Kinh nghiệm một số nước về chính sách tài chính hỗ trợ phát triển thị trưởng bảo hiểm nông nghiệp và bài học cho Việt Nam

Kinh nghiệm một số nước về chính sách tài chính hỗ trợ phát triển thị trưởng bảo hiểm nông nghiệp và bài học cho Việt Nam 03/10/2023 10:02:00 1032

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Kinh nghiệm một số nước về chính sách tài chính hỗ trợ phát triển thị trưởng bảo hiểm nông nghiệp và bài học cho Việt Nam

03/10/2023 10:02:00

Dương Hoàng Lan Chi

Kinh nghiệm ở một số nước về chính sách tài chính hỗ trợ phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp

Hỗ trợ tài chính cho người dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp

Trung Quốc thực hiện hỗ trợ từ chính quyền địa phương: Trong một số trường hợp, chính quyền cấp tỉnh thông qua phòng tài chính của họ đang hỗ trợ tài chính cho các công ty BHNN dưới hình thức trợ cấp phí trả trước và bảo vệ tái bảo hiểm sau thảm họa. Các khoản trợ cấp phí bảo hiểm cho cây trồng và vật nuôi nông nghiệp là rất mới ở Trung Quốc, và ngoại trừ Thượng Hải, nơi chính phủ đã cung cấp các khoản trợ cấp phí bảo hiểm dịch bệnh bắt buộc từ giữa những năm 1990. Các nhà hoạch định chính sách biện minh cho việc trợ cấp phí bảo hiểm như một phương tiện thúc đẩy việc áp dụng BHNN: (1) Trợ cấp cho phép nông dân nhỏ đủ khả năng chi trả với mức phí bảo hiểm cao được tính cho MPCI (7,5 –10,0% đối với cây trồng); (2) Từ quan điểm của công ty bảo hiểm, các khoản trợ cấp là rất quan trọng để cho phép nó tính mức giá hợp lý về mặt thực tế. Một bước phát triển quan trọng khác ở Trung Quốc kể từ năm 2006 là quyết định của chính quyền địa phương ở các tỉnh Chiết Giang và Hải Nam trong việc cấp ngân sách và cung cấp dịch vụ tái bảo hiểm chính thức do thảm họa gây ra, trái ngược với các điều khoản tài trợ bồi thường thiên tai đặc biệt hơn đã áp dụng ở hầu hết các tỉnh khác.

Gần đây, Chính phủ Trung Quốc hỗ trợ phí bảo hiểm cho người tham gia BHNN. Chính quyền Trung ương hỗ trợ từ 30% đến 40% phí BHNN và tỷ lệ hỗ trợ khác nhau đối với từng loại cây trồng, chính quyền địa phương hỗ trợ 30% phí BHNN, nông dân đóng từ 30% đến 40% phí bảo hiểm. Công ty bảo hiểm thu phí bảo hiểm của nông dân, sau đó chính quyền địa phương hỗ trợ 30% phí và chính quyền Trung ương sẽ chuyển nốt 30% phí bảo hiểm cho công ty bảo hiểm.

Như đã biết, khả năng chi trả là một thách thức chính đối với các sản phẩm BHNN dành cho nông dân sản xuất nhỏ với nguồn lực hạn chế. Trong các nước ASEAN, các chương trình bảo hiểm cây trồng quốc gia do Chính phủ hỗ trợ đều bao gồm trợ cấp phí bảo hiểm trực tiếp, từ khoảng 80% ở Indonesia cho tất cả các hộ nông dân mục tiêu đến 100% cho một số loại cây trồng ở Philippines. Campuchia đảm bảo hỗ trợ tài chính từ các chương trình bảo hiểm cây trồng quốc gia.

Hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp bảo hiểm nông nghiệp

Ngoài hỗ trợ phí bảo hiểm, Chính phủ Trung Quốc còn hỗ trợ về bồi thường. Trường hợp tỷ lệ tổn thất chiếm 160% phí bảo hiểm, DNBH chịu trách nhiệm bồi thường toàn bộ tổn thất. Trường hợp tỷ lệ tổn thất từ 160% đến 300% phí bảo hiểm, doanh nghiệp nhận tái bảo hiểm chịu trách nhiệm bồi thường theo hợp đồng tái bảo hiểm. Trường hợp tỷ lệ tổn thất từ trên 300% thì Nhà nước sẽ bồi thường. Thực chất, tỷ lệ tổn thất đến 160% phí bảo hiểm, Nhà nước cũng chịu một phần vì Nhà nước đã hỗ trợ phí bảo hiểm từ ban đầu. Các DNBH nông nghiệp của Thái Lan được hỗ trợ, được hưởng các chính sách ưu tiên, ưu đãi ổn định, lâu dài như về thuế, phí...

