Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến về phương pháp định giá thuê sử dụng mạng cáp trong tòa nhà, giá thuê hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông, tổ chức, cá nhân sở hữu công trình viễn thông
Bộ Thông tin và Truyền thông đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư quy định chi tiết cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá, phương pháp định giá thuê sử dụng mạng cáp trong tòa nhà, giá thuê hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động giữa các doanh nghiệp viễn thông, tổ chức, cá nhân sở hữu công trình viễn thông.
Theo đó, Thông tư quy định định chi tiết cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá, phương pháp định giá thuê sử dụng mạng cáp trong tòa nhà, giá thuê hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động bao gồm nhà, trạm, cột ăng ten, cột treo cáp, cống, bể, ống cáp, hào, tuy nen kỹ thuật và công trình hạ tầng kỹ thuật liên quan khác để lắp đặt thiết bị phục vụ viễn thông (sau đây gọi là công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông).
Các phương thức kiểm soát giá thuê: Thông tư quy định phương thức kiểm soát giá thuê gồm (i) Báo cáo giá thuê; (ii) Niêm yết giá thuê; (iii) Kiểm tra các yếu tố hình thành giá thuê; (iv) Hiệp thương giá thuê.
Phương pháp xác định giá thuê: Phương pháp xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông gồm phương pháp chi phí và phương pháp so sánh.
Phương pháp chi phí
1. Các yếu tố hình thành giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông:
a) Chi phí đầu tư xây dựng công trình;
b) Chi phí quản lý vận hành (nếu có);
c) Chi phí bảo trì, bảo dưỡng;
d) Chi phí khác theo quy định của pháp luật (nếu có);
d) Lợi nhuận dự kiến.
2. Công thức xác định giá thuê
Gt = | CPđt + CPvh + CPbtbd + CPk + LNdk |
SLg |
Trong đó:Gt là giá cho thuê trong 1 năm (đồng/đơn vị tính giá/năm). Trường hợp giá thuê theo tháng bằng giá thuê trong 1 năm chia 12 tháng.
a) CPđt: là chi phí đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông (đồng/năm) được xác định bằng (=) tổng chi phí đầu tư xây dựng công trình chia (:) số năm tính khấu hao công trình.
- Tổng chi phí đầu tư xây dựng công trình: là toàn bộ chi phí hợp lý, hợp pháp thực hiện đầu tư xây dựng công trình và đưa công trình vào khai thác sử dụng theo quy định hiện hành về quản lý chi phí đầu tư xây dựng công trình và đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư tại thời điểm bàn giao đưa vào khai thác sử dụng. Trường hợp phải đưa công trình vào sử dụng nhưng chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết toán vốn đầu tư công trình, thì tổng chi phí đầu tư xây dựng tạm tính theo báo cáo quyết toán của chủ đầu tư; sau khi được cấp có thẩm quyền quyết toán vốn đầu tư công trình, điều chỉnh chi phí đầu tư xây dựng công trình theo số được quyết toán.
- Số năm tính khấu hao: tính theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định. Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông chỉ theo dõi hao mòn ghi sổ hạch toán, CPđt là chi phí gia công, lắp đặt hạng mục có liên quan đến công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông (đồng/năm).
b) CPvh: là chi phí quản lý vận hành hàng năm (đồng/năm), bao gồm:
- Chi phí tiền lương và các khoản phụ cấp, chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các khoản trích nộp khác từ quỹ lương cho bộ máy thuộc đơn vị quản lý vận hành công trình. Chi phí tiền lương được xác định trên cơ sở định biên cán bộ công nhân viên và mức lương, phụ cấp lương, các khoản trích nộp khác từ quỹ lương theo quy định hiện hành của nhà nước;
- Chi phí văn phòng phẩm, bàn ghế văn phòng làm việc, dụng cụ, vật rẻ tiền mau hỏng của đơn vị quản lý vận hành;
- Chi phí điện, nước sinh hoạt cho bộ máy văn phòng làm việc của đơn vị quản lý vận hành; chi phí khác liên quan đến quản lý vận hành;
- Chi phí khấu hao tài sản cố định của đơn vị quản lý vận hành. Việc quản lý, sử dụng khấu hao tài sản cố định được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính.
