Kiểm tra nắm tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý,
điều hành và bình ổn giá tại Lạng Sơn
Căn cứ Chỉ thị số 01/CT-BTC ngày 09/01/2024 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 và thực hiện nội dung Công văn số 58/BTC-QLG ngày 11/01/2024 về việc kiểm tra và nắm tình hình triển khai thực hiện công tác quản lý, điều hành và bình ổn giá tại địa phương, trong hai ngày 18 và 19/01/2024, Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính đã chủ trì triển khai đoàn kiểm tra, nắm bắt tình hình thực hiện công tác quản lý, bình ổn giá tại Lạng Sơn, một trong những địa phương có vị trí địa lý giáp ranh biên giới phía bắc quan trọng của nước ta.
Ảnh 1: Toàn cảnh buổi làm việc tại trụ sở Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn
Đẩy mạnh tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung của Luật
Tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Anh Yến – Phó Giám đốc Sở Tài chính Lạng Sơn đã trình bày tổng quan báo cáo tình hình công tác quản lý nhà nước về giá trên địa bàn tỉnh. Theo đó trong năm 2023 Sở Tài chính Lạng Sơn đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản, quyết định về quản lý giá trên địa bàn. Ngoài ra, thẩm định tham mưu trình UBND tỉnh quyết dịnh giá, đơn giá các mặt hàng do Nhà nước định giá như đơn giá dịch vụ công ích đô thị.
Ảnh 2: Bà Nguyễn Anh Yến – Phó Giám đốc STC Lạng Sơn trình bày báo cáo.
Sở Tài chính đã có báo cáo số 405/BC-STC ngày 30/8/2023 tham mưu UBND tỉnh về công tác triển khai Luật Giá số 16/2023/QH15. Thực hiện nhiệm vụ UBNS tỉnh, các Sở, ngành đã triển khai, tuyên truyền phổ biến Luật Giá tới toàn thể cán bộ, công chức, người lao động bằng các hình thức văn bản, giao ban… phù hợp với tình hình thực tế của Sở, ngành đảm bảo hiệu quả, thiết thực. UBND các huyện, thành phố ban hành văn bản chỉ đạo tới các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện và UBND xã, phường, thị trấn chủ động tuyên truyền, phổ biến Luật Giá tới cán bộ, công chức, người lao động; tuyên truyền đến các doanh nghiệp và người dân trên địa bàn qua các thông tin đại chúng.
Công tác kiểm tra, thanh tra chấp hành pháp luật về giá, thuế, phí trên địa bàn được tăng cường chú trọng
Ảnh 3: Ông Nguyễn Chiến Thắng – Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Lạng Sơn
Trong năm 2023, Cục thuế tỉnh, chỉ đạo các Phòng, chi cục Thuế tập trung kiểm tra các doanh nghiệp hoàn thuế, giải thể, phá sản, doanh nghiệp kinh doanh nhiều năm thua lỗ nhưng tài sản tăng (tài sản của công ty, thành viên công ty…) doanh nghiệp khai thác tài nguyên; doanh nghiệp có nợ thuế lớn. Tập trung kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về hóa đơn nhất là các hành vi bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ không lập hóa đơn giao cho người mua; lập hóa đơn ghi giá bán thấp hơn giá thực tế; hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, sử dụng bất hợp pháp hóa đơn. Đối với kiểm tra chấp hành pháp luật về giá, kết quả xử lý vi phạm: tổng số vụ kiểm tra 679 vụ; số vụ phát hiện vi phạm và xử phạt: 512 vụ; số tiền phạt vi phạm hành chính 416.250.000 đồng.
Ảnh 4: Ông Nguyễn Hữu Vượng – Phó Cục trưởng Hải Quan tỉnh Lạng Sơn
Ảnh 5: Ông Nguyễn Minh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn phát biểu tại cuộc họp
Đẩy mạnh công tác quản lý, điều hành giá trên địa bàn tỉnh
Trong năm 2023, Sở Tài chính đã phối hợp chặt chẽ với Sở Công Thương tổ chức theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu, có nhu cầu cao, chủ động phương án bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định thị trường, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gián đoạn nguồn hàng gây tăng giá đột biến trong dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; thực hiện các hoạt động kết nối cung cầu, chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, đưa hàng hóa nông thôn ra thành thị; các hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp phân phối với các nhà cung cấp thực phẩm thiết yếu để cung ứng sớm, đầy đủ cho Nhân dân với giá cả hợp lý, chất lượng tốt, nhất là tại vùng xa, biên giới, trong đó có phương án bảo đảm nguồn cung các mặt hàng thiết yếu; hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp phân phối hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết với tổ chức tín dụng để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong và sau Tết. Đẩy mạnh các hoạt động thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
Ảnh 6: Nguồn cung thực phẩm, rau xanh, củ quả tại chợ Giếng Vuông, Lạng Sơn
Ảnh 7: Nguồn cung thực phẩm tươi sống tại chợ Giếng Vuông, Lạng Sơn
Trong hai ngày làm việc, Đoàn công tác Cục Quản lý giá – Bộ Tài chính đã phối hợp với Sở Tài chính tỉnh Lạng Sơn, Cục Quản lý thị trường trong nước, Bộ đội biên phòng đi khảo sát thực tế tại một số điểm chợ dân sinh truyền thống và một số kho hàng trên địa bàn. Qua khảo sát thực tế cho thấy, về cơ bản hàng hóa trên thị trường tương đối đa dạng, các mặt hàng thực phẩm tươi sống như thịt bò, thịt gà, thịt lợn, hải sản và rau củ quả xanh có nguồn cung dồi dào, do thời tiết thuận lợi cho phát triển các sản phẩm nông nghiệp. Tuy nhiên nhìn chung sức mua kém hơn mọi năm. Thị trường mua bán ngay trong khu vực gần cửa khẩu Tân Thanh cũng tương đối cầm chừng. Các tiểu thương kinh doanh đóng cửa sớm từ 4 rưỡi - 5 giờ. Không khí ảm đạm khác xa so với cách đây chục năm, khi mà giáp Tết khu vực buôn bán tại đây vẫn luôn sôi động.
Ảnh 8: Đoàn công tác phối kết hợp với Sở Tài chính, Quản lý thị trường khảo sát tại Chợ Giếng Vuông – Lạng Sơn.
Ảnh 9: Đoàn công tác cũng trực tiếp vào tận các kho hàng để khảo sát giá các mặt hàng.
Ảnh 10: Ông Phạm Văn Bình – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá – Trưởng đoàn Công tác phát biểu kết luận buổi họp.
Tại buổi làm việc với Sở Tài chính Lạng Sơn và các Sở ban ngành liên quan, ông Phạm Văn Bình – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá – Trưởng đoàn công tác cũng đã đánh giá cao công tác thực hiện nhiệm vụ công tác chuyên môn của Sở Tài chính Lạng Sơn trong năm 2023. Đồng chí Phạm Văn Bình cũng đã nhấn mạnh Sở Tài chính Lạng Sơn tiếp tục nâng cao vai trò tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh và phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024. Theo đó, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, nắm tình hình thực hiện của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh để kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh có biện pháp điều hành, bình ổn giá phù hợp, nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng thiết yếu.
Phối hợp với Cục Quản lý thị trường và các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai, niêm yết giá, xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tăng giá bất hợp lý; kiểm tra yếu tố hình thành giá theo quy định tại Luật Giá và theo thẩm quyền khi hàng hóa có biến động bất thường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; chủ động có phương án điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng thị trường theo quy định.
HOA THANH