(VOV.VN) Ngày 20/02, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã hạ lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 5 năm với mức giảm lớn nhất từ trước đến nay, nối dài các nỗ lực kích thích nhu cầu tín dụng và vực dậy thị trường bất động sản.
Trụ sở Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc tại Bắc Kinh (Ảnh: IC)
Thông báo của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PboC) ngày 20/2 cho thấy, lãi suất cho vay cơ bản (LPR) kỳ hạn 5 năm của nước này giảm 25 điểm cơ bản, từ 4,2% xuống 3,95%. Đây là lần giảm đầu tiên kể từ tháng 6/2023.
Theo truyền thông Trung Quốc, lãi suất LPR kỳ hạn 5 năm là chuẩn tham chiếu để định giá các khoản cho vay mua nhà cá nhân cũng như các khoản vay trung và dài hạn của doanh nghiệp. Đợt điều chỉnh này là mức giảm lớn nhất kể từ khi lãi suất này được áp dụng ở Trung Quốc vào năm 2019.
Động thái này của PBoC nhằm khuyến khích các ngân hàng thương mại cấp nhiều tín dụng với mức lãi suất hấp dẫn hơn. Quyết định này của Trung Quốc trái ngược với phần lớn các nền kinh tế lớn khác, nơi lãi suất tăng để kiềm chế lạm phát.
Nhà phân tích của Viện Nghiên cứu và Phát triển Trung Quốc E-House Nghiêm Dược Tiến (Yan Yuejin) cho biết, điểm nổi bật nhất của lần cắt giảm lãi suất này là mức giảm LPR kỳ hạn 5 năm rất lớn, lên tới 25 điểm cơ bản, trong khi mức giảm trước đó thường trong khoảng từ 5 - 15 điểm cơ bản. Ông cho rằng, thị trường bất động sản Trung Quốc hiện đang trong giai đoạn ổn định và phục hồi, rất cần được củng cố, việc cắt giảm lãi suất sẽ giúp giảm chi phí vốn của người dân, do vậy sẽ có tác động tích cực tới thị trường bất động sản.
Năm 2023, mặc dù vẫn đạt chỉ tiêu đề ra, nhưng Trung Quốc đã ghi nhận một trong những mức tăng trưởng kinh tế thấp nhất kể từ năm 1990, làm giảm kỳ vọng về sự phục hồi kinh tế nhanh chóng sau đại dịch Covid-19. Hoạt động kinh tế cũng bị ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng chưa từng có trong lĩnh vực bất động sản, một động lực tăng trưởng chủ chốt lâu nay vẫn chiếm hơn 25% GDP của nước này.
Bích Thuận