về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá trong lĩnh vực Nông, Lâm, Thủy sản, Quyết định số 452/QĐ-BTC ngày 28/3/2023 về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá trong lĩnh vực Công nghiệp tiêu dùng, Quyết định số 453/QĐ-BTC ngày 28/3/2023 về việc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá trong lĩnh vực Tư liệu sản xuất, Cục Quản lý giá đã triển khai các đoàn kiểm tra tại gần 60 doanh nghiệp.
Căn cứ vào thực tế công tác kiểm tra và công tác theo dõi, giám sát theo chức năng nhiệm vụ của Cục, Cục đã lập biên bản vi phạm hành chính theo đúng quy định để gửi Thanh tra Bộ tiến hành ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 28 đơn vị và 01 cá nhân (thẩm định viên về giá đang hành nghề). Qua theo dõi việc chấp hành xử phạt vi phạm hành chính, đơn vị đã thực hiện nghĩa vụ nộp phạt đúng thời hạn cũng như có các biện pháp để khắc phục vi phạm, sai sót đã mắc phải. Đồng thời, Cục cũng có các hướng dẫn chi tiết về việc thực hiện các quy định về giá và thẩm định giá đối với tất cả các doanh nghiệp được kiểm tra; Qua đó nâng cao tính chất hành pháp luật của các đơn vị.
Trong thời gian từ 15/12/2022 đến 14/12/2023, Cục QLG đã phát hiện 28 doanh nghiệp có hành vi vi phạm về lĩnh vực giá (trong đó có 03 doanh nghiệp tái phạm 1 lần, 01 doanh nghiệp tái phạm 02 lần và 24 doanh nghiệp vi phạm lần đầu). Khi phát hiện hành vi vi phạm hành chính, Cục Quản lý giá đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 109/2013/NĐ-CP, Nghị định số 49/2016/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn. Lập biên bản vi phạm hành chính và chuyển biên bản cho Thanh tra Bộ để kịp thời ra quyết định xử phạt theo đúng thẩm quyền. Theo đó, Cục đã chuyển 33 biên bản vi phạm hành chính lên cơ quan thanh tra Bộ.
Tuy nhiên, khi triển khai các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giá, các cán bộ công chức thực hiện nhiệm vụ vẫn gặp các khó khăn cả khách quan lẫn chủ quan như:
Một số thiếu sót của đơn vị hiện vẫn chưa được quy định thật sự rõ ràng tại các văn bản về xử phạt vi phạm hành chính hoặc một số nội dung rất khó khăn trong việc xác định chính xác bằng chứng về hành vi vi phạm. Ví dụ như trong lĩnh vực thẩm định giá, đối với hành vi “thuê, mượn thẻ thẩm định viên về giá” rất khó để xác nhận do không thể có được các hợp đồng thuê, mượn để chứng minh hành vi… và một số hành vi tương tự khác.
Một số mức xử phạt còn thấp, chưa đảm bảo tính răn đe, nêu gương; Việc áp dụng các hình thức phạt kết hợp đối với việc vi phạm nhiều lỗi hoặc một vi phạm được quy định ở nhiều văn bản còn chồng chéo trong các quy định về vi phạm hành chính hiện hành.
Cục quản lý giá cũng có các kiến nghị đối với cấp có thẩm quyền: Tiếp tục rà soát các quy định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính chung cũng như trong lĩnh vực giá nói riêng nhằm hoàn thiện các nguyên tắc, căn cứ. Đồng thời làm rõ hơn nội dung, cách thức xác định một số hành vi vi phạm còn có khó khăn trong việc chứng minh. Tiếp tục triển khai sâu sát hơn hoạt động kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giá, trong đó, chú trọng việc phát hiện, hướng dẫn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định hiện hành. Đồng thời xử lý nghiêm các hành vi cố tình vi phạm các quy định trong quản lý giá.
QUỲNH HƯƠNG