Bản đồ bán dẫn toàn cầu: Các khuyến khích tài chính và hàm ý với Việt Nam

Bản đồ bán dẫn toàn cầu: Các khuyến khích tài chính và hàm ý với Việt Nam 29/10/2024 17:10:00 342

Cỡ chữ:A- A+
Tương phản:Giảm Tăng

Bản đồ bán dẫn toàn cầu: Các khuyến khích tài chính và hàm ý với Việt Nam

29/10/2024 17:10:00

Ngày 29/10/2024, Đoàn Thanh niên Bộ Tài chính phối hợp với Đoàn Thanh niên của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGSTCQG), Đoàn Thanh niên Ban Kinh tế Trung ương và Đoàn Thanh niên Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Tọa đàm với chủ đề "Bản đồ bán dẫn toàn cầu - Các khuyến khích tài chính và hàm ý với Việt Nam".

Tham dự Tọa đàm có ông Dương Ngọc Sơn, Ủy viên Ban chấp hành đoàn khối, Bí thư Đoàn thanh niên UBGSTCQG; bà Nguyễn Thị Huyền Trang, Ủy viên Ban chấp hành đoàn khối, Bí thư Đoàn Thanh niên Ban Kinh tế Trung ương; ông Phạm Hoàng Hà, Bí thư Chi đoàn Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Đại diện đoàn thanh niên Bộ Tài chính); ông Phạm Mạnh Cường, Bí thư Chi đoàn CIEM và đại diện đoàn viên chi đoàn đến từ các đơn vị.

Đến dự Tọa đàm có ThS. Nguyễn Thị Hải Bình, Đảng Ủy viên, Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát, UBGSTCQG. Về phía khách mời, có sự tham gia của ông Nguyễn Ngọc Điệp - Phó bí thư, chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Đoàn khối; TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc; TS. Nguyễn Tuệ Anh, Chuyên gia nghiên cứu cao cấp về chính sách công, Đại học Tổng hợp London.

Tọa đàm được tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các đoạn viên nâng cao hiểu biết, cập nhập kiến thức, trao đổi góc nhìn đa chiều hơn về ảnh hưởng của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu tới Việt Nam, từ đó đưa ra những kiến nghị chính sách đối với Việt Nam trong giai đoạn tới.

ThS. Nguyễn Thị Hải Bình - Trưởng ban Nghiên cứu và Điều phối chính sách giám sát (UBGSTCQG) phát biểu khai mạc Tọa đàm

Phát biểu tại Tọa đàm,ThS. Nguyễn Thị Hải Bình cho biết, ngành công nghiệp bán dẫn đang thu hút sự quan tâm chú ý của nhiều quốc gia trên thế giới trong những năm gần đây. Có thể thấy, đây là thời cơ lớn để Việt Nam có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu của ngành công ghiệp bán dẫn. Điều này thể hiện qua một số lợi thế của Việt Nam như: Đảng và Nhà nước quan tâm, có nhiều chính sách ưu tiên cho ngành công nghiệp bán dẫn; ổn định về chính trị xã hội, kinh tế vĩ mô; dân số đông và trẻ; môi trường đầu tư ngày càng thông thoáng... Nắm bắt cơ hội này, ngày 21/9/2024, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1018/QĐ-TTg về Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Trong đó, phấn đấu đến năm 2050, Việt Nam hình thành ít nhất 300 doanh nghiệp thiết kế, 03 nhà máy chế tạo chip bán dẫn, 20 nhà máy đóng gói, kiểm thử sản phẩm bán dẫn, làm chủ nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực bán dẫn. Quy mô doanh thu công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam đạt trên 100 tỷ USD/năm, giá trị gia tăng tại Việt Nam đạt từ 20 - 25%. Điều này thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ của Chính phủ trong việc xây dựng và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.

Ông Phạm Hoàng Hà - Bí thư Chi đoàn Viện Chiến lược và Chính sách tài chính

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Hoàng Hà cũng nhấn mạnh, Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi để phát triển hệ sinh thái ngành công nghiệp bán dẫn, trở thành bộ phận quan trọng trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Trong xu hướng đa dạng hóa chuỗi cung ứng và diễn biến phức tạp về địa chính trị trên thế giới, để tận dụng nguồn nhân lực, các doanh nghiệp ngành công nghiệp bán dẫn đã và đang chuyển hướng đến các nước khu vực châu Á để đặt trụ sở, nhà máy. Việt Nam có một số lợi thế chính để khẳng định mình đã sẵn sàng cho ngành công nghiệp bán dẫn. Hiện đã có hơn 50 doanh nghiệp trong ngành công nghiệp bán dẫn đã hoạt động tại Việt Nam như Intel, Amkor, Hana Micron và sắp tới là Nvidia - Tập đoàn đi đầu thế giới về chip bán dẫn...”. Hiện nay, Đảng, Nhà nước đang xây dựng nhiều cơ chế, chính sách đột phá thúc đẩy ngành công nghiệp này. Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là căn cứ quan trọng với các định hướng, mục tiêu và giải pháp nhằm hiện thực hóa tham vọng trở thành một trong các trung tâm công nghiệp bán dẫn toàn cầu trong tương lai.

