(Thoibaotaichinhvietnam.vn) Trong cuộc trò chuyện với phóng viên TBTCVN, ông Trần Ngọc Báu - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần WiGroup, chuyên gia về kinh tế vĩ mô và tài chính tiền tệ cho rằng, tỷ giá USD/VND vẫn tiếp tục gặp nhiều áp lực và biến số khó lường năm 2025. Việt Nam chỉ có thể nới lỏng hạ lãi suất hoặc bơm tiền vào nền kinh tế để có nhiều không gian hơn hỗ trợ nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp khi chính sách của FED nới lỏng nhanh, mạnh hơn.

Ông Trần Ngọc Báu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần WiGroup, chuyên gia về kinh tế vĩ mô và tài chính tiền tệ.
Sau một năm chứng kiến sự đảo chiều chính sách tiền tệ tại nhiều quốc gia lớn trên toàn cầu thông qua làn sóng cắt giảm lãi suất điều hành, tưởng chừng xu hướng nới lỏng tiền tệ mạnh mẽ hơn, đồng pha với chính sách tiền tệ tại Việt Nam và xoa dịu áp lực tỷ giá. Tuy nhiên, tỷ giá USD/VND vẫn căng thẳng ngay đầu năm 2025 khi đồng USD biến động khó lường, có thời điểm chỉ số DXY vượt ngưỡng 110 điểm.
Sức mạnh đồng USD chỉ suy giảm 1 tuần gần đây, đặc biệt sau khi ông Donald Trump chính thức nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ, ký sắc lệnh mới và dự kiến triển khai nhiều chính sách mới dự kiến tác động lớn tới nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
PV: Nhiều dự báo cho thấy giá USD có thể vượt 26.000 đồng năm nay, không ít chuyên gia để ngỏ khả năng điều hành chính sách tiền tệ sẽ đảo chiều năm tới, thay vì tiếp tục duy trì xu hướng nới lỏng do còn nhiều nhân tố đẩy lãi suất lên cao hơn là suy giảm. Ông nghĩ sao về quan điểm này và nhân tố nào khiến sức ép tỷ giá vẫn căng thẳng đầu năm 2025?
Ông Trần Ngọc Báu: Dù Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã hạ lãi suất nhưng tỷ giá vẫn áp lực trong giai đoạn vừa qua, tôi cho rằng, cần kể đến ba nguyên nhân cốt lõi sau.
Đầu tiên, FED hạ lãi suất từ tháng 10/2024 nhưng Việt Nam đã hạ lãi suất đón đầu trước đó. Hơn nữa, khung chính sách lãi suất hiện tại của FED vẫn đang cao hơn lãi suất chính sách của Việt Nam từ 0,5 - 1%. Hay nói cách khác, lãi suất của chúng ta nếu tính cả phần bù rủi ro vẫn thấp hơn lãi suất của FED rất nhiều. Hoa Kỳ vẫn là sự lựa chọn hấp dẫn hơn với dòng vốn đầu tư quốc tế.
Hai là, sức khỏe kinh tế Hoa Kỳ tốt hơn so với phần còn lại của thế giới, lãi suất của Hoa Kỳ cũng hấp dẫn hơn so với phần còn lại của thế giới. Do đó tạo nên sự dịch chuyển dòng vốn vào các tài sản tại Hoa Kỳ và sự hấp dẫn của đồng USD so với các đồng tiền khác là khó tránh khỏi. Xu hướng mạnh lên của đồng USD vẫn không suy giảm kể cả khi Hoa Kỳ đã bắt đầu bước vào chu kỳ giảm lãi suất. Vấn đề tỷ giá không chỉ riêng của mỗi Việt Nam.
Thị trường toàn cầu cũng đang dành nhiều sự quan tâm, chú ý đến các hành động, chính sách của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sau lễ tuyên thệ nhậm chức ngày 20/01, đặc biệt là một số chính sách bảo hộ nhằm nâng cao lợi ích kinh tế và bắt đầu kỷ nguyên vàng của Hoa Kỳ. Những chính sách này tác động ra sao đến sức mạnh đồng USD là điều cần quan tâm thời gian tới.
Thứ ba, chính sách tiền tệ của chúng ta theo đuổi đa mục tiêu khi vừa muốn duy trì mặt bằng lãi suất thấp, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ổn định tỷ giá trong bối cảnh đầy biến động. Điều này khiến chính sách tiền tệ trong nước khó có thể xử lý dứt điểm bất cứ mục tiêu nào mà bị "đẩy đưa" qua lại giữa hai dòng nước.
