Trong quá trình xây dựng, soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan chủ trì soạn thảo cần thống kê, đánh giá tác động của thủ tục hành chính được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật. Bản đánh giá thủ tục hành chính của dự án, dự thảo văn bản là bản tổng hợp kết quả đánh giá thủ tục hành chính là nội dung bắt buộc trong hồ sơ thẩm định, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Ngày 10 tháng 02 năm 2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 03/2022/TT-BTP đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và soạn thảo dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thay thế Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 24/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính và rà soát, đánh giá thủ tục hành chính. Thông tư số 03/2022/TT-BTP gồm 4 Chương, 14 điều. Một số nội dung khi đánh giá tác động của thủ tục hành chính như sau:
Đánh giá tác động của thủ tục hành chính bao gồm trong khi xây dựng văn bản và trong soạn thảo dự án, dự thảo văn bản. Theo đó, đánh giá tác động của thủ tục hành chính là việc nghiên cứu, xem xét về (i) sự cần thiết, (ii) tính hợp pháp, (iii) tính hợp lý và (iv) chi phí tuân thủ thủ tục hành chính để (i) nhằm lựa chọn phương án, giải pháp tối ưu để thực hiện chính sách trong giai đoạn xây dựng văn bản và (ii) cân nhắc, lựa chọn phương án, giải pháp tối ưu cho việc ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ thủ tục hành chính.
1. Quy trình đánh giá tác động thủ tục hành chính
Việc đánh giá tác động thủ tục hành chính được tiến hành khi thực hiện trong lập đề nghị xây dựng văn bản và trong soạn thảo dự án, dự thảo văn bản như sau:
Trong lập đề nghị xây dựng văn bản
|
Trong soạn thảo dự án, dự thảo văn bản
|
Cơ quan thực hiện: Cơ quan lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật
|
Cơ quan thực hiện: Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án, dự thảo văn bản
|
Bước 1: Tiến hành đánh giá tác động của thủ tục hành chính
|
Cơ quan lập đề nghị căn cứ quy định đánh giá tác động của thủ tục hành chính để đánh giá về sự cần thiết, tính hợp pháp, tính hợp lý và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.
|
Cơ quan chủ trì soạn thảo căn cứ quy định để đánh giá về sự cần thiết, tính hợp pháp, tính hợp lý và chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.
Đối với thủ tục hành chính đã được đánh giá trong lập đề nghị xây dựng văn bản thì trong soạn thảo dự án, dự thảo văn bản, cơ quan chủ trì soạn thảo có thể tiếp tục sử dụng kết quả đánh giá đã thực hiện và đánh giá bổ sung đối với những nội dung khác theo quy định
|
Bước 2: Hoàn thiện đề xuất quy định thủ tục hành chính
|
Trong quá trình đánh giá tác động, nếu thủ tục hành chính được xác định là không cần thiết hoặc không đúng thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật thì cơ quan lập đề nghị không tiến hành việc đánh giá và không đề xuất phương án, giải pháp quy định thủ tục hành chính trong đề nghị xây dựng văn bản.
Nếu thủ tục hành chính được xác định là cần thiết, ban hành đúng thẩm quyền thì tiếp tục đánh giá tác động của thủ tục hành chính và căn cứ kết quả đánh giá, cơ quan lập đề nghị chỉnh lý, hoàn thiện đề xuất phương án, giải pháp quy định thủ tục hành chính.
|
Trong quá trình đánh giá tác động, nếu thủ tục hành chính được xác định là không cần thiết hoặc không đúng thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật thì cơ quan chủ trì soạn thảo không tiến hành việc đánh giá và không quy định thủ tục hành chính trong dự án, dự thảo văn bản.
Nếu thủ tục hành chính được xác định là cần thiết, ban hành theo đúng thẩm quyền thì tiếp tục đánh giá tác động của thủ tục hành chính và căn cứ kết quả đánh giá, cơ quan chủ trì soạn thảo chỉnh sửa, hoàn thiện quy định về thủ tục hành chính.
|
Bước 3: Tổng hợp kết quả đánh giá tác động của thủ tục hành chính
|
Sau khi đánh giá tác động của thủ tục hành chính, cơ quan lập đề nghị tổng hợp kết quả đánh giá thủ tục hành chính vào nội dung Báo cáo đánh giá tác động của chính sách. Biểu mẫu đánh giá tác động của thủ tục hành chính trong lập đề nghị xây dựng văn bản là một phần của Báo cáo đánh giá tác động của chính sách.
|
Sau khi đánh giá tác động của thủ tục hành chính, cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp kết quả đánh giá vào nội dung Bản đánh giá thủ tục hành chính của dự án, dự thảo văn bản ban hành kèm theo Thông tư này.