TS. Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc

Phát biểu tại Tọa đàm, TS. Phạm Sỹ Thành đã chia sẻ thêm về tổng quan về ngành bán dẫn toàn cầu, cũng như một số khuyến khích tài chính cho ngành bán dẫn tại một số quốc gia. Theo đó, hiện đang diễn ra một cuộc đua bán dẫn toàn cầu, tiêu biểu như tại Hoa Kỳ, Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn, các quốc gia này thường tập trung vào 2 nhóm chính sách: (i) Chính sách hỗ trợ trước: Hỗ trợ về tài chính, trợ cấp, cho vay tín dụng; (ii) Chính sách hỗ trợ sau: Thuế doanh thu; thương mại và thuế liên quan đến thương mại; khấu trừ thuế nghiên cứu và phát triển; mua sắm chính phủ. Các hình thứ hỗ trợ trước nhằm mục tiêu giảm chi tiêu vốn cho doanh nghiệp, trong khi đó, các hình thứ hỗ trợ sau góp phần giảm chi phí vận hành, giảm thuế cho doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Tuệ Anh - Chuyên gia nghiên cứu cao cấp về chính sách công, Đại học Tổng hợp London

Chia sẻ thêm về chính sách phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Hoa Kỳ, TS. Nguyễn Tuệ Anh cho biết, Hoa Kỳ là quốc gia chiếm thị phần lớn nhất trong ngành công nghiệp bán dẫn. Đặc trưng chính trong chính sách bán dẫn tại Hoa Kỳ chủ yếu gồm: Mô hình đổi mới trong khủng hoảng và tối hậu thư an ninh quốc gia; Nhà nước khởi tạo và cánh tay cơ quan đổi mới; kiểm soát và kết hợp; lực lượng lao động toàn diện và thu hút nhân tài. Trong đó, nhấn mạnh vai trò của nhà nước trong việc kích thích nghiên cứu cơ bản, kiến tạo cơ hội cho khoa học, sở hữu trí tuệ và ứng dụng; kết nối các khu vực, kiểm soát và định hướng.

Bên cạnh đó, Hoa Kỳ cũng sử dụng các khuyến khích tài chính như: (i) Tài trợ trực tiếp : Thông qua quỹ khuyến khích CHIPS cung cấp trợ cấp cho 5 - 15% tổng chi phí dự án; Các cơ quan đổi mới liên bang có xu hướng tài trợ những gì cần thiết, lên đến một tỷ lệ phần trăm của chi phí dự án (không phải toàn bộ); (ii) Hỗ trợ tín dụng: Các khoản vay và bảo lãnh vay từ Đạo Luật CHIPS; các khoản vay từ tiểu bang Oregon; (iii) Quỹ ươm tạo: Quỹ ươm tạo sẽ cung cấp vốn mồi thông qua các cơ quan tài trợ liên bang; (iv) Thuế: Đạo Luật CHIPS, khấu trừ 25% cho các khoản đầu tư đủ điều kiện trong việc xây dựng hoặc mở rộng cơ sở sản xuất; Đạo luật cắt giảm thuế và việc làm năm 2017, nghiên cứu và phát triển sẽ được khấu trừ thuế trong thời gian 5 năm những không được trừ hết trong năm đầu tiên - các công ty nghiên cứu và phát triển lớn phải chịu thuế cao hơn; khấu trừ thuế cấp tiểu bang (đối với đầu tư, nghiên cứu và phát triển) có sẵn tại ít nhất 12 tiểu bang; tín dụng tạo việc làm tại một số tiểu bang Colorado, New York...

Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Tọa đàm đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp, chia sẻ của các nhà nghiên cứu, đoàn viên các chi đoàn về xu hướng và các yếu tố ảnh hưởng đến ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu hiện nay; kinh nghiệm các nước về khuyến khích tài chính nhằm phát triển ngành công nghiệp bán dẫn; đánh giá những tiềm năng và thách thức đặt ra cho Việt Nam trong phát triển công nghiệp bán dẫn, từ đó đặt ra những yêu cầu về chính sách tài chính nhằm thúc đẩy Việt Nam tham gia một cách mạnh mẽ vào hệ sinh thái bán dẫn trên toàn cầu...

Những ý kiến đóng góp sẽ giúp cho đoàn viên của các chi đoàn nâng cao kiến thức, tầm nhìn chính sách, phục vụ tốt cho công tác chuyên môn trong thời gian tới.

Chinh Nguyễn

Bình chọn

Điểm bình chọn
0 / 5
Tổng 0 lượt bình chọn
5
0%
4
0%
3
0%
2
0%
1
0%