Chính điều này làm ảnh hưởng niềm tin của thị trường vào sự hiệu quả trong điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Mối lo ngại tỷ giá biến động một lần nữa kích thích tâm lý nắm giữ USD, hạn chế vay USD hoặc đưa USD về nước.
Tựu trung, tỷ giá tiếp tục gặp áp lực, dưới sức ép từ yếu tố bên ngoài khi USD mạnh lên; yếu tố bên trong là thách thức khi điều hành chính sách đa mục tiêu, trong đó có kiểm soát tỷ giá; yếu tố tâm lý.
PV: Cũng có ý kiến cho rằng, sự suy giảm của đồng USD chỉ xảy ra khi chu kỳ cắt giảm lãi suất đi đến hồi kết trong vài năm tiếp theo. Theo sự quan sát của ông nhiều năm qua, nhận định là chính xác hay không, vì sao?
Ông Trần Ngọc Báu: Tôi cho rằng, quan điểm này còn tùy vào tình huống kinh tế Mỹ có hạ cánh cứng hay không. Nếu kinh tế Hoa Kỳ hạ cánh cứng thì Hoa Kỳ phải hạ nhanh lãi suất về 0% và sau đó là nới lỏng định lượng, sức mạnh đồng USD có thể sẽ suy yếu nhanh. Trong tình huống này, nhận định nêu trên là chính xác.
Trong trường hợp kinh tế Hoa Kỳ hạ cánh mềm hoặc khả quan hơn là không hạ cánh, quan điểm trên lại không chính xác. Bởi đồng USD sẽ tiếp tục được hưởng lợi nhờ kinh tế Hoa Kỳ khỏe và lãi suất của Hoa Kỳ duy trì ở mức cao. Nếu các nền kinh tế lớn khác như Trung Quốc, EU và Nhật... tiếp tục lúng túng với câu chuyện phục hồi, đồng USD có thể còn mạnh mẽ hơn nữa, kể cả khi lãi suất của Hoa Kỳ kết thúc hành trình cắt giảm.
PV: Ông đánh giá thế nào về những biện pháp giảm căng thẳng tỷ giá, giữ sức mạnh đồng nội tệ năm vừa qua?
Ông Trần Ngọc Báu: Trong năm 2024, NHNN đã áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp để giảm căng thẳng tỷ giá trong bối cảnh áp lực từ toàn cầu là rất lớn. Các biện pháp này bao gồm bán ra thị trường khoảng 9,5 tỷ USD theo ước tính, đưa dự trữ ngoại hối về gần 81 tỷ USD. Điều này gián tiếp hút bớt khoảng 240 nghìn tỷ đồng ra khỏi nền kinh tế, từ đó, xoa dịu áp lực tỷ giá tại những giai đoạn mà nhu cầu USD thực để thanh toán cao điểm.
Cũng trong năm vừa qua, nhà điều hành tăng lãi suất bán tín phiếu trên thị trường mở từ trung bình 3,9% lên 4%, song song với đó, hút bớt thanh khoản khỏi hệ thống, có thời điểm số dư tín phiếu đạt gần 93 nghìn tỷ đồng. Hành động này giúp duy trì lãi suất liên ngân hàng trong nước quanh mức 4%, không quá thấp so với lãi suất điều hành FED Fund Rate của Hoa Kỳ, từ đó, giảm tải áp lực lên đầu cơ tỷ giá ngắn hạn.
Mặt khác, NHNN tăng tỷ giá trung tâm từ 23.866 đồng/USD vào cuối năm 2023 lên 24.327 đồng/USD cuối năm 2024, song song với đó là tăng tỷ giá bán ra của NHNN từ 25.009 đồng/USD lên 25.450 đồng/USD vào cuối năm 2024. Hai hành động phối hợp đồng bộ, một mặt, giúp mở thêm không gian giúp tỷ giá bám sát diễn biến thị trường hơn nhưng cũng đảm bảo không biến động quá lớn gây áp lực đến nền kinh tế.
Cuối cùng, thanh kiểm tra, giám sát giao dịch ngoại hối chính thức tại các ngân hàng, tránh hiện tượng trục lợi, liên thông giữa thị trường chính thức và chợ đen. Đồng thời, thắt chặt các quy định về giao dịch ngoại tệ của các tổ chức tài chính và cá nhân, đặc biệt trong các thời điểm biến động căng thẳng. Tôi cho rằng, nhà điều hành sẽ tiếp tục triển khai các biện pháp điều hành tỷ giá linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường, giúp ổn định các cân đối kinh tế vĩ mô, tiền tệ, cán cân thanh toán và phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ năm 2025.
PV: Xin cảm ơn ông!
Ánh Tuyết