Đối với việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính tại dự thảo nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, dự thảo quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì cơ quan chủ trì soạn thảo tổng hợp kết quả đánh giá tác động của thủ tục hành chính vào Tờ trình dự thảo nghị quyết, quyết định đó.
|
Khi thực hiện các bước đánh giá nêu trên, cần lưu ý các nội dung về đánh giá tác động gồm:
(i) Trong đánh giá sự cần thiết của thủ tục hành chính:
- Đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực nhất định hoặc thực hiện các biện pháp có tính chất đặc thù để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Bảo đảm quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.
- Là phương án, giải pháp tối ưu trong các phương án, giải pháp có thể được thực hiện để bảo đảm các yêu cầu tại nêu trên.
(ii) Trong đánh giá tính hợp pháp của thủ tục hành chính:
- Theo đúng thẩm quyền được quy định tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các quy định của pháp luật về kiểm soát thủ tục hành chính.
- Thủ tục hành chính được đề xuất, ban hành phải bảo đảm tính thống nhất với hệ thống pháp luật. Thủ tục hành chính được ban hành còn cẩn đảm bảo không trái với các văn bản quy phạm pháp luật khác, điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Thủ tục hành chính được đề xuất phải bảo đảm tính tương thích của nội dung chính sách trong đề nghị xây dựng văn bản với điều ước quốc tế có liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
(iii) Trong đánh giá tính hợp lý của thủ tục hành chính
Trong lập đề nghị xây dựng văn bản và trong soạn thảo dự án, dự thảo văn bản đều thực hiện đánh giá đối với 03 bộ phận của thủ tục hành chính, gồm tên thủ tục hành chính, đối tượng thực hiện thủ tục hành chính và cơ quan giải quyết thủ tục hành chính, trong đó: Tên thủ tục hành chính được xác định rõ và phù hợp; Đối tượng thực hiện thủ tục hành chính được xác định rõ; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng thực hiện; bảo đảm sự công bằng giữa các cá nhân, giữa các tổ chức, giữa cá nhân với tổ chức, giữa các ngành, lĩnh vực, giữa các vùng miền, giữa trong nước với ngoài nước và có số lượng đối tượng tuân thủ được hưởng lợi nhiều nhất; Cơ quan giải quyết thủ tục hành chính được xác định phù hợp với thẩm quyền quản lý nhà nước đối với cấp hành chính hoặc địa giới hành chính theo quy định của pháp luật; thuận tiện cho cá nhân, tổ chức tuân thủ thủ tục hành chính trong việc liên hệ với cơ quan có thẩm quyền giải quyết; bảo đảm áp dụng tối đa các giải pháp phân cấp hoặc ủy quyền cho cơ quan hành chính cấp dưới hoặc địa phương giải quyết thủ tục hành chính.
Bên cạnh đó, trong soạn thảo dự án, dự thảo văn bản đánh giá thêm 08 nội dung sau:
+ Trình tự thực hiện thủ tục hành chính: được quy định rõ ràng, cụ thể các bước thực hiện; phân định rõ trách nhiệm và nội dung công việc của cơ quan nhà nước và cá nhân, tổ chức khi tham gia thực hiện. Đồng thời, các bước thực hiện phải được sắp xếp theo thứ tự phù hợp về thời gian, quy trình và cấp có thẩm quyền xử lý; áp dụng tối đa cơ chế liên thông; tăng cường giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.
+ Cách thức thực hiện thủ tục hành chính: được quy định rõ ràng, cụ thể, đa dạng về cách thức nộp hồ sơ và nhận kết quả, phù hợp với điều kiện của cơ quan giải quyết thủ tục hành chính và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho cá nhân, tổ chức với chi phí thấp nhất.
+ Thành phần, số lượng hồ sơ: được quy định rõ ràng, cụ thể về tên, hình thức của từng thành phần hồ sơ, số lượng bộ hồ sơ và đáp ứng một số tiêu chuẩn như phải thực sự cần thiết cho việc giải quyết thủ tục hành chính, đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện được pháp luật quy định, bảo đảm mục tiêu quản lý nhà nước...