Trường hợp tổ chức, cá nhân đầu tư công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông trực tiếp quản lý vận hành, không thành lập bộ máy quản lý vận hành riêng thì chi phí quản lý vận hành xác định theo chi phí thực tế hợp lý phục vụ cho công tác quản lý vận hành công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông.
c) CPbtbd: là chi phí bảo trì, bảo dưỡng công trình bình quân năm (đồng/năm), bao gồm: toàn bộ chi phí cho việc bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ và sửa chữa đột xuất theo định mức kinh tế - kỹ thuật và quy định của pháp luật về bảo trì, bảo dưỡng để đảm bảo công trình hoạt động bình thường và an toàn khi sử dụng.
d) CPk: là chi phí thực tế hợp lý khác theo quy định của pháp luật nếu có (đồng/năm) liên quan trực tiếp đến giá cho thuê nhưng chưa được quy định tại điểm a, điểm b, điểm c trên.
đ) LNdk: là lợi nhuận hợp lý dự kiến trong giá thuê (đồng/năm) được xác định tối đa là 10% tổng chi phí từ điểm a đến điểm d trên.
e) SLg: là sản lượng tính giá được xác định trên cơ sở công suất thiết kế của công trình và công suất sử dụng thực tế phù hợp với tình hình thị trường. Đơn vị tính của sản lượng tính giá thuê là: dây, cáp; hoặc đường ống; hoặc cột; hoặc chiều dài công trình; hoặc diện tích thuê công trình hoặc đơn vị tính giá khác phù hợp với đặc điểm của từng công trình như: đường dây, cáp hoặc đường ống trên một đơn vị chiều dài công trình viễn thông,…
3. Trường hợp các khoản chi phí hình thành giá thuê trên có liên quan đến nhiều sản phẩm, dịch vụ khác thì phải được phân bổ chi phí cho các sản phẩm, dịch vụ khác theo tiêu thức thích hợp.
4. Không được tính vào giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật viễn thông các khoản chi phí đã được ngân sách nhà nước bố trí; hao mòn tài sản ghi sổ hạch toán tài sản của đơn vị; các khoản ưu đãi như tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các ưu đãi về thuế theo quy định pháp luật về quản lý thuế; các khoản chi phí đã được kết cấu trong giá thành, giá bán sản phẩm, dịch vụ khác của doanh nghiệp.
Phương pháp so sánh
1. Khái niệm Phương pháp so sánh là phương pháp xác định giá thuê không qua việc tiến hành phân tích, so sánh mức giá thuê gắn với các đặc điểm kinh tế, kỹ thuật của công trình cùng loại hoặc công trình tương tự được giao dịch trên thị trường địa phương (nếu có) hoặc địa phương khác trong nước.
2. Công trình cùng loại với công trình cần tính giá thuê có sự giống nhau về các phương diện, bao gồm: Đặc điểm kinh tế kỹ thuật của công trình (như vật liệu cấu thành, thông số kinh tế - kỹ thuật chủ yếu, chức năng, mục đích sử dụng, thời hạn sử dụng, tính chất cơ lý hóa và các tiêu chí khác có liên quan); Quy cách, chất lượng công trình; Vị trí công trình.
3. Công trình tương tự với công trình cần định giá thuê có các đặc trưng cơ bản giống nhau, bao gồm: Có cùng chức năng, mục đích sử dụng; có đặc điểm kinh tế kỹ thuật tương tự (như được làm từ các nguyên liệu, vật liệu tương đương); có thông số kinh tế - kỹ thuật chủ yếu tương tự; Quy cách, chất lượng tương đương nhau; Vị trí công trình tương tự nhau.
4. Khi sử dụng phương pháp so sánh phải căn cứ vào các yếu tố có ảnh hưởng nhiều đến giá trị của công trình cần định giá, gồm: Mức giá thuê hiện đang giao dịch gắn với chất lượng công trình; Điều kiện thuê (thời gian, hình thức thanh toán và các tiêu chí khác có liên quan); Các đặc trưng cơ bản của công trình như đặc điểm tài sản, các thông số kỹ thuật chủ yếu, các yếu tố chi phí đầu vào; Vị trí công trình, chất lượng công trình, thời gian sử dụng; Các tiêu chí khác có liên quan.
NgK