Thực hiện các nghiên cứu, dự án thí điểm về sản phẩm bảo hiểm, mở rộng đối tượng bảo hiểm

Campuchia thực hiện một nghiên cứu về nhu cầu bảo hiểm lúa gạo, xây dựng chương trình bảo hiểm lúa gạo dựa trên những bài học và kinh nghiệm từ các dự án bảo hiểm thí điểm của tổ chức phi chính phủ đã thực hiện. Ngoài ra, thực hiện một dự án thí điểm thông qua hình thức PPP và phát triển Khung chính sách BHNN, tập trung vào việc thí điểm bảo hiểm cây trồng theo chỉ số thời tiết.

Do chi phí đánh giá tổn thất và chi phí thực hiện các chương trình bảo hiểm lúa gạo đều cao, Thái Lan đã nghiên cứu BHCS thời tiết như một cơ cấu sản phẩm thay thế. Từ năm 2009-2015, Chính phủ Thái Lan và Ngân hàng Thế giới đã thí điểm BHCS thời tiết cho cây lúa, tuy nhiên phải đối mặt với những thách thức về việc thiếu chính xác trong thực hiện chi trả và các rào cản về quy mô do yêu cầu dữ liệu. Các sản phẩm BHCS dựa trên chuỗi dữ liệu thời gian lịch sử, đặc biệt đối với Thái Lan, dữ liệu lượng mưa được lấy từ AWS (Automated Weather Stations). Chính phủ cũng thực hiện các nghiên cứu về các yếu tố khí hậu và tác động của khí hậu đến việc thực hiện BHNN phù hợp và tìm kiếm sự hợp tác trong khu vực ASEAN về giảm thiểu rủi ro khí hậu.

Chính phủ Indonesia có thể xem xét việc mở rộng phạm vi bảo hiểm sang các cây an ninh lương thực bổ sung, cây trồng và vật nuôi có giá trị cao; đồng thời, điều tra tính khả thi của BHCS thời tiết đối với những rủi ro chính ảnh hưởng đến sản xuất ở các khu vực địa lý lớn hơn. Để dễ dàng thực hiện, phí bảo hiểm quốc gia được ấn định cụ thể, và trong tương lai có thể thay đổi theo địa phương nhằm phản ánh tốt hơn các mức độ rủi ro khác nhau ở các địa phương khác nhau.

Bài học cho Việt Nam

Một là, Chính phủ đóng vai trò chính trong tạo thuận lợi cho thị trường bảo hiểm phát triển

Chính phủ cần xác định BHNN là một sản phẩm được vận hành theo cơ chế thị trường, trong đó, Chính phủ hỗ trợ, tạo thuận lợi cho thị trường BHNN, tạo môi trường pháp lý rõ ràng, phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, để các DNBH cũng như người nông dân tham gia thị trường một cách lành mạnh. Yếu tố quan trọng trong sự thành công của BHNN là cam kết và động lực rõ ràng của chính phủ cũng thúc đẩy động lực giữa các DNBH và người được bảo hiểm tham gia vào các chương trình BHNN.

Hai là, tận dụng sự hỗ trợ, phối hợp từ địa phương

Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi trong phối hợp giữa các cấp khi đối diện với các rủi ro nông nghiệp. Các quỹ BHNN ở địa phương được sự hỗ trợ từ chính quyền các tỉnh để giúp các DNBH địa phương giảm rủi ro. Từ hoạt động triển khai BHNN ở Trung Quốc cho thấy, sự thành công hay thất bại của hệ thống bảo hiểm chủ yếu bởi sự thiết kế cẩn thận và sự sửa đổi năng động hệ thống này phù hợp với các điều kiện đang thay đổi.

Ba là, xây dựng hệ thống thông tin BHNN và thiết lập quy trình quản lý thích hợp để giám sát và tối ưu hóa đầu tư công và đầu tư tư nhân của DNBH. Đẩy mạnh hợp tác chiến lược về mối quan hệ với các đối tác phát triển, bao gồm hợp tác quốc tế để hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ cho việc thiết kế chương trình và thí điểm. Ngoài ra, để đảm bảo thị trường bảo hiểm có thể phát triển một cách ổn định, bền vững thì công tác tuyên truyền giáo dục nâng cao nhận thức của người dân về BHNN là hết sức cần thiết.

 

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%