+ Thời hạn giải quyết thủ tục hành chính: được quy định rõ ràng, cụ thể, trong đó quy định rõ tổng thời gian giải quyết thủ tục hành chính từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định đến khi trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính và phải bảo đảm tiết kiệm thời gian cho cá nhân, tổ chức và phù hợp với khả năng của cơ quan giải quyết thủ tục hành chính.
+ Phí, lệ phí và các chi phí khác (nếu có): được quy định rõ ràng, cụ thể; cơ bản bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi cơ quan nhà nước thực hiện giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức; bảo đảm cắt giảm tối đa chi phí không cần thiết cho cá nhân, tổ chức; có tính đến đặc điểm từng vùng miền, từng đối tượng thực hiện, từng lĩnh vực và thông lệ quốc tế.
+ Mẫu đơn, tờ khai: phải được mẫu hóa, điện tử hóa theo quy định. Mẫu đơn, tờ khai phải rõ ràng, ngắn gọn, thực sự cần thiết cho việc giải quyết thủ tục hành chính, tăng tính chịu trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với những nội dung tại đơn, tờ khai.
+ Yêu cầu, điều kiện: được quy định rõ ràng, cụ thể, cần thiết đối với yêu cầu quản lý nhà nước, phù hợp với khả năng đáp ứng của cá nhân, tổ chức; bảo đảm sự công bằng giữa các cá nhân, giữa các tổ chức, giữa cá nhân với tổ chức, giữa các ngành, lĩnh vực, giữa các vùng miền, giữa trong nước với ngoài nước; phân định rõ trách nhiệm chứng minh yêu cầu, điều kiện; trong yêu cầu, điều kiện không được quy định các nội dung phát sinh thêm các hồ sơ, giấy tờ cá nhân, tổ chức phải nộp ngoài những thành phần hồ sơ đã được quy định.
+ Kết quả thực hiện thủ tục hành chính: Hình thức (bản giấy hoặc bản điện tử), thời hạn, phạm vi và điều kiện có hiệu lực (nếu có) của kết quả thực hiện thủ tục hành chính được quy định rõ ràng, thuận tiện, phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước, với quyền, nghĩa vụ, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức và tình hình thực tiễn.
(iii) Trong đánh giá chi phí tuân thủ thủ tục hành chính
Khi lập đề nghị xây dựng văn bản, cơ quan lập đề nghị xác định rõ để thực hiện thủ tục hành chính, cá nhân, tổ chức phải nộp hoặc không phải nộp phí, lệ phí và các chi phí khác (nếu có).
Việc đề xuất quy định phí, lệ phí và các chi phí khác (nếu có) cơ bản phải bảo đảm bù đắp chi phí và mang tính phục vụ khi cơ quan nhà nước giải quyết thủ tục hành chính cho cá nhân, tổ chức; bảo đảm cắt giảm tối đa chi phí không cần thiết cho cá nhân, tổ chức; có tính đến đặc điểm từng vùng miền, từng đối tượng thực hiện, từng lĩnh vực và thông lệ quốc tế.
Trong soạn thảo dự án, dự thảo văn bản, việc tính chi phí chi phí tuân thủ thủ tục hành chính tuân thủ n guyên tắc lựa chọn số liệu ở mức trung bình thấp nếu có nhiều nguồn số liệu chênh lệch nhau, không tính chi phí cơ hội.
2. Về trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc đánh giá tác động của TTHC
Thông tư 03/2022/TT-BTP đã quy định 01 điều hướng dẫn cụ thể:
Cơ quan lập đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo có trách nhiệm đánh giá tác động của thủ tục hành chính, lấy ý kiến của cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính theo quy định của pháp luật về kiểm soát thủ tục hành chính.
Cơ quan thẩm định có trách nhiệm thẩm định quy định thủ tục hành chính theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2020) và quy định của pháp luật về kiểm soát thủ tục hành chính.
Trong quá trình thẩm định, cơ quan kiểm soát thủ tục hành chính có ý kiến tại cuộc họp thẩm định (trong trường hợp được mời tham gia họp thẩm định) hoặc ý kiến bằng văn bản theo yêu cầu của cơ quan thẩm định về việc đánh giá tác động của thủ tục hành chính và quy định thủ tục hành chính trong đề nghị xây dựng văn bản và dự án, dự thảo văn bản.
Thông tư số 03/2022/TT-BTP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 3 năm 2022 và thay thế Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày 24 tháng 02 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đánh giá tác động của TTHC và rà soát, đánh giá TTHC.