(HQ Online) - Mới đây, Bộ Tài chính đã có báo cáo kết quả giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp năm 2023 đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước.
EVN ghi nhận lỗ lũy kế đến hết năm 2023 lên đến 50,6 nghìn tỷ đồng. Ảnh minh hoạ: N.Thanh
Số liệu được tổng hợp từ 143 doanh nghiệp khối trung ương (không bao gồm số liệu của Tổng công ty Công nghiệp tàu thuỷ do đang thực hiện tái cơ cấu), dựa trên cơ sở báo cáo của các cơ quan đại diện chủ sở hữu và các doanh nghiệp.
Theo báo cáo, trong số 143 doanh nghiệp có 136 doanh nghiệp kinh doanh có lãi.
7 doanh nghiệp kinh doanh lỗ với tổng số lỗ năm 2023 là 23,55 nghìn tỷ đồng. Trong đó, riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phát sinh lỗ tới 23,53 nghìn tỷ đồng, 6 doanh nghiệp còn lại là Công ty TNHH Thiết bị giáo dục nghề nghiệp, Công ty TNHH MTV Thủy sản Hạ Long, Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Nông nghiệp, Công ty TNHH MTV Hà Thành, Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thể thao và Du lịch, Công ty TNHH MTV Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương lỗ 20 tỷ đồng.
Cũng theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng số lỗ lũy kế đến hết năm 2023 là 53,4 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, EVN ghi nhận lỗ lũy kế 50,6 nghìn tỷ đồng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) lỗ lũy kế 1,93 nghìn tỷ đồng, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam lỗ lũy kế 884 tỷ đồng.
Về doanh thu, tổng doanh thu của khối doanh nghiệp thuộc bộ, cơ quan ngang bộ năng 2023 là 1,357 triệu tỷ đồng. Trong đó, tổng doanh thu của các doanh nghiệp do Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm chủ sở hữu chiếm 65,3%, tăng 3% so với năm 2022.
Mặc dù “ôm lỗ” lớn nhất nhưng EVN lại có doanh thu lớn nhất, lên tới 420,5 nghìn tỷ đồng, tăng 9,1% so với năm 2022.
Đứng thứ 2 là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) với doanh thu 213,3 nghìn tỷ đồng, giảm, 1,25% so với năm trước; Agribank là 177,9 nghìn tỷ đồng, tăng 11,3%; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là 149,2 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8%; Viettel là 103,5 nghìn tỷ đồng, tăng 2,4%.
Số phát sinh phải nộp ngân sách nhà nước năm 2023 là 118,7 nghìn tỷ đồng, một số doanh nghiệp nộp ngân sách lớn như Viettel, PVN, TKV, Agribank.
Báo cáo của Bộ Tài chính cũng nêu, có 5 doanh nghiệp có số nợ quá hạn là gần 581 tỷ đồng, trong đó, Công ty TNHH MTV Hà Thành nợ quá hạn 233,7 tỷ đồng, chiếm 43% tổng số nợ.
Ngoài ra, trong 143 doanh nghiệp có 107 doanh nghiệp đánh giá an toàn về tài chính, 10 doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn tài chính, 4 doanh nghiệp mất an toàn tài chính, còn lại 22 doanh nghiệp chưa được cơ quan đại diện chủ sở hữu đánh giá.
4 doanh nghiệp mất an toàn tài chính bao gồm: Công ty TNHH MTV Hà Thành, Công ty TNHH MTV Thủy sản Hạ Long, Công ty TNHH một thành viên Nhà xuất bản Nông nghiệp, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu nông sản, thực phẩm Hà Nội.
Cũng theo báo cáo, đối với 55 doanh nghiệp là công ty cổ phần, công ty TNHH 2 thành viên trở lên có vốn nhà nước, 34 doanh nghiệp kinh doanh có lãi, 5 doanh nghiệp kinh doanh lỗ, 16 doanh nghiệp không có báo cáo.
Tổng lợi nhuận sau thuế năm 2023 của 55 doanh nghiệp này là 95,7 nghìn tỷ đồng.
5 doanh nghiệp có số lỗ lớn trong năm 2023 là Vietnam Airline (4,8 nghìn tỷ đồng), Công ty TNHH Truyền hình số vệ tinh Việt Nam (VSTV) (496 tỷ đồng), Công ty Cổ phần Thuốc thú y trung ương Vetvaco (20 tỷ đồng), cùng 2 công ty là Công ty Cổ phần Thể dục thể thao Việt Nam, Công ty Cổ phần Dịch vụ truyền hình – Viễn thông Việt Nam.
Hương